(HBĐT) - Những ngày đầu xuân, xã Dũng Phong (Cao Phong) rộn ràng hẳn lên bởi không khí lễ hội Khai mùa Mường Thàng. Từ các cụ cao niên đến nam thanh, nữ tú đều hồ hởi tập luyện và chuẩn bị các phần việc để lễ hội diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 6 - 7 Tết. Năm 2018 là năm đầu tiên lễ hội được khôi phục tổ chức với quy mô cấp huyện. Không chỉ ở Dũng Phong mà không khí lễ hội lan tỏa đến các xã, thị trấn trong huyện.
Nghi lễ rước kiệu từ miếu Cả ở xóm Đỏng Ngoài về sân vận động xã Dũng Phong (Cao Phong) được phục dựng tại lễ hội Khai mùa Mường Thàng năm 2018.
Đồng chí Bùi Văn Liển, Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết: Lễ hội Khai mùa Mường Thàng được xã khôi phục tổ chức từ năm 2013 nhưng là quy mô cấp xã. Từ năm 2017, huyện có chủ trương khôi phục lễ hội với quy mô cấp huyện, cán bộ, nhân dân rất phấn khởi, mong chờ. Hàng vạn người dân khắp trong và ngoài huyện, du khách đến tham dự cho thấy sức hấp dẫn của lễ hội.
Theo lịch sử của lễ hội, lễ hội Khai mùa Mường Thàng dựa trên cơ sở lễ hội Xuống đồng "Khuống đồng” của dân tộc Mường. Đây là lễ hội có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống và tâm linh của nhân dân. Việc tổ chức lễ hội nhằm tỏ lòng tôn kính và cảm ơn Tam vị Tản viên Sơn Thánh đã phù hộ cho dân bản Mường no ấm, yên vui. Đồng thời, tưởng nhớ công lao của thành Hoàng làng, Thổ công, Thổ địa. Lễ hội còn được tổ chức như để tổng kết một năm sản xuất và mở đầu chu kỳ sản xuất mới. Thông qua lễ hội, quan hệ cộng đồng thêm gần gũi, đoàn kết.
Hàng năm, cứ đầu xuân, nhân dân xóm Đỏng Ngoài, xã Dũng Phong lại chuẩn bị tổ chức lễ hội, địa điểm tại bãi ruộng rộng. Trước lễ hội khoảng 15 ngày, nhân dân cắt cử người dọn dẹp sạch sẽ xóm làng, phát quang bãi ruộng. Trước đây, để có một lễ hội long trọng, quy mô thì phải có người đứng ra tổ chức. Lang cun trong xã đứng lên quyên góp tiền của nhân dân hoặc giao cho các ậu cai quản các vùng để phục vụ tổ chức lễ hội. Công việc chỉ đạo, sắp xếp đều do nhà lang đứng ra. Ngoài ra có thầy mo để làm lễ, dân làng chuẩn bị lễ. Ngoài công việc chuẩn bị chung, có phần chuẩn bị về nhân lực, trang phục, đội hình tế lễ, lễ vật. Phần nghi thức, nghi trình của lễ hội diễn ra trong 2 ngày. Phần hội bắt đầu sau khi phần lễ kết thúc. Ngày xưa, lễ hội thường tổ chức hát ví, đúm, đánh chiêng, thi bắn súng hỏa mai, đấu vật, ném còn, đánh đu và các trò chơi dân gian.
Từ năm 1946 đến năm 2012, lễ hội bị gián đoạn và từ năm 2013 - 2017 được tổ chức với quy mô cấp xã. Đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Việc phục dựng lễ hội là mong mỏi của cán bộ, nhân dân Mường Thàng. Huyện đã phối hợp với Sở VH-TT&DL nghiên cứu, tìm hiểu, phục dựng lại các nghi thức truyền thống. Lễ hội Khai mùa Mường Thàng năm 2018 được tổ chức nhằm khôi phục, tái hiện, lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc. Đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và tâm linh của nhân dân trong vùng. Tạo không khí vui tươi, lành mạnh và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của xã Dũng Phong nói riêng, vùng Mường Thàng nói chung. Hoạt động lễ hội này đại diện cho một vùng Mường trong 4 Mường lớn của tỉnh nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch trong tương lai.
Lễ hội năm nay gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ truyền thống và nghi lễ Nhà nước. Trong phần lễ truyền thống, nhân lực tổ chức gồm 121 người: 1 thầy cúng, 1 chủ tế, 1 người đánh trống chỉ huy, 12 phụ tế, 15 người đội hình cầu kiều, 8 người khênh kiệu, 2 người bê lọng, 8 người cầm bát bửu, 12 người cầm cờ, đội nhạc ngũ âm 5 người, 50 người đánh chiêng, 2 người bê lễ quả, 4 người bê nước. Chiều mùng 5 Tết tiến hành lễ cúng của làng 3 mâm tại miếu Cả Mường Thàng ở xóm Đỏng Ngoài, cúng Tam vị Tản viên Sơn Thánh, Thành hoàng, Thổ công, Thổ địa.
Sáng mùng 6 âm lịch, ngoài tiếp tục lễ cúng tại xóm Đỏng Ngoài, tiến hành lễ cúng của làng 1 mâm tại mộ công chúa thời Lê tại xóm Xương Đầu, xã Dũng Phong. Các mâm lễ làng được đặt lên 3 chiếc đòn gánh buộc chéo nhau tạo 3 chân để đặt mâm. Lễ của các gia đình được xếp theo hàng chiếu trải dưới đất ngoài miếu thờ. Khi bày đủ hết các mâm lễ, thầy cúng thắp hương, khấn xin xem chân gà. Riêng con gà cúng, nếu ai bắt được khi cúng xong sẽ được thưởng 1 cái đùi. Tiếp theo, thầy cúng và chủ tế cúng xin làm lễ rước nước từ giếng thần vào miếu. Nước được đưa về trước miếu trao cho thầy cúng dâng lên trước ban thờ cầu cho mọi việc sạch sẽ, mát mẻ, mọi người an lành, mạnh khỏe, mọi vật sinh sôi. Thầy cúng lấy nước làm mát mọi vật xung quanh. Sau đó là phần lễ tế thành hoàng với các nghi lễ: dâng hương, dâng rượu, dâng sớ (đọc bài cúng). Lễ rước kiệu được tổ chức từ miếu cả Mường Thàng về sân vận động xã Dũng Phong. Khi hồi trống, chiêng và nhạc tế dứt, sân khấu tĩnh lặng, ông Mo chậm rãi bước lên đọc lời cúng bằng tiếng Mường xin phép cho mở hội.
Sau phần lễ truyền thống là nghi lễ Nhà nước và màn nghệ thuật chào mừng với màn trình tấu chiêng Mường của 200 tay chiêng, tái hiện lịch sử của lễ hội, huyền thoại Vườn hoa núi Cối, giới thiệu các đặc trưng văn hóa, sản vật của Cao Phong. Kết thúc màn nghệ thuật, đội hình rước lễ, rước kiệu về miếu cả Mường Thàng.
Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động thi hát ví, đúm, trình tấu chiêng; các trò chơi ném còn, nhảy bao bố, thi đan rọ lợn, gà. Ngoài ra, còn có chương trình giao lưu văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc giữa các xã, thi gian hàng ẩm thực.
Theo dõi phần nghi lễ, hòa mình vào các hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian, các bậc cao niên ở xã Dũng Phong như ông Bùi Văn ọi, Bùi Thanh Mẻo hay Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Liển và thế hệ trẻ… đều hồ hởi, phấn khởi. Niềm vui như lan tỏa tới mỗi người dân Mường Thàng và du khách để mọi người vững tin vào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
Cẩm Lệ