Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở KH&CN tỉnh bàn giao bộ gõ và tài liệu học chữ Mường.
Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND, ngày 27/10/2016 của UBND tỉnh về triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, đầu năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng nội dung, đề xuất với Sở KH&CN triển khai đề tài "Xây dựng bộ gõ chữ Mường; biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường”. Mục tiêu nhằm quảng bá và đưa bộ chữ Mường vào trong đời sống dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Khẳng định bộ chữ Mường là chữ viết chính thức của dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường Hòa Bình.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Viện Ngôn ngữ học và các nhà khoa học ở T.Ư tiến hành các bước đảm bảo theo trình tự đề tài khoa học, công nghệ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Chủ nhiệm đề tài cũng đã tiến hành điều tra, điền dã, tổ chức tọa đàm, hội thảo…
Hội đồng nghiệm thu của tỉnh họp ngày 13/12/2017 đã nghiệm thu và cho phép ứng dụng bộ gõ chữ Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Việc biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường cũng đã hoàn thành và được nghiệm thu. Báo cáo về bộ gõ chữ Mường có hướng dẫn sử dụng, phần miêu tả cách viết, ngữ âm và tài liệu mã nguồn bộ gõ Unikey Mường. Về tài liệu học chữ Mường cho người biết nói tiếng Mường và biết tiếng Việt có 10 bài. Trong đó, 7 bài học và 3 bài ôn tập, được dạy trong thời lượng 45 tiết học. Cụ thể các bài: Khái quát về tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình. Giới thiệu bộ chữ và bộ gõ chữ Mường của dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình. Âm L, TL, CH và cách viết chính tả. Chữ W, âm K và cách viết chính tả. Ôn tập. Âm NG, X, Z và cách viết chính tả. Âm IE, UÔ, ƯƠ và cách viết chính tả. Cách viết Â, EE, ÊÊ, OO, ÔÔ, UU, ƯƯ. Ôn tập. Ôn tập tổng hợp.
Bộ chữ Mường được xây dựng trên cơ sở chữ Quốc ngữ. Do đó, tài liệu học chữ Mường chỉ tập trung vào những điểm khác biệt giữa bộ chữ Mường với chữ Quốc ngữ. Trong đó, chú ý tới 2 điểm quan trọng: phản ánh được đặc trưng của tiếng Mường và tạo được sự thống nhất trong cách viết, "đọc thế nào viết thế nấy”.
Đối với việc ứng dụng bộ chữ Mường vào cuộc sống, hiện nay, Báo Hòa Bình đã triển khai thử nghiệm chuyên Trang Tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử.
Tại hội nghị, các ý kiến tập trung vào đề xuất Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành các nhiệm vụ triển khai thống nhất, đồng bộ. Các cơ quan Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh, Sở GD&ĐT, Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch phổ biến, dạy, học và ứng dụng chữ Mường trong thực tiễn.
Cẩm Lệ