(HBĐT) - Về với đất Mường Hòa Bình, du khách không chỉ có cơ hội tham quan những di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn được trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực phong phú, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Một trong số đó có cơm Lam. Với cách chế biết đặc biệt và hương vị độc đáo, cơm lam Hòa Bình đã trở thành một món ăn độc đáo, ấn tượng.


Cơm lam được bày bán tại cổng khu du lịch sinh thái suối khoáng Kim Bôi.

Không biết món cơm lam ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng trước đây người dân miền núi thường xuyên phải đi rừng dài ngày, có những đợt kéo dài nửa tháng. Do không tiện mang xoong nồi đi để nấu, họ chỉ mang theo bên mình một chút gạo và ít muối trắng hoặc cầu kì hơn là mang theo mấy miếng thịt ướp để làm lương thực. Khi gần đến bữa ăn, họ sẽ chặt ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và nước vừa đủ vào bên trong ống sau đó sẽ cho vào bếp lửa để nướng. Đây là cách làm chín gạo thành cơm mà không cần đến xoong, nồi. Bên cạnh cơm lam, người ta còn nghĩ ra cách làm cá lam, thịt lam....

Cách chế biến cơm lam rất đơn giản mà hầu như người con nào sinh ra từ núi rừng Tây Bắc cũng biết làm. Đầu tiên là khâu chọn ống nứa, muốn có ống cơm lam thơm ngon, đẹp mắt thì phải chọn cây nứa tươi, có vỏ ngoài xanh đậm, chặt khúc dài khoảng 30cm. Kế tiếp là khâu chọn gạo nếp: Gạo để làm cơm lam là loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn, mẩy, màu trắng sữa và có mùi thơm. 

Đầu tiên, vo gạo cho sạch, ngâm khoảng 6-8 tiếng, sau đó vớt ra rổ để ráo. Tiếp đến, đổ gạo vào ống, cho nước ngập gạo và lấy lá chuối khô hoặc cắt mía thành khúc nhỏ dài 3cm để nút ống cơm lam. Lưu ý, khi đổ gạo không đổ đầy ống mà cách ra một khoảng để khi gạo chín sẽ nở đầy miệng ống. 

Khi hoàn tất công đoạn chuẩn bị, ống cơm lam sẽ được đem nướng trên lửa. Trong lúc nướng, liên tục xoay ống nứa để cơm được chín đều. Để ý thấy hơi nước bốc ra từ nắp có mùi thơm là cơm lam đã chín. Lấy dao chẻ lớp vỏ bên ngoài, chỉ để lại lớp lạt mỏng. Khi ăn, bóc vỏ rồi ăn cùng với muối vừng hay đơn giản chỉ là muối trắng cũng rất ngon. 

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao, cách làm cơm lam cũng đã có đôi chút nét đổi khác. Bên cạnh cơm lam thông thường còn có cơm lam nước dừa, cơm lam ngũ sắc, cơm lam lạc.... Người dân cũng không còn làm cơm lam để ăn khi đi rừng đi núi nữa mà nó đã trở thành món ăn gắn bó với đời sống hằng ngày của người dân. 

Không chỉ vậy, cơm lam không đơn giản dùng để "ăn cho qua bữa” mà đã được nâng tầm lên thành sản phẩm du lịch. Nó đã trở thành món quà mang về xuôi mỗi khi du khách có dịp lên Hòa Bình. Cơm lam còn có mặt ở rất nhiều nhà hàng lớn nhỏ ở thành phố Hà Nội. Món ăn tưởng chừng đơn giản, dân dã đã trở thành thương hiệu của mảnh đất Hòa Bình. 

Cầm trên tay ống cơm lam – một sản vật của dân tộc mình, trong tim tôi cũng dâng lên một cảm xúc khó tả. Là một người con của mảnh đất Mường, sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nền văn hóa dân tộc, tôi luôn trân trọng những sản vật mang đậm nét văn hóa dân tộc. Và hơn cả là tâm trạng phấn khởi khi thấy sản vật ấy được giới thiệu rộng rãi đến người dân mỗi khi có dịp đến Hòa Bình. 

Chị Bùi Thị Nguyên, người làm cơm lam lâu năm tại suối khoáng Kim Bôi (huyện Kim Bôi) cho biết: " Trong vài năm gần đây, khách du lịch mua cơm lam ngày càng nhiều, một phần họ mua để ăn luôn tại chỗ, một phần họ mua về làm quà biếu bạn bè, người thân. Nhờ vào việc làm cơm lam, kinh tế gia đình tôi và một số hộ khác cùng làm cơm lam cũng được cải thiện lên từng ngày.” 

Chia sẻ với chúng tôi khi đang chọn mua cơm lam, Ông Mai Đình Tú (phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) nói: " Tôi thường xuyên đưa vợ con lên Hòa Bình chơi, lần nào lên cũng mua cơm lam về làm quà. Mọi người ở cơ quan và gia đình tôi thích lắm, lần nào tôi có dịp lên Hòa Bình cũng nhắc mua cơm lam.” 

Trải qua thời gian, qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, cơm lam vẫn luôn hiện hữu trong đời sống của người dân xứ Mường. Một món ăn tưởng chừng như đơn giản ấy lại mang trong mình những giá trị văn hóa đặc biệt, chứa đựng những ý tưởng độc đáo của người dân bản địa.

Khánh Linh

(Sinh viên kiến tập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)


Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục