Di sản đô thị không chỉ là từng công trình riêng lẻ mà còn là cảnh quan khu vực trung tâm, bởi tính hài hòa giữa quy hoạch chung với kiến trúc, chức năng các công trình và sinh hoạt đời sống cộng đồng.
Ở quận 1, tuyến phố Lê Duẩn - Nguyễn Du - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Pasteur - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Tôn Đức Thắng tập hợp thành cảnh quan đặc trưng của đô thị Sài Gòn. Cùng với các giá trị lịch sử, kiến trúc nó còn rất thân thuộc với nhiều thế hệ người Sài Gòn và du khách, là một phần quan trọng của "ký ức đô thị”. Phá hủy hoặc làm biến dạng khu vực này chính là hành động xóa đi một phần lịch sử của thành phố.
Thời gian qua, nhiều công trình cao tầng hiện đại xây dựng ở vùng lõi đô thị Sài Gòn đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc tiêu biểu, nhiều công trình cổ ở những "khu đất vàng” đã bị phá huỷ để xây công trình mới, nhiều kiến trúc bị chuyển đổi công năng sử dụng nên thay đổi cấu trúc, cơi nới, biến dạng… Và nay đến lượt công trình Dinh Thượng Thơ cùng chung số phận.
Công trình Dinh Thượng Thơ tuổi đời khoảng 130 năm có chức năng là công sở hành chính sớm nhất, nằm trong "vùng di sản, vùng ký ức”, trên trục đường xưa nhất của đô thị Sài Gòn là đường Đồng Khởi, hiện nay hầu như không còn công trình nào có tuổi đời và hình thức kiến trúc tương tự còn tồn tại. Đó là những lý do quá đủ để phải bảo tồn công trình như một chứng tích của lịch sử phát triển Sài Gòn nói chung và một minh chứng cho lịch sử kiến trúc của thành phố nói riêng.
Lấy lý do đây là "công trình không được xếp hạng” để nhất định phá hủy, xây công trình mới là không thuyết phục. Vấn đề là chính quyền thành phố có muốn bảo tồn hay không?
Còn nhớ vào cuối năm 1997, khi bảo tàng lịch sử TPHCM vừa khai quật xong di tích khu lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8), nhận thấy giá trị đặc biệt của di tích, chính quyền thành phố đã khẩn trương làm hồ sơ và Bộ VHTTDL lúc đó đã có ngay quyết định công nhận đây là Di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Cho nên nếu muốn thì việc công nhận di tích Dinh Thượng Thơ, đưa vào danh sách công trình cần bảo tồn của thành phố là hoàn toàn khả thi.
Thực trạng việc bảo tồn di sản trong nhiều năm qua cho thấy, mấu chốt vấn đề là việc chính quyền có thực sự coi trọng di sản lịch sử của thành phố hay không?
Di sản là của chung cộng đồng vì những giá trị của nó chứ không phải chỉ là "mảnh đất vàng”, tòa nhà "vô giá trị” với nhà đầu tư. Nếu muốn, phương án bảo tồn Dinh Thượng Thơ đã phải được chính quyền đặt ra cho chủ đầu tư công trình mới và các cơ quan chức năng liên quan, và thực tế đã có trong phương án công bố trước đây. Tuy nhiên, phương án hiện nay đã quyết định phá hủy Dinh Thượng Thơ, thêm một lần nữa di sản thành phố phải nhường chỗ cho một dự án mới.
Thật đau xót khi phải chứng kiến những gì làm nên "hồn cốt” đô thị Sài Gòn lần lượt biến mất: Khu vực Ba Son, cảnh quan đường Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Đồng Khởi, các công trình Givral, Eden, công viên Lam Sơn, bùng binh Nguyễn Huệ, bùng binh Chợ Bến Thành...
Và bây giờ là mặt phố Lý Tự Trọng mang đặc trưng tính chất công sở ngay sau lưng tòa nhà UBND, trong đó có công trình Dinh Thượng Thơ.
Việc ứng xử với di sản đô thị thế nào không chỉ phản ánh "tâm và tầm” của nhà quản lý đô thị mà đó còn là trình độ văn minh của một chính quyền.
"Thực trạng việc bảo tồn di sản trong nhiều năm qua cho thấy, mấu chốt vấn đề là việc chính quyền có thực sự coi trọng di sản lịch sử của thành phố hay không?”