(HBĐT) - Vì sao người Mường có thể hát đối đáp với nhau thâu đêm, suốt sáng, ngày này qua ngày nọ? Trong những câu hát rất đỗi đời thường, dung dị đó có điều gì mà trong các ngày hội, lễ Tết lại thu hút hàng nghìn người dân chăm chú lắng nghe, tán thưởng? Đã không ít lần chúng tôi đặt câu hỏi đó với những nghệ nhân hay bà con dân tộc Mường về sự hấp dẫn trong những câu hát đối (hay còn gọi là hát đúm, hát đúp, hát ví) và nhận được những lý giải hết sức đơn giản, đó là vì giọng hát hay, vì cách đối đáp quá đỗi thông minh, linh hoạt.


 

Cách gieo vần theo thể thơ lục bát

Phải thừa nhận rằng, không dễ để tìm gặp được những người hát giỏi và am hiểu về hát Mường, khi mà những buổi hát thâu đêm với khán giả chật kín ngôi nhà sàn đã trở thành những miền ký ức. Dù vậy, ít nhất trong 1 năm, những người yêu câu hát Mường có dịp hoài niệm khi hát đối vẫn là một trong những sinh hoạt văn hóa nổi bật ở các lễ hội Khai hạ vào ngày mùng 6, 7, 8 Tết ở bốn Mường rộng lớn trong tỉnh. Ở Mường Vang (Lạc Sơn) có không ít cây hát (cách gọi những người hát giỏi - PV), nhưng "cái nôi” sản sinh ra nhiều giọng ca nổi tiếng nhất có lẽ là ở xã Liên Vũ và các xã vùng cao như: Ngọc Lâu, Tự Do, Ngọc Sơn.

Chúng tôi được đồng chí Bùi Văn Tú, cán bộ văn hóa xã Liên Vũ dẫn đến gặp ông Quách Văn Trận, một cây hát có tiếng ở đất này. Vốn yêu thích những câu hát Mường, cùng với đó là năng khiếu trời cho nên từ khi lên mười tuổi, đã không ít lần ông Trận quên ăn, quên ngủ vì đi nghe các anh, các chị hát đối giao duyên. "Hát đối luôn hấp dẫn người nghe vì nó như một cuộc nói chuyện, lời thủ thỉ giữa nam với nữ. Trong cuộc hát, hai người thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình qua những câu hát. Đó là điều khác biệt lớn nhất giữa hát đối với hát thường đang”, ông Trận cho biết.

Theo ông Trận, để cuộc hát hấp dẫn, người hát không được để cuộc hát ngắt quãng, nghĩa là người nam hát xong thì người nữ phải đáp lời ngay và ngược lại. Như vậy, yếu tố "nhanh” là quan trọng nhất. Bà Quách Thị Tình, xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu - một cây hát nổi tiếng ở vùng cao huyện Lạc Sơn cũng chung nhận định với ông Trận. Bà Tình cho biết: Để hát đối được, ngoài giọng hát hay, người hát phải có vốn từ vựng phong phú, đặc biệt là sự thông minh, nhanh trí và khéo léo trong giao tiếp. Câu hát đối phải đúng với câu hỏi, vế đối mà người kia đưa ra, có vần, có điệu, nghe xuôi tai.


 

Ông Bùi Văn Trận (bên trái), một trong những cây hát nổi tiếng ở xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) chia sẻ về hát đối của người Mường.

Qua nghe những câu hát ông Trận, bà Tình thể hiện, có thể thấy, cách gieo vần hết sức khéo léo, được vận dụng theo cách gieo vần của thể thơ lục bát. Nghĩa là tiếng thứ 6 của câu sáu vần với tiếng thứ 6 của câu tám. Có thể dẫn chứng ra một số câu hát trong hát đối giao duyên như: Khi cuộc hát giao duyên gần đến hồi kết, giữa nam và nữ đã nảy sinh những tình cảm thì người nữ hát rằng: "Eng (anh) về hỏi mẹ, hỏi cha/ Có cho lấy vợ nơi xa, ún (em) chờ”, còn nam đáp lại: "Gia đình đồng ý ún ơi/ Để ta xây dựng sánh đôi vợ chồng”.

Là người sáng tác các bài hát Mường, bà Bùi Thị Xuân, xóm Vôi, xã Liên Vũ cũng khẳng định, cách gieo vần theo thể thơ lục bát là yếu tố tạo nên sự mềm mại trong những câu hát Mường. Trong cuốn sổ ghi chép những bài hát bà Xuân đã sáng tác, có thể thấy đó đều là những bài thơ lục bát được phổ nhạc theo giai điệu, làn điệu của dân ca Mường. Trong bài Hội đu Mường Vôi, bà Xuân viết: "Cổ truyền đu hội dân gian/ Vọng vang khúc hát với làn điệu xưa/ Xuống đồng cầu nắng, cầu mưa/ Dân làng sung túc, chiêm mùa bội thu”.

Say tiếng hát, ta về chung một nhà

 

Để sáng tác một bài thơ theo thể thơ lục bát là điều không dễ dàng. Ấy thế mà khi xưa những đôi trai tài, gái sắc của bản Mường hát thâu đêm, suốt sáng với nhau, có lẽ phải đến cả nghìn "bài thơ” ra đời sau mỗi buổi hát như vậy. "Có lần gặp mấy chị em ở trên xã Tự Do xuống dưới này đi chợ, chúng tôi hát mấy đêm liền. Trời sáng thì về đi làm đồng, tối lại hẹn nhau hát, càng hát càng hăng say. Nhiều khi nghĩ lại, không biết tại sao lúc đấy lại nhanh trí như vậy, có khi đối phương chưa hát xong thì trong đầu mình đã có sẵn câu hát đối lại”, ông Trận hóm hỉnh chia sẻ.

Câu chuyện đôi trai gái nên duyên vợ chồng nhờ hát đối không hiếm ở các bản làng của người Mường. Thật thú vị khi ông Trận là trường hợp như vậy. Theo ông Trận kể lại, năm ấy, ông là chàng thanh niên 21 tuổi cùng đám bạn ra chơi ở xã Bình Cảng. Trong cuộc hát đối đó, ông đã gặp và hát đối với vợ của mình suốt hơn bốn tiếng đồng hồ. Sau lần ấy, đôi trai gái đã tìm thấy một nửa của mình. Một thời gian sau đó, ông Trận được cha mẹ đem trầu cau ra hỏi cưới cô gái Bình Cảng xinh đẹp, hát hay về làm vợ.
Xưa kia, người hát giỏi được dân Mường trọng vọng không kém gì thầy mo. Có khách xa đến chơi, có đám cưới, đám hỏi, nhà mới hay lễ, Tết thì những cây hát luôn được chủ nhà, dân làng mời hát. Ngày nay, những cuộc hát thâu đêm như vậy đã trở thành thứ hiếm có, khó tìm ở các bản Mường. Những cây hát như ông Trận, bà Tình thi thoảng mới có dịp thể hiện tài năng của mình ở các hội làng, hội xã. Không quá khi nói rằng, những câu hát đối không chỉ thể hiện tài năng của người hát, mà còn là biểu hiện sinh động cho kho tàng dân ca truyền miệng phong phú của người Mường. Kho tàng ấy, giá trị văn hóa ấy cần có chỗ đứng vững chắc hơn nữa trong đời sống hiện đại.

 

Viết Đào


Các tin khác


Trao giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tỉnh Hòa Bình năm 2019

(HBĐT) - Ngày 6/3, Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tỉnh tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tỉnh Hòa Bình năm 2019. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở VH, TT&DL; cùng đại diện các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh.

Hai hoa hậu được vinh danh là “phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019”

Trong số "50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019" vừa được công bố, Hoa hậu H’Hen Niê là đại diện lĩnh vực Giải trí-Thể thao, Hoa hậu Hương Giang là đại diện thuộc lĩnh vực Hoạt động xã hội.

Du lịch tâm linh huyện Cao Phong thu hút khách

(HBĐT) - Huyện Cao Phong được biết đến với địa danh Mường Thàng, là một trong bốn vùng Mường cổ nổi tiếng của tỉnh. Huyện có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch, trong đó phải kể đến du lịch tâm linh. Trong những ngày đầu xuân, Cao Phong là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách và người dân trong, ngoài tỉnh.

Du ngoạn hồ Hòa Bình, chiêm bái đền Chúa Thác Bờ đầu xuân

(HBĐT) - Có 2 cách để đến đền Chúa Thác Bờ là xuất phát từ cảng Bích Hạ, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) và cảng Thung Nai, xã Bình Thanh (Cao Phong). Chúng tôi chọn xuất phát từ cảng Bích Hạ. Năm nay, khu vực cảng sạch sẽ, quy củ hơn. Lực lượng chức năng trực điều tiết, phân luồng, xếp lượt các tàu, thuyền. Dịch vụ tàu chở khách ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Nét đẹp trong trang phục truyền thống của đồng bào Tày

(HBĐT) - Rong ruổi trên con đường từ thị trấn Đà Bắc ngược lên các xã: Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng… không khó để bắt gặp những người phụ nữ dân tộc Tày trong bộ trang phục truyền thống. Đồng bào Tày chiếm tới 40,57% trong 5 dân tộc anh em cùng chung sống ở huyện Đà Bắc. Trong nhịp sống hiện đại, văn hóa dân tộc Tày về trang phục, chữ viết, phong tục tập quán luôn "hòa nhập nhưng không hòa tan”, nổi bật là việc giữ gìn, phát huy nét đẹp trong bộ trang phục truyền thống.

Phục dựng lễ hội truyền thống đình làng Quèn Thị

(HBĐT) - Theo lịch sử, làng Quèn Thị thuộc xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được khai sinh vài trăm năm về trước. Đầu tiên làng chỉ có 7 hộ từ nơi khác về đây an cư lập nghiệp. Sau đó, phát triển thành làng có tên gọi là làng Trại Mít, nay là làng Quèn Thị. Cách đây khoảng 300 năm, nhân dân làng Quèn Thị đã xây dựng đình làng để thờ phụng các vị thần Tản Viên Sơn, Cun Trưởng Thung, Thành Hoàng làng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục