Là bảo tàng quốc gia với nội dung trưng bày phong phú, đa dạng về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người, Bảo tàng Hồ Chí Minh lâu nay vẫn là điểm đến thường xuyên của đông đảo du khách trong nước và ngoài nước. Công chúng khi đến bảo tàng ngoài mục đích tìm hiểu, học tập, nghiên cứu còn có mong muốn được thư giãn, mua sắm, trải nghiệm. Đó là lý do gian lưu niệm về Bác Hồ chính thức được khai trương và đi vào hoạt động tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ đầu năm 2020. Đây cũng là bước đi phù hợp xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại trên thế giới. Đồng chí Tú Anh, Trưởng phòng Truyền thông của Bảo tàng cho biết: Ý tưởng đã có từ hơn hai năm nay và việc hình thành gian lưu niệm chính là hiện thực hóa đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã được nghiệm thu cuối năm 2019 của bảo tàng. Để thực hiện, một nhóm nghiên cứu với gần 10 cán bộ đã sắp xếp thời gian để đi khảo sát nhiều nơi nhằm tìm kiếm ý tưởng về sản phẩm, từ các bảo tàng, di tích, cửa hàng lưu niệm nổi tiếng trong nước đến những làng nghề thủ công truyền thống về gốm sứ, đúc đồng, mây tre đan, lụa tơ tằm, dệt thổ cẩm…; tham khảo mô hình trưng bày sản phẩm lưu niệm online của nước ngoài; trao đổi ý tưởng và đặt hàng với các nghệ nhân, điều tra nhu cầu du khách… Sau khi có danh mục sản phẩm là thời gian làm việc với đơn vị chuyên về thiết kế nội thất chuyên nghiệp để tạo ra một không gian trưng bày đồ lưu niệm bảo đảm tính thẩm mỹ, hấp dẫn khách tham quan… Tiêu chí để lựa chọn, phát triển sản phẩm lưu niệm là vừa mang tính văn hóa gắn liền thương hiệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, vừa có tính thẩm mỹ và chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và gần gũi, thân thiện với môi trường.
Theo đó, đến với gian lưu niệm, bên cạnh những sản phẩm mang dấu ấn của các làng nghề, hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam, du khách còn được tiếp cận với những món đồ lưu niệm mang tính độc quyền của Bảo tàng Hồ Chí Minh được chính các cán bộ bảo tàng nghiên cứu, phát triển. Gắn với mỗi sản phẩm lưu niệm này đều là những câu chuyện ý nghĩa, xúc động về Bác Hồ. Trong đó, tiêu biểu phải kể tới phiên bản đồng tiền vàng bản vị 20 đồng phát hành năm 1948 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các Bộ trưởng trong Chính phủ. Đây cũng là đồng tiền bản vị vàng đầu tiên của nước ta, tượng trưng cho hệ thống tiền tệ độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với đó là các phiên bản mô phỏng đôi dép cao-su Bác Hồ được làm từ đôi bàn tay khéo léo của gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân; khối mô hình 3D bằng pha-lê về hình tượng Bác Hồ; mô hình tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh; bộ nhận diện của Bảo tàng được khắc họa trên lá sen; hệ thống tranh cổ động về Bác được sản xuất dưới dạng bưu thiếp, đánh dấu sách, miếng dán; các bộ phim, cuốn sách về Bác Hồ được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau… Đặc biệt, hướng tới tính chuyên nghiệp và từng bước nâng cao hình ảnh nhận diện của bảo tàng, mỗi sản phẩm lưu niệm trước khi đến tay du khách đều được gắn tem, mác rõ ràng cùng bao bì, túi đựng được đồng bộ thiết kế mang thương hiệu riêng của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, đến với gian lưu niệm, khách tham quan còn được tham gia những hoạt động trải nghiệm thú vị như: thực hành làm dép cao-su Bác Hồ, in tranh Bác trên chất liệu giấy điệp; thực hiện quy trình làm nón gắn lá sen sấy khô… Những hoạt động này không chỉ mang đến những cảm xúc mới cho du khách mà còn biến những món quà lưu niệm trở nên sinh động, giàu ý nghĩa hơn. Đây cũng là cách lan tỏa, phát huy tốt hơn những giá trị tài liệu hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Bác đối với thế hệ sau. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: Trong định hướng phát triển của bảo tàng thời gian tới, với mục tiêu đem đến cho khách hàng nhiều sản phẩm chất lượng, có ý nghĩa cùng những trải nghiệm thú vị, độc đáo khi mua sắm tại gian lưu niệm, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển các ý tưởng, xây dựng nhiều sản phẩm lưu niệm ấn tượng, đa dạng về chủng loại gắn với hình ảnh đặc trưng của bảo tàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách tham quan.