(HBĐT) - Là xã xa xôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), La Pán Tẩn nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của đèo Khau Phạ. Và đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch trải nghiệm không khí ngày xuân ở một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên "đỉnh trời”.
Bình minh ở homestay Helo Mù Cang Chải thuộc xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái).
Những ngày cuối năm, cung đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải nườm nượp xe. Mặc dù trời rét nhưng nhiều phượt thủ vẫn chọn xe máy làm phương tiện để trải nghiệm cung đường nơi đây. Đứng trên mỏm núi trông xuống thung lũng ruộng bậc thang ngắm cảnh thì thật lý tưởng. Mùa này tuy không còn lúa nhưng ruộng bậc thang nơi đây vẫn rạo rực sức sống. Những đường viền uốn lượn quanh triền núi, quanh ngọn núi mâm xôi đẹp như một bức họa. Buổi chiều, làn sương giăng mắc khiến không gian trở nên mờ ảo. Đêm đêm, tiếng gà rừng gáy eo óc trên những khu rừng già, tiếng suối chảy róc rách càng gợi lên vẻ hoang sơ và thơ mộng của vùng đất này. Bên những ngôi nhà, bếp lửa bập bùng, làn khói bếp lan tỏa gợi lên sự ấm áp và sức sống của vùng đất xa xôi này. Một địa điểm mà du khách không thể bỏ quên là ruộng bậc thang La Pán Tẩn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia năm 2007.
Anh Nguyễn Song Quý ở Hà Nội là một người mê nhiếp ảnh cho hay: Thú vui của tôi là chạy xe máy phân khối lớn dọc quốc lộ 32 để chụp những bức ảnh miêu tả sinh hoạt đời thường, bình dị quen thuộc của những cụ già người Mông. Nhất là dịp cuối năm khi trời chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, đi lang thang các bản làng chụp cảnh các bà ngồi sưởi dưới ánh nắng xuân ấm áp, trang phục dân tộc ngày Tết đẹp sặc sỡ, miệng móm mém cười, chuyện trò râm ran thì thật thú vị. Du xuân ở đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đất trời khoáng đạt và trong lành. Thả bộ trên những con đường mòn ngắm hoa đào, hoa mơ nở trắng rừng, những đồi sơn tra đang trổ hoa trắng toát, những vạt hoa cải nở vàng bên triền núi. Tối về có thể nghỉ qua đêm tại những bản làng người Mông, nơi tràn ngập không khí chơi xuân với tiếng sáo gọi bạn. Tại La Pán Tẩn đã có dịch vụ nghỉ homestay với giá phòng ngủ tập thể là 90.000 đồng/phòng, phòng riêng giá 250.000 đồng/phòng. Rong ruổi những ngày này sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc như khau nhục, gà đen, thịt sấy gác bếp, cá nướng, măng rừng, rượu ngô, bánh chưng, xôi cẩm...
Anh Giàng A Dê, chủ Homestay Helo Mù Cang Chải ở La Pán Tẩn cho biết: Mấy năm gần đây, không chỉ khách nước ngoài mà nhiều khách trong nước cũng chọn Mù Cang Chải là nơi đón xuân, ăn Tết cùng người Mông. Nhiều chủ homestay đã tổ chức Tết của người Mông và Tết Nguyên đán cho du khách. Ngoài thưởng thức những món ăn truyền thống của người Mông khách được những chàng trai, cô gái Mông tổ chức nhiều trò chơi như ném Pao, bắn nỏ, đẩy gậy, đặc biệt bạn nam thổi khèn còn bạn nữ hát giao duyên. Đó là cái đặc sắc mà nhiều khách lên đây không muốn về. Từ La Pán Tẩn, du khách có thể dạo chơi ở các vùng lân cận như Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Dế Xu Phình – nơi phong cảnh đẹp và thơ mộng. Nếu không muốn rong ruổi thì có thể đi cùng gia đình, bạn bè nghỉ ngơi tại khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải), suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt; các khu du lịch cộng đồng tại Bản Thái thị trấn, La Pán Tẩn, Nậm Có, đặc biệt là địa điểm du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ.
Lặn lội từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đây, anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ: Sau một năm làm việc bận rộn, căng thẳng, tôi thường đi du lịch. Và Tây Bắc là một trong những điểm lựa chọn hàng đầu. Khi đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải, được thả hồn cùng thiên nhiên, đặc biệt là ngắm vẻ đẹp của hoa đào rừng, hoa Tớ Dày, tôi thấy hạnh phúc, tâm hồn được bình an. Vào dịp Tết, sau một năm lao động vất vả, khi mùa vàng thu hoạch xong, những chàng trai cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới xuống chợ. Tiếng khèn của những chàng trai Mông hấp dẫn, cuốn hút làm du khách chẳng muốn về.
Việt Lâm
(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn, tạo sự quan tâm của người dân. Việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống trong các dịp lễ, Tết tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
(HBĐT) - Trong tâm thức của mỗi người con quê hương Hòa Bình, chiêng Mường đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi vang vọng tiếng chiêng lúc thì nhịp nhàng, trầm bổng, khi thì sôi động, hào hùng.... Chiêng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân tộc Mường, đặc biệt không thể thiếu trong các lễ hội xuân.
(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.
(HBĐT) - Khi những nụ hoa đào ở vùng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bắt đầu chúm chím thì nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng lại bận rộn chuẩn bị mũ, áo đi khắp làng trên, xóm dưới để làm lễ tại các gia đình. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông giới thiệu đồ nghề hành lễ được để nơi trang trọng gần cửa voóng. Ngày Tết, các gia đình trong vùng thường mời thầy mo đến khấn lễ báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua, cũng như mong một năm mới tốt đẹp. Với thầy mo Bùi Văn Lựng, khấn lễ ngày Tết thực tế là khấn bàn thờ tổ tiên, thổ địa, bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết.