(HBĐT) - Cách đây hơn 30 năm, ông Vũ Tất Chiến ở thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) bắt đầu sưu tập để rồi tìm thấy niềm đam mê cổ vật. Tại thời điểm này, ông là người sở hữu số lượng hiện vật lên đến hàng nghìn. Các cổ vật được ông cẩn trọng lưu giữ với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đất Mường.


Nhà sưu tập Vũ Tất Chiến (ngoài cùng bên trái), thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) giới thiệu về chiếc bình vôi cổ có niên đại 700 năm tuổi.

Lạc vào "kho tàng" cổ vật

Chúng tôi có cơ duyên gặp vợ chồng ông Chiến, người mà theo lời đồn có trong tay gia tài cổ vật đồ sộ tầm cỡ nhất, nhì ở Hòa Bình. Bước qua thềm nhà, nơi có tấm biển hiệu "Nhà sưu tập cổ vật”, chúng tôi như lạc vào một bảo tàng thu nhỏ với rất nhiều hiện vật hiếm có, khó tìm. Toàn bộ gian ngoài và phòng khách của ngôi nhà được chủ nhân sử dụng để trưng bày đồ cổ. Ông Chiến tâm sự, ngay từ thời còn trẻ, ông đã có thú sưu tập đồ cổ. Hiện, trong nhà còn một số món đồ cổ lưu truyền từ thời nhà Lê, nhà Nguyễn có từ đời cha, đời ông vẫn được giữ đến giờ. Sau này, khi lập gia đình, ông cùng vợ đi một số nơi trong, ngoài tỉnh để thu mua phế liệu rồi thành ra thông thuộc nơi này, nơi kia. Nhờ hữu duyên mà ông sưu tập được những đồ vật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn. Với nhiều người đam mê cổ vật, yêu thích tìm về những giá trị lịch sử, văn hóa thì những món đồ ông đang sở hữu "nhiều tiền cũng không có được”.

"Kho tàng” cổ vật của ông vô cùng phong phú và đáng nể, có những cổ vật cách đây hàng nghìn năm, phần nhiều là cách đây trên, dưới 400 năm. Những cổ vật nghìn năm ông đang có như rìu đá, viên đá lạt ma (còn gọi là đá thiêng), đồng tiền cổ, sanh cổ… Một số hiện vật cách đây khoảng 500-700 năm như đĩa Chu Đậu, đôi lọ Vạn Ninh. Ở thời nhà Lê, nhà Nguyễn cách đây 300-400 năm có bộ tứ bình, hoành phi câu đối, cồng chiêng, một số vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của người Mường cổ như piếng, sanh, bình vôi, dụng cụ săn bắn (nỏ, súng hỏa mai)… Các báu vật này đều được ông Chiến nâng niu, bảo quản hết sức cẩn thận. Ngoài ra, ông dành một góc riêng trưng bày những hiện vật sưu tập ở thời kỳ bao cấp như tivi, radio, đèn tọa đăng, xe đạp…

Không chỉ sưu tập, ông còn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, đồng thời hiểu rất kỹ về tích của cổ vật. Theo ông chia sẻ, chơi đồ cổ phải am tường lịch sử, có trình độ, hiểu biết mới phân biệt được đồ cổ với đồ nhái. Để đánh giá được đâu là thật, đâu là giả phải xem kỹ chất men, cốt, họa tiết… Với con mắt của những người chơi đồ cổ thì chất men, cốt, họa tiết… cũng là những yếu tố khiến cổ vật trở nên có hồn.

Lưu truyền lịch sử, văn hóa đất Mường

Vốn là người Kinh nhưng đam mê văn hóa, lịch sử đất Mường nên ông Chiến đã dày công sưu tập và mong muốn lưu giữ những giá trị. Theo lời kể của ông, những năm 89, 90 của thế kỷ trước, có một sự thật xót xa là cổ vật của đất Mường Hòa Bình bị thất thoát nhiều theo con đường trao đổi, mua bán về các tỉnh khác hoặc "chảy máu” sang Trung Quốc. Bỏ nhiều tâm sức và không tính đếm đến tiền bạc, ông Chiến bền bỉ thực hiện mong muốn của mình là giữ lại một phần giá trị văn hóa, lịch sử ấy cho hôm nay và cả mai sau.

Suốt mấy mươi năm, ông Chiến lặn lội đến khắp các vùng Mường trong tỉnh, nhiều nhất là ở vùng Lạc Sơn, Yên Thủy để sưu tập. Trong gia tài đồ cổ của mình, có nhiều món đồ ông tìm được ở vùng đất lang đạo trước kia như xóm Chiềng, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), xóm Chiềng, xã Bảo Hiệu; xóm Nâu, xóm Tháy, xã Lạc Lương (Yên Thủy), với các cổ vật quý như tiền cổ, sanh, piếng, bình vôi, chân mâm, chóe (đựng rượu)… Đặc biệt, ông có một bộ sưu tập chiêng cổ gồm 12 chiếc từ thời nhà Nguyễn, trong đó, chiếc chiêng được ông xem như bảo vật là chiêng phân ngôi thời vua Minh Mạng với chất liệu đồng Đông Sơn được treo ở vị trí trang trọng nhất. Với chiếc chiêng phân ngôi này, ở nhiều vùng Mường trên cả nước như Thanh Hóa, Gia Lai, ai sở hữu được nó sẽ mở tiệc mừng khao tất cả dân làng.

Ngoài gia tài đồ sộ hàng nghìn hiện vật cổ, điều đáng trân quý và khá khác biệt ở ông Chiến là tâm huyết bảo lưu, gìn giữ báu vật cho xứ Mường Hòa Bình. Hãn hữu và phải là người cùng địa phương, có đam mê và thật sự có duyên, ông mới giao lưu, chia sẻ món đồ. Từ năm 2013 trở lại đây, tại một số sự kiện, nhất là hoạt động liên quan đến quảng bá bản sắc văn hóa, du lịch của huyện Yên Thủy thường mời ông tham gia trưng bày, giới thiệu, cũng như chia sẻ những am hiểu về văn hóa, lịch sử qua những hiện vật ông lưu giữ được. Điều này đồng thời khơi gợi niềm tự hào, khích lệ những cá nhân như ông tiếp tục gìn giữ, bảo vệ những hiện vật giá trị văn hóa, lịch sử xứ Mường.

Bùi Minh

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục