Hoa văn đặc sắc trên cạp váy trang phục dân tộc Mường luôn là niềm tự hào của phụ nữ Mường.
Ký ức về ngôi sao vuông 8 cánh
Là một người con sinh ra trong một gia đình "Mường đặc”, nghĩa là 100% gốc dân tộc Mường, cả tuổi thơ tôi được đắm mình trong nền văn hóa Mường truyền thống. Trong ký ức tuổi thơ, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất chính là những ngày giáp Tết. Với tôi, Tết bắt đầu khi bà nội tôi bấm đốt ngón tay nhẩm tính những ngày nắng cuối năm. Những ngày nắng hanh cuối cùng của năm, bà nội lấy từ trong chiếc tủ một đôi gối vuông màu đỏ - chiếc gối truyền thống của người Mường gọi là gối giường đem phơi đủ 3 nắng và đem giặt những chiếc váy Mường ưng ý nhất.Bởi sau này, đôi gối sẽ được đặt lên giường thờ vào ngày 29 cúng tổ tiên về ăn Tết, còn đôi váy Mường sẽ được bà mặc trong những ngày đón Tết quây quần bên con cháu.
Theo lời bà kể, đôi gối được đặt lên giường thờ 3 ngày Tết, như một lòng thành kính hướng về tổ tiên. Bởi, theo phong tục của người Mường xưa, con dâu khi về nhà chồng phải mang theo một đôi gối để biếu bố mẹ chồng. Gối của người Mường có hình chữ nhật dài màu đỏ, hai đầu vuông vức. Nguyên liệu chủ yếu làm bằng những lá mạ non phơi khô nên rất mềm mại. Có hai loại gối là gối thường và gối giường, gối thường là loại nhỏ, dùng để gối hàng ngày, gối giường là loại to hơn và dùng để dựa. Trước đây, chỉ có những gia đình có quyền thế mới thường dùng loại gối giường. Theo năm tháng, truyền thống con dâu về nhà chồng phải có chăn gối biếu bố mẹ chồng vẫn còn duy trì, nhưng những cô dâu Mường ngày nay không phải tự tay dệt phà làm chăn và làm gối như trước nữa. Song, dù qua năm tháng, bà nội tôi vẫn không thể từ bỏ được phong tục có gối giường cho tổ tiên trong 3 ngày Tết.
Bà nội nói, đầu gối có lẽ khó nhất trong chi tiết của chiếc gối cũng chính là thể hiện sự khéo léo nhất của người phụ nữ khi làm một chiếc gối. Không hề đơn giản, hai đầu của chiếc gối được chia làm nhiều hình vuông, hình tam giác nhỏ, tạo thành hình hoa thị hoặc hình lục giác bên trong hình vuông. Ở mỗi ô vuông trong đầu gối thêu những họa tiết với màu sắc rất đẹp. Tuy nhiên, dù là thêu họa tiết gì thì ở ô giữa trung tâm gối, người phụ nữ Mường cũng sẽ thêu lên đấy họa tiết hình ngôi sao vuông 8 cánh với nhiều màu sắc khác nhau.
Không chỉ được biểu thị trên những chiếc gối, những hoa văn tinh tế này còn được người phụ nữ Mường dệt thành những tấm phà để làm chăn đắp, dệt trên cạp váy Mường. Bao giờ cũng vậy, hoa văn có hình ngôi sao vuông 8 cánh luôn ở vị trí trung tâm và được người thêu sử dụng những màu chỉ sặc sỡ. Theo nhà nghiên cứu Trần Từ viết trong cuốn Hoa Văn Mường năm 2018, ngôi sao vuông 8 cánh là biểu thị của mặt trời, là biến thể của mặt trời trên mặt trống Đồng được thể hiện theo đường thẳng. Trong thế giới của người Mường, mặt trời là vị thần mang lại sự sống, soi sáng mọi thứ, xua tan những điều đen tối, xấu ca, mang lại sự ấm áp.
Đi tìm nghệ thuật tạo hình
Chúng tôi tìm về xóm Thang, xã Thạch Yên (Cao Phong), một trong những vùng trung tâm của Mường Thàng trước đây. Ở đây, những người phụ nữ dù không còn giữ thói quen trồng bông, dệt vải nhưng phong tục mặc váy Mường vẫn còn được giữ vẹn nguyên và nghề đan lát thủ công thì chưa hề bị mai một. Đưa tôi chiêm ngưỡng những tấm phà đã vượt thời gian vẫn còn đường gia đình cất giữ như một miền ký ức, ông Quách Văn Phúc kể: Tất cả những hoa văn trên cạp váy, trên gối hay trên mặt phà của người phụ nữ Mường đều bắt nguồn từ sử thi đẻ đất, đẻ nước hay chính là trong những áng mo của người Mường. Trong đó, người Mường đã sáng tạo và cách điệu lên hẳn một hình tượng cây Chu Đồng. Trong truyền thuyết của người Mường, cây Chu Đồng là loại cây quả đồng, lá thiếc thân và cành băng vàng bạc. Đây không chỉ là biểu tượng của của cải mà còn biểu tượng cho tinh thần đoàn kết chiến thắng thiên nhiên của người Mường. Sử thi của người Mường có kể về câu chuyện của người anh hùng Tặm Tạch dẫn người dân bản Mường đi đốn đổ cây Chu Đồng về để làm nhà, dựng bản. Cây trám là một loại cây rừng thân to tán rộng.
Còn với rất nhiều cô gái Mường đến tuổi cập kê, trên mặt chăn đặc biệt là cạp váy, các cô thích dệt những hoa văn hình hoa bưởi, hoa văn biểu tượng của bông tlăng. Hoa bưởi trắng muốt với mùi hương tinh khiết là biểu tượng cho sự trong trắng của người con gái. Họa tiết hoa bưởi thường được dệt hoặc thêu vào rang trên cạp váy truyền thống hoặc điểm làm họa tiết trên mặt phà. Dệt theo hoa của một loại cây sống trên mặt nước, hình tượng bông Tlăng đi vào thi ca của dân tộc Mường như một biểu tượng cho tinh vợ chồng. Mặc dù cây sống nổi trên mặt nước, các bông hoa nở ra luôn có sợi dây gắn kết với nhau như vợ và chồng vậy.
Hiện nay, dù đã ít nhiều mai một nhưng nghệ thuật tạo hình dân tộc Mường vẫn được lưu truyền trong đời sống hàng ngay và là nguồn cảm hứng cho nhiều công trình nghệ thuật tại Hòa Bình. Đến Quảng trường Hòa Bình, sẽ nhìn thấy hình ảnh những chiếc cột vuống vừa mang biểu tượng của nhà sàn, vừa giống những thanh lịch đoi. Chính giữa là hình chiếc chiêng lồng trong biểu tượng ngôi sao 8 cánh ở giữa trung tâm. Đó là biểu tượng tôn vinh văn hóa Mường, thế giới quan của người Mường.