(HBĐT) - Từ đôi tay khéo léo, những quả dưa hấu mang thông điệp Tết trở thành một trong những sản phẩm độc đáo được chú ý tại chợ hoa xuân. Nhu cầu bày những quả dưa hấu có khắc chữ thư pháp trong những ngày Tết được nhiều người ưa chuộng.



Các bạn trẻ cùng niềm đam mê khắc chữ thư pháp.

Với cách khắc chữ độc đáo, dưa hấu khắc chữ thư pháp trở thành mặt hàng được nhiều người lựa chọn trưng bày trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Từ nhiều năm qua, nghề tay trái này cũng giúp cô giáo trẻ Hà Thị Hoa, giáo viên trường Tiểu học Sông Đà (TP Hoà Bình) có thu nhập khá.

Những ngày gần Tết Nguyên đán, khắp nẻo đường, từ chợ truyền thống, Quảng trường Hoà Bình tràn ngập các loại hoa quả muôn sắc màu. Nhiều hoa thơm, trái lạ được bày bán, trong đó, mặt hàng dưa hấu khắc chữ thu hút nhiều người tiêu dùng quan tâm. Trong một gian hàng nhỏ trên đường Cù Chính Lan (TP Hoà Bình) trưng bày những quả dưa hấu mang thông điệp ý nghĩa ngày Tết khắc chữ thư pháp Phúc - Lộc - Thọ. Xếp những quả dưa đã hoàn thành lên kệ, chị Hà Thị Hoa chia sẻ: "Vào dịp Tết, nhu cầu mua những sản phẩm độc đáo tăng hơn, đặc biệt là những sản phẩm mang thông điệp về Tết cổ truyền. Những quả dưa hấu được khắc chữ thư pháp bán khá chạy".

Nhóm của chị Hoa có 8 người, nhưng chỉ có 2 người biết khắc chữ thư pháp. Trong nhóm phân công công việc cụ thể như người nhận đơn hàng, người giao hàng… Những quả dưa được chọn để tạo hình phải là dưa già, tròn đều, trọng lượng trung bình từ 3 - 4 kg/quả. Thời gian khắc chữ từ 30 - 60 phút sẽ cho ra những quả dưa hấu đẹp mắt. Sản phẩm hoàn thành bán với giá 150.000 - 300.000 đồng/quả tùy thuộc vào kiểu dáng, yêu cầu của khách, nếu mua nguyên cặp giá trung bình khoảng 500.000 đồng/cặp. Khách hàng đặt đôi dưa to 6 - 8 kg/quả và khắc chữ theo yêu cầu có mức giá cao hơn. Mỗi quả dưa có thể trưng bày trong 2 - 3 tuần.

Có kinh nghiệm khắc chữ thư pháp 5 năm, với tay nghề điêu luyện nên chị Hoa được nhiều người biết đến, chọn đặt hàng. Những hình vẽ được khắc rất tinh tế, nổi bật, mang ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Theo chị Hoa, để làm ra một tác phẩm độc đáo từ trái dưa hấu phải thực hiện 3 công đoạn. Đầu tiên vẽ phác thảo, sau đó tỉa bằng dao, cuối cùng là gọt, khắc chữ và hình ảnh lên quả dưa. Ngoài các câu chữ ý nghĩa như Tài, Phúc, Lộc, Thọ, một số khách hàng cũng rất thích mua dưa khắc hình rồng, phượng hoặc con giáp của năm. Để tạo được chữ thư pháp đẹp trên quả dưa đòi hỏi người khắc phải có sự tập trung cao và tỉ mỉ trong quá trình làm, một phần cũng nhờ năng khiếu của người khắc.

Đam mê viết thư pháp từ nhỏ nhưng không có điều kiện học viết thư pháp một cách bài bản, để thỏa đam mê, chị Hoa luôn tìm cách học viết thư pháp. Chị cũng được biết đến là cô giáo luyện viết chữ đẹp cho học sinh với những thành tích như giải nhất viết chữ đẹp TP Hoà Bình, giáo viên giỏi cấp tỉnh... Khoảng 5 năm trước, chị "bén duyên” với khắc chữ thư pháp trên dưa hấu, vừa thực hiện được đam mê vừa tăng thêm thu nhập. Chị Hoa chia sẻ: "Khi bắt tay vào khắc chữ, tôi như bị hút vào những nét vẽ. Việc khắc chữ giúp tôi luyện được tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn. Nếu không cẩn thận, những đường dao bị lẹm ra ngoài, các hình ảnh trạm khắc méo mó thì cả quả dưa coi như bỏ. Muốn chữ khắc đẹp trước tiên phải chọn được quả dưa ưng ý, tròn đều, vỏ sậm màu. Lưu ý là dưa càng chín thì càng dễ làm, nếu quả dưa non sẽ rất khó làm vì dễ phạm vào thịt dưa. Dao khắc cũng cần chọn loại dao không quá bén vì rất khó thao tác”.

Ngoài khắc chữ lên quả dưa hấu, chị Hoa còn nhận viết chữ thư pháp lên quả bưởi, câu đối… Tết năm nay, chị Hoa đã nhận đặt hàng trăm quả dưa của khách hàng khắp nơi. Gần Tết, số lượng người đặt hàng làm không kịp nên dự kiến chị Hoa sẽ nhận đặt hàng đến 28 tháng chạp để đảm bảo kịp giao hàng cho khách đúng dịp Tết.


Hải Linh


Các tin khác


Đặc sắc điệu Đâm đuống của người Mường 

(HBĐT) -  Đâm đuống là một nét văn hóa lâu đời, độc đáo của người Mường, thường được tổ chức vào dịp Tết, hội mùa, cưới xin và dựng nhà, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết của bà con trong bản Mường.

Keng Loóng vũ điệu mùa xuân

(HBĐT) - Hiếm có nơi nào, dân tộc nào lại có sự sáng tạo như người Thái huyện Mai Châu bởi họ biết biến đồ dùng và công cụ lao động hàng ngày trở thành một loại nhạc cụ độc đáo, đó là keng loóng. Trong không khí ngày xuân, keng loóng là phần quan trọng góp vui. Các cô gái Thái Mai Châu vốn đã rất duyên dáng trong bộ váy dài truyền thống càng đẹp hơn khi cùng nhau keng loóng.

Tinh hoa tri thức Mường nhìn từ những bộ lịch cổ

(HBĐT) - Tết Nhâm Dần 2022 đã về. Cũng như bao gia đình khác, người Mường ở Hòa Bình tất bật chuẩn bị một năm mới mong cầu mọi điều may mắn, hanh thông trong công việc và cuộc sống. 28 Tết, chuẩn bị thịt lợn, gói bánh chưng cũng là lúc ông Mo, ông trượng bấm đốt ngón tay tính lịch "đá rò" chọn ngày cúng mời tổ tiên về ăn Tết, chọn giờ xuất hành cho năm mới bình an, khang khái.

Mùa Xuân Hòa Bình trong câu thơ, điệu nhạc

(HBĐT) - Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đặc sắc, thẫm đẫm tình người, hồn sông, hồn núi, mùa xuân Hòa Bình đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, là chất xúc tác để các nghệ sỹ tạo nên những tác phẩm thơ ca, nhạc họa… trường tồn mãi với thời gian, với lòng người.

Đưa dân ca Mường lan xa trên không gian mạng

(HBĐT) - Hàng nghìn năm qua, những câu hát Đúm giao duyên, Thường Rang, Bộ Mẹng… là dân ca như mạch suối ngầm dung dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Mường. Nhưng bất cập không thể vượt qua khi đó, lời nói, lời ca của các nghệ nhân như người xưa hay nói "lời nói gió bay”, không có phương tiện gì ghi lại.

Bờ xưa - Tết trước

(HBĐT) - Từng có mặt tại chợ Bờ huyện Đà Bắc liên tục 5 năm (từ 1977 - 1982), khi đập thủy điện Hòa Bình chưa đắp, nay mỗi dịp Tết đến, tôi lại da diết nhớ chợ Bờ với những phiên chợ Tết đông vui như trẩy hội. Nhất là giờ đây, khi nơi này trầm sâu dưới trăm mét nước. Tết lại sắp về, Bờ xưa có thổn thức cùng tôi?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục