(HBĐT) - Khi những cánh đào phai khoe sắc cũng là lúc điệu múa chuông vang vọng khắp bản làng người Dao ở huyện vùng cao Đà Bắc. Cùng với những câu hát, tiếng trống, chiêng… những điệu múa của người Dao đã góp phần thắm tình đoàn kết dân tộc trong ngày đầu xuân năm mới.


Trình diễn điệu múa chuông tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm Sơn Phú, xã Toàn Sơn (Đà Bắc).


Dân tộc Dao chiếm trên 20% dân số huyện Đà Bắc, sinh sống chủ yếu tại các xã: Cao Sơn, Toàn Sơn, Tú Lý, Vầy Nưa, Tân Minh… Theo thời gian, đồng bào dân tộc Dao vẫn gìn giữ, tiếp nối truyền thống, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lâu đời, trong đó, múa chuông là một trong những điệu múa chính. Tết nhảy, lễ lập tịch... đều có múa chuông. Không đơn thuần là những tiết mục văn nghệ truyền thống đặc sắc, múa chuông trong Tết nhảy là nghi lễ tạ ơn tổ tiên đã bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, mong tổ tiên che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, phù hộ cho dân bản có cuộc sống no ấm, yên vui. Cầu cho cộng đồng, bản làng đồng bào Dao đoàn kết, phát triển.

 

Ông Lý Hoàng Hạnh, 68 tuổi ở xóm Phủ, xã Toàn Sơn đã gắn bó cả đời với điệu múa chuông, ông cũng là người "tiếp lửa”, truyền dạy múa chuông cho thế hệ trẻ người Dao. Ông Hạnh chia sẻ: "Từ xa xưa, điệu múa chuông đã gắn liền với đời sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống. Đặc biệt trong Tết nhảy, múa chuông là tiết mục văn nghệ quần chúng thu hút già, trẻ, gái, trai hòa quyện theo nhịp điệu, cùng nhau hát ca, nhảy múa. Trẻ con học theo người lớn, vì thế mà múa chuông được lưu truyền qua các thế hệ”.

Điệu múa chuông truyền thống của đồng bào Dao thường có cả nam và nữ, tùy vào các nghi lễ để lựa chọn số lượng người tham gia, tối đa khoảng 10 người. Tuy nhiên, tại các buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng thì không giới hạn số người, càng đông càng vui. Khi múa, tay trái người múa cầm một chiếc đóm, tay phải cầm một chiếc chuông để đánh nhịp, đồng thời kết hợp các động tác nhún chân mềm mại, duyên dáng. Người lĩnh xướng các bài hát thường là người trung tuổi, am hiểu về phong tục tập quán truyền thống để thông qua những lời ca, tiếng hát mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Các bài hát không cố định, nhịp điệu múa phụ thuộc vào người hát xướng. Một trong những nét đặc sắc của điệu múa này đó là chiếc chuông đồng có độ vang, kết hợp với tiếng chiêng, trống con, đàn nhị, sáo… tạo thành làn điệu, âm thanh đa sắc màu rộn ràng, khỏe khoắn. Những chàng trai, cô gái Dao trong trang phục dân tộc truyền thống dường như hòa chung một nhịp, nhún nhảy theo điệu múa trong không gian sinh động.

Múa chuông là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày lễ linh thiêng, trọng đại của dân tộc, đồng thời ngày càng gắn bó mật thiết trong đời sống văn hóa của đồng bào Dao, nhất là hiện nay, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, thu hút du khách thăm quan, tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Chị Lý Sao Mai, đội văn nghệ xóm Sưng, xã Cao Sơn cho biết: "Du khách đến thăm quan, trải nghiệm tại bản làng du lịch cộng đồng rất thích tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Dao. Đặc biệt, buổi diễn văn nghệ luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Trong đó, múa chuông là tiết mục du khách thích thú bởi không khí vui tươi, tiếng vang phát ra từ chiếc chuông đồng hòa vào tiếng chiêng, tiếng trống tạo âm thanh vui tai, sôi động”.

Tết đến xuân về, điệu múa chuông lại rộn ràng, ngân vang khắp các bản làng người Dao nơi rẻo cao Đà Bắc. Các thế hệ cứ thế tiếp nối nhau, gìn giữ những làn điệu độc đáo đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời tiếp tục quảng bá, giới thiệu đến du khách gần xa về đời sống văn hóa vô cùng phong phú của cộng đồng người Dao.


Đức Anh


Các tin khác


Thành phố ngày cuối năm

(HBĐT) - Những ngày này trời hửng nắng trong rét ngọt, ra ngoài chỉ cần khoác thêm chiếc áo len mỏng là đủ ấm, nhưng vào trong nhà vẫn cảm giác lành lạnh. Mấy ông bạn hưu trí vẫn lóc cóc tới phòng khám Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ nhận thuốc trị bệnh mãn tính.

Mo Mường ngày Tết

(HBĐT) - Xứ Mường ngày Tết có những điều đặc biệt bởi những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Trong đó, mo khấn tổ tiên ngày Tết chứa đựng tầng ý nghĩa nhân văn, đạo hiếu sâu sắc là một phần không thể thiếu trong những ngày quan trọng.

Dậy đi nào chiêng ơi!

(HBĐT) - Daậyl đi, daậyl đi nào chiêng ơi... Tiếng của ông mo Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) thì thầm gọi chiêng. Bàn tay trần xoa trên núm, chiêng như hiểu được tiếng gọi, vươn mình thức dậy, đón mùa xuân đã về khắp các bản Mường trú phú, yên vui...

Đặc sắc điệu Đâm đuống của người Mường 

(HBĐT) -  Đâm đuống là một nét văn hóa lâu đời, độc đáo của người Mường, thường được tổ chức vào dịp Tết, hội mùa, cưới xin và dựng nhà, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết của bà con trong bản Mường.

Keng Loóng vũ điệu mùa xuân

(HBĐT) - Hiếm có nơi nào, dân tộc nào lại có sự sáng tạo như người Thái huyện Mai Châu bởi họ biết biến đồ dùng và công cụ lao động hàng ngày trở thành một loại nhạc cụ độc đáo, đó là keng loóng. Trong không khí ngày xuân, keng loóng là phần quan trọng góp vui. Các cô gái Thái Mai Châu vốn đã rất duyên dáng trong bộ váy dài truyền thống càng đẹp hơn khi cùng nhau keng loóng.

Tinh hoa tri thức Mường nhìn từ những bộ lịch cổ

(HBĐT) - Tết Nhâm Dần 2022 đã về. Cũng như bao gia đình khác, người Mường ở Hòa Bình tất bật chuẩn bị một năm mới mong cầu mọi điều may mắn, hanh thông trong công việc và cuộc sống. 28 Tết, chuẩn bị thịt lợn, gói bánh chưng cũng là lúc ông Mo, ông trượng bấm đốt ngón tay tính lịch "đá rò" chọn ngày cúng mời tổ tiên về ăn Tết, chọn giờ xuất hành cho năm mới bình an, khang khái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục