Hang đá Trại ở xã Tân Lập (Lạc Sơn) là một trong những di tích cung cấp nhiều dữ liệu lịch sử về loài người.
Kỳ vĩ hang động ở xứ Mường
Là cái nôi của văn hoá Mường, Hoà Bình là nơi sinh sống của con người từ thời tiền sử. Hang đá Trại ở xã Tân Lập (Lạc Sơn) là một trong những di tích cung cấp nhiều cứ liệu lịch sử sống động về sự sống của loài người. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu hiệu tro bếp và bộ hài cốt có độ tuổi trên 14.000 - 17.000 năm. Trước đó, trong đợt khai quật ở những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy những hạt thóc của người xưa rơi vãi, được xác định thời nhà Trần. Ngoài ra, còn tìm thấy vết tích mộ táng cuối thời Trần đầu thời Lê gần như nguyên vẹn. Người nguyên thủy ở Văn hóa Hòa Bình đã biết chèn đá hộc, rải đá dăm quanh mộ để bảo vệ. Cũng tại hang đá Trại, các nhà khảo cổ tìm thấy rìu đá, xương thú, vỏ trấu, vỏ quả óc chó và nhiều hóa thạch của vỏ ốc.
Năm 2001, di tích hang đá Trại được công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia. Ghé thăm di tích này trong một ngày nắng ấm, hiện ra trước mắt tôi là núi đá Trại nằm giữa cánh đồng Mường Vang trù phú với dòng suối Lạn bao quanh. Theo chân những người dẫn đường, tôi không khỏi trầm trồ khi tận mắt chiêm ngưỡng những vỏ ốc được xếp tầng, những hóa thạch trên đá huyền ảo và cả những hoa văn được người xưa tạo ra, hằn in qua hàng nghìn năm lịch sử. Đồng chí Bùi Văn Bằng, Bí thư Chi bộ xóm Trại Sào, xã Tân Lập chia sẻ: Trước khi được các nhà khoa học phát hiện, hang đá Trại là một địa điểm tâm linh. Khi biết đây là nơi sinh sống của người tiền sử và được công nhận di tích khảo cổ học quốc gia, người dân Trại Sào càng trân quý ngọn núi này. Từ một địa điểm sơ khai, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, hang đá Trại nay đã có tường rào xung quanh, lối đi lên di tích được xây kiên cố, người dân địa phương trồng nhiều cây xanh để tạo cảnh quan. Đây cũng là địa điểm được quy hoạch để trở thành một trong những điểm phục vụ du khách đến du lịch trải nghiệm ở vùng đất Mường Vang.
Chia tay hang đá Trại, chúng tôi về với vùng đất Mường Thàng (Cao Phong). Nơi có danh lam thắng cảnh quần thể hang động Núi Đầu Rồng đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2012. Xa xa, qua những nóc nhà, núi Đầu Rồng hiện ra mờ ảo chứa bao điều thú vị bởi cảnh quan trong lòng hang do tạo hóa ban tặng cho đất Mường lại tình cờ tôn vinh những giá trị văn hóa đã in hằn thành bản sắc của người Mường ngàn đời nay. Dãy Núi Đầu Rồng dài chừng hơn 1km, độ cao gần 200 m so với chân núi, nằm trải dài giống như một con rồng khổng lồ, tạo nên bức tường thành trấn ngữ phía Đông Nam thị trấn Cao Phong. Bên trong là các hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể thắng cảnh lung linh, huyền ảo với rất nhiều nhũ đá lung linh. Khi vào thăm quan nơi này, du khách chắc chắn sẽ thấy choáng ngợp trước cả rừng hoa thạch nhũ long lanh. Từng lớp, từng lớp đá gợi tới hình ảnh đôi chân xuống đồng thăm lúa của cô gái Mường cần mẫn. Đi sâu tới Hoa Sơn Thạch Động, lại có hình muôn thú lừng lững như một khu rừng nguyên sinh trước mắt. Có những nhũ đá trông như một khối san hô của biển cả lạc giữa miền sơn cước. Gặp ánh đèn của người khách lãng du, khối ngọc ấy lóe lên những ánh sáng kì ảo.
Không chỉ riêng Hoa Sơn Thạch Động, các động khác như Động Thanh Thủy lại như một câu chuyện cổ tích kể về tình yêu vĩnh hằng của lứa đôi; Nhãn Long Động thì giống như một thiền viện với vô số các vị Phật, Thánh đang tự tại trong thế giới thần linh; hay động Không Đáy, Hang Nước đã tạo nên quần thể là một công trình hoàn chỉnh mê đắm lòng người...
Không gian linh thiêng cùng những thạch nhũ kỳ ảo của động Thác Bờ là điểm đến thú vị của du khách trên hành trình khám phá du lịch xã Thung Nai (Cao Phong).
Đi khắp 4 Mường ở Hoà Bình, ngoài được gặp gỡ những con người hiền hòa, thân thiện, du khách còn có thể khám phá những danh thắng độc đáo, ấn tượng. Như Hang Nước và động Thiên Tôn nằm trong lòng núi Nước và núi Miếu - 2 ngọn núi liền nhau trong quần thể 99 ngọn núi của xã Ngọc Lương (Yên Thủy); động Mãn Nguyện thuộc xã Thanh Cao (Lương Sơn) với nhiều nhũ đá với những cảnh đẹp và hình thù kỳ bí. Hay động Thác Bờ, xóm Bưng, xã Suối Hoa (Tân Lạc) gồm có 3 khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật; hang Mỏ Luông nằm trong dãy núi Pù Khà, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) có rất nhiều nhũ đá mọc từ dưới nền đất lên với nhiều hình dáng tạo nên những bức tranh vô cùng sinh động...
Nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát triển
Toàn tỉnh hiện có 556 điểm di tích, trong đó, có các di tích lịch sử cách mạng; di tích khảo cổ và cả di tích danh lam thắng cảnh thu hút nhiều lượt khách tới ghé thăm như: Quần thể hang động Chùa Tiên (Lạc Thủy), quần thể hang động Núi Đầu Rồng (Cao Phong)… Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, chính quyền cũng như người dân các địa phương không ngừng nỗ lực, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với chế độ, chính sách, quản lý, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn. Đồng thời, Sở VH-TT&DL cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị chuyên môn cùng nguồn vốn chương trình MTQG về bảo tồn di sản văn hoá, nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã được tôn tạo, trùng tu. Việc trùng tu được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Từ đó, nhiều di tích, danh thắng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn sau khi được tu bổ, trùng tu, thu hút nhiều lượt khách thăm quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển KT-XH địa phương...
Thu Hằng