(HBĐT) - Hang Trại (hay hang đá Trại) nằm ở xã Tân Lập (Lạc Sơn). Một hang động không chỉ độc đáo ở vùng đất cổ Mường Vang trù phú, mà còn là di tích khảo cổ học quốc gia với nhiều dấu tích của nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB).


Hang đá Trại, di tích khảo cổ học quốc gia được phát hiện ở xã Tân Lập (Lạc Sơn).

Văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay 15.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước công nguyên, trải dài trên vùng đất xen núi đá vôi thuộc phía Tây châu thổ 3 con sông lớn thuộc Bắc Bộ, với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nền VHHB được giới khảo cổ học chính thức công bố năm 1932. VHHB được dùng để chỉ văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh tại vùng đất Hòa Bình là một trong những nơi có người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm. Trong đó, những dấu tích tìm được ở các di tích khảo cổ như hang đá Trại là minh chứng rõ nét nhất. 

Không khó để đến và khám phá di tích khảo cổ độc đáo này. Hang Trại nằm ở núi Khụ Trại, một ngọn núi có độ cao và diện tích vừa phải, được bao quanh bởi con suối Lạn mát lành. Ngọn núi tọa ở vị trí khá đắc địa, là trung tâm của vùng Cộng Hòa rộng lớn. Từ ngọn núi này có thể ngắm nhìn cánh đồng rộng mênh mông và các bản làng của vùng đất Mường cổ này. Có lẽ chính vì vị trí đắc địa như vậy mà người Việt cổ đã chọn hang Trại làm nơi sinh sống. Cùng lãnh đạo xã Tân Lập và người dân địa phương, chúng tôi có dịp được khám phá hang Trại. Ông Bùi Văn Bằng, người dân xóm Trại Sào cho biết: Từ khi được quan tâm, tôn tạo, di tích hang Trại ngày càng được người dân trong vùng biết đến. Di tích có người trông coi, các hạng mục như tường bao xung quanh, lối lên hang được xây dựng thuận lợi. Trong khuôn viên, các loài thực vật được bảo vệ. Ngoài ra, bà con trồng thêm các loại cây để tạo cảnh quan. 

Hang Trại nằm ở độ cao 15m so với mặt thung lũng, cửa hang cao khoảng 10m, rộng 8m và sâu 13m. Hiện nay, trong hang có một số tượng mô phỏng sinh hoạt của người tiền sử. Mặc dù là hang đá vôi nhưng trong hang khá thông thoáng, không ẩm ướt. "Hang núi có hướng đón ánh mặt trời, ánh sáng soi vào tận trong hang nên khô ráo” - ông Bằng lý giải. Sâu trong hang là những lớp vỏ ốc dày, đặc biệt là dấu tích lối đi cổ có niên đại 22 nghìn năm. Di tích hang Trại được phát hiện năm 1975 và tiến hành khai quật lần đầu năm 1980. Sau nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 4 nghìn hiện vật, gồm một số xương động vật các loại và vô số vỏ ốc, công cụ đá. Nơi đây là công xưởng chế tác công cụ của cư dân VHHB. 

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu hiệu tro bếp và bộ hài cốt có độ tuổi từ 14.000 - 17.000 năm. Trước đó, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy những hạt thóc của người xưa rơi vãi, được xác định thời nhà Trần. Với những phát hiện đó, năm 2001, hang Trại được công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia. Đồng chí Bùi Văn Nam, công chức văn hóa xã Tân Lập cho biết: Trước khi được các nhà khoa học phát hiện, hang đá Trại là một địa điểm tâm linh của người dân địa phương. Trước đây, trong hang có một ngôi chùa được ngăn bằng gỗ với nhiều tượng và các đồ thờ tự khác nhau dựng cách đây hàng trăm năm. Ngôi chùa nay đã không còn. Trong đợt tôn tạo di tích năm 2008, một ngôi chùa nhỏ được dựng lại ngay gần cửa hang, lấy tên chữ là "Trại sơn cốc tự” để làm nơi thờ tự về sau.

Đồng chí Bùi Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập nhấn mạnh: Hang đá Trại không chỉ là di tích khảo cổ học, mà còn có nhiều tiềm năng để trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch trong tương lai. Đây cũng là địa điểm được quy hoạch để trở thành một trong những điểm dừng chân khi du khách đến trải nghiệm ở vùng đất cổ Mường Vang. Có thể nói, với không khí mát lành, đến với hang Trại không chỉ là trải nghiệm để tìm hiểu về các dấu tích của nền VHHB, mà còn là dịp để hòa mình vào thiên nhiên với núi rừng và cánh đồng lúa mênh mông. Hơn nữa, từ hang Trại dễ dàng đến với Đồi Thung (xã Quý Hòa), ruộng bậc thang Miền Đồi - những điểm đến đầy hấp dẫn về cảnh sắc, con người của vùng đất cổ Mường Vang trù phú.


Viết Đào

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục