(HBĐT) - Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích khảo cổ học quốc gia hang xóm Trại, xã Tân Lập và mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn). Đây là 2 di tích khảo cổ học có hiện vật phong phú, tiêu biểu về Văn hóa Hòa Bình (VHHB) đã được nhà khảo cổ học Madeleine Colani và Viện Khảo cổ học khai quật từ lâu.


Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á giới thiệu những hiện vật thu được qua đợt khai quật tại 2 di chỉ khảo cổ học ở huyện Lạc Sơn.

Nhằm thu thập thêm những cứ liệu khoa học quan trọng về nền VHHB trên địa bàn tỉnh; bổ sung vào hồ sơ di tích, phục vụ giáo dục truyền thống và giới thiệu cho khách thăm quan, góp phần phát triển KT-XH của địa phương; cung cấp thêm những tư liệu khảo cổ về nền VHHB trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu bổ sung lịch sử văn hóa địa phương, thu thập di vật phục vụ trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di tích khảo cổ học quốc gia hang xóm Trại, xã Tân Lập và mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn). Chủ trì cuộc khai quật là tiến sĩ Lê Hải Đăng, Viện Khảo cổ học Việt Nam và tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á.

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Để chuẩn bị hội thảo kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu nền VHHB, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với UBND TP Hòa Bình xây dựng tuyến đường đặt tên bà M.Conali - người phát hiện ra nền VHHB; chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học, Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á khai quật 2 điểm di tích khảo cổ học về VHHB tại huyện Lạc Sơn là hang xóm Trại và mái đá làng Vành. Hiện nay, các hiện vật đã được đưa về Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á để nghiên cứu, xác minh tuổi đời và giá trị hiện vật. Với những giá trị của di chỉ này, tới đây, Sở VH-TT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh tiến tới nâng cấp di tích thành di tích đặc biệt quốc gia. Trên cơ sở đó tiếp tục có những giải pháp để phát huy, bảo tồn các di tích.

Hang xóm Trại, xã Tân Lập là nơi tìm thấy vết tích của nền VHHB vào loại sớm nhất lưu vực sông Hồng. Được phát hiện năm 1975, từ đó đến nay, địa điểm này nhiều lần được các nhà khoa học nghiên cứu và khai quật. Qua những lần khai quật, diện tích lòng hang hầu như đã khai quật hết, thu được trên 5.000 hiện vật. Từ kết quả điều tra cho thấy, hang xóm Trại là một di tích VHHB có tầng văn hoá dày (4 m). Lẫn trong tầng văn hoá phần nhiều là vỏ ốc suối, công cụ và các mảnh gốm thô, lúa, gạo cháy…, đó là minh chứng rõ rệt nhất về một nền nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai ở thời VHHB. Ngoài ra, còn phát hiện các dấu vết mòn trên những phiến đá trong ngách đi cổ phía Bắc có niên đại cách ngày nay tới 21 nghìn năm. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là hệ thống dấu mòn đi lại vào loại cổ nhất thế giới. Việc phát hiện các dấu đi cổ 21 nghìn năm này là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa không chỉ với riêng tỉnh Hòa Bình hay tại Việt Nam, mà đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á phát hiện ra lối đi cổ này. Qua các đợt khai quật cho thấy, đây vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân VHHB. Cho đến nay, đây là di tích VHHB có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá cũng như công cụ xương so với các di tích VHHB đã khai quật, có thể xếp di tích hang xóm Trại vào sơ kỳ thời đại đá mới.

Di tích khảo cổ học mái đá làng Vành, xã Yên Phú được bà M.Colani phát hiện, khai quật năm 1929 trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía Nam của tỉnh. Kết quả khai quật đã thống kê số hiện vật các loại thu được gồm 972 hiện vật, trong đó: tầng văn hoá dầy gần 4 m, mái đá được cấu tạo bởi đất sét vôi cùng với các vỏ nhuyễn thể, vỏ trai, ốc núi tạo thành. Mỗi tầng văn hoá là những tàn tích sau bữa ăn của người Hoà Bình cổ. Các loại hình di vật đá thu được là công cụ ghè đẽo như: rìu hình tam giác, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, rìu có vai mài lưỡi, rìu mài toàn thân, chày, bàn nghiền, hòn kê đập, vòng đá; di vật xương, sừng, nhuyễn thể; di vật gốm; mộ táng và di cốt người... Qua kết quả nghiên cứu khai quật và xác định các bon phóng xạ C14 ở di chỉ mái đá làng Vành được bà M.Colani công bố năm 1930 cho thấy, di tích mái đá làng Vành thuộc nền VHHB có khung niên đại kéo dài từ 17.000 - 8.000 năm cách ngày nay. Đây là giai đoạn trung gian của VHHB, là loại di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc loại di tích cư trú và mộ táng trong mái đá thuộc vùng sơn khối đá vôi. Hiện nay, di tích mái đá làng Vành còn giữ nguyên một phần tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Toàn bộ dãy núi đá Trắng và phần cực Tây nơi mái đá làng Vành còn được giữ nguyên trạng.

Trong đợt khai quật này, tại mái đá làng Vành tiến hành khai quật tổng diện tích 50 m2, trong đó 1 hố 40 m2 và các hố thám sát nhỏ; tại hang xóm Trại khai quật tổng diện tích 20 m2, trong đó 2 hố 6 m2, 4 hố 2 m2 và các hố thám sát nhỏ. Với nỗ lực của địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác khai quật đã thu được nhiều mẫu hiện vật là công cụ đá, công cụ xương và hạt thóc cháy…

Những mẫu thu được trong đợt khai quật tại 2 di chỉ này được gửi đến trung tâm nghiên cứu khoa học ở trong nước để xác định niên đại. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cho biết: Hang xóm Trại có lẽ là hang lớn và nhiều công cụ nhất trên thế giới hiện nay. Với số lượng công cụ quá nhiều, thời gian cư trú kéo dài và còn phát hiện trong đó những bằng chứng mỹ thuật đầu tiên của con người sống trên vùng đất Việt Nam tại hang xóm Trại… giúp cho chúng ta có thể đặt hang xóm Trại cũng như mái đá làng Vành là dạng di tích đặc biệt. Trong đợt khai quật, tại cả 2 địa điểm đều thu được số lượng lớn hiện vật là công cụ hạch, công cụ xương, mảnh tước… Đặc biệt, tại hang xóm Trại còn phát hiện thêm 1 dấu tích bếp lửa và hàng nghìn hạt gạo cháy, 1 viên đá cuội đã ghè ra thành nhiều mảnh được nhặt lại lắp vào gần như nguyên vẹn… Toàn bộ hiện vật thu được từ quá trình khai quật tại 2 di tích sẽ được bàn giao và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.


Đỗ Hà

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục