Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân (PV), ông K.MALHOTRA, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa LHQ và Việt Nam trong hơn 40 năm qua, đồng thời tin tưởng, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực thúc đẩy hòa bình khu vực và trên thế giới. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.


PV: Ông có thể cho biết những đánh giá của LHQ về kết quả hợp tác với Việt Nam trong hơn 40 năm qua? Theo ông, đâu là những đóng góp nổi bật của Việt Nam với công việc chung của cộng đồng quốc tế?

Ông K. Malhotra: Trong hơn 40 năm qua, LHQ hợp tác với Việt Nam một cách chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu, LHQ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Giai đoạn sau đó, là thời gian xây dựng kinh tế và đổi mới. Thoát khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam hiện tại là nước có thu nhập trung bình và đang tiếp tục phát triển. LHQ cũng hỗ trợ Việt Nam cải cách hành chính, hội nhập, trong đó có lĩnh vực pháp lý quốc tế. Có thể thấy rằng, sự hỗ trợ của LHQ dành cho Việt Nam thay đổi qua thời gian, nhưng Việt Nam đã tận dụng hiệu quả sự giúp đỡ của LHQ. Điều đó được thể hiện qua những thành tựu phát triển đầy ấn tượng mà Việt Nam đạt được thời gian qua.

Về những đóng góp nổi bật của Việt Nam với công việc chung của cộng đồng quốc tế, tôi muốn nhấn mạnh ba nội dung chính. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia ủng hộ một cách mạnh mẽ và nhất quán các mối quan hệ và cơ chế đa phương. Trong giai đoạn hiện nay, mở rộng và đẩy mạnh quan hệ đa phương là chính sách rất quan trọng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thứ hai, đóng góp của Việt Nam với công việc chung của cộng đồng quốc tế ngày càng tăng. Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, triển khai 63 nhân viên đến Bệnh viện dã chiến cấp hai ở Nam Sudan hồi tháng 10-2018. Thứ ba, trong thời gian đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đóng góp tích cực trong việc thảo luận và thông qua các nghị quyết của HĐBA, trong đó có các nghị quyết mang tính lịch sử liên quan các vấn đề về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Chúng tôi tin rằng, đóng góp của Việt Nam nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và thế giới sẽ tiếp tục được tăng cường thời gian tới.

PV: Việt Nam từng đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009, nay tiếp tục được nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương đề cử là đại diện duy nhất của nhóm ứng cử cho nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ông đánh giá thế nào về sự tín nhiệm và kỳ vọng của các nước với Việt Nam?

Ông K. Malhotra: Rõ ràng Việt Nam là ứng cử viên đáng tin cậy và rất "nặng ký” cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam cũng sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Những vị trí này cho thấy nhiệm vụ của Việt Nam thời gian tới rất nặng nề. Việt Nam cần thể hiện được vai trò, năng lực ở tầm khu vực và cả trên trường quốc tế. Khi tham gia HĐBA, chúng tôi mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực trong các chương trình nghị sự của HĐBA, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Là quốc gia chủ nhà của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, Việt Nam sẽ hỗ trợ, đóng góp tích cực khi HĐBA xem xét các vấn đề này. Với nhiều nội dung quan trọng đối với ASEAN và thế giới, chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ có đóng góp và vai trò mạnh mẽ trong việc xem xét những vấn đề này. Không những vậy, với những kinh nghiệm khi đã trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục thời kỳ đổi mới mạnh mẽ và đạt được nhiều thành công, Việt Nam cũng có thể chia sẻ về sự phục hồi và phát triển sau chiến tranh, củng cố hòa bình và phát triển đất nước.

PV: Trong thời gian công tác tại Việt Nam, với vai trò Điều phối viên thường trú của LHQ, ông có ấn tượng nào sâu sắc nhất?

Ông K. Malhotra: Cách đây 30 năm, tôi đã đến đất nước các bạn lần đầu và sau đó đã đến nhiều lần nữa. Thời điểm đó, giai đoạn đổi mới bắt đầu. Tôi thấy rằng Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi rất tích cực và là quốc gia hết sức năng động. Có thể nói, Việt Nam là một câu chuyện rất thành công. Đến nay, tôi đã có hơn hai năm đảm nhận vai trò Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, và tôi có thể nói rằng, Việt Nam đang viết tiếp câu chuyện thành công của mình.

Tuy nhiên, những thách thức đối với Việt Nam cũng đáng kể. Khoảng 5 năm tới, Việt Nam đứng trước "bài toán” về nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, phát huy sáng kiến, tinh thần sáng tạo để tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình”. Nằm ở khu vực phát triển năng động, nhưng cũng có nhiều thách thức, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường, Việt Nam không tránh khỏi khó khăn. Cách thức Việt Nam xử lý thách thức sắp tới góp phần quyết định việc Việt Nam đạt được các mục tiêu đặt ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

 

               TheoNhandan

Các tin khác


Trên 420 người tử vong do dịch tả ở Cameroon

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 1/6, Bộ Y tế Cameroon cho biết đã có thêm 26 người tử vong trong đợt bùng phát dịch tả đang hoành hành tại nước này trong hai tuần qua, nâng tổng số nạn nhân lên 426 người. Ngoài ra có khoảng 1.868 trường hợp được xác nhận mắc bệnh.

Nga phản ứng với biện pháp đáp trả của Mỹ về hiệp ước New START

Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết các biện pháp đáp trả của Washington liên quan Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) sẽ không làm thay đổi quan điểm của Moskva.

Tỉnh miền Trung Argentina tăng cường xúc tiến thương mại với ASEAN

Theo phóng viên TTVXN tại Buenos Aires, trong các ngày từ 31/5-2/6, Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Argentina (ACBA) đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Entre Ríos với mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Tiếp diễn xung đột tại Sudan khiến 18 dân thường thiệt mạng

Theo hãng tin AFP, các cuộc pháo kích đã khiến 18 dân thường thiệt mạng tại một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội nước này với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đối địch không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Australia nỗ lực giúp bệnh nhân khắc phục chứng "COVID kéo dài"

Ngày 1/6, Australia đã chính thức bước vào mùa Đông trong khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19.

Moldova, Gruzia thúc đẩy tiến trình gia nhập EU

Ngày 31/5, Phó Thủ tướng Moldova Nicu Popescu cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần thứ 2 sẽ là cơ hội để thể hiện Moldova sẵn sàng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục