Đại sứ Thái Lan tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Phasporn Sangasubana khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã gửi thông điệp quan trọng tới toàn thế giới và khu vực rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã không thể làm chệch hướng các cam kết cũng như không thể trì hoãn các kế hoạch của ASEAN.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan chiều 15/11. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Phasporn cho rằng trên thực tế, đại dịch đã thúc đẩy ASEAN làm việc chăm chỉ hơn và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo đưa khu vực vượt qua thời điểm khó khăn này và vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhà ngoại giao này cho biết tại các cuộc họp giữa các quốc gia thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác y tế cộng đồng, đặc biệt là về an ninh vaccine, và sự cần thiết thúc đẩy ổn định khu vực nhằm tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế. 

Thủ tướng Prayut cũng nhắc lại cam kết của Bangkok trong việc tăng cường hợp tác với các nước thành viên ASEAN và các đối tác liên quan nhằm tăng cường an ninh con người, trong đó có chăm sóc sức khỏe toàn dân, phát triển nguồn nhân lực, và phát triển bền vững nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về những thành tựu của ASEAN trong năm nay, bà Phasporn cho biết để ứng phó với sự lây lan của COVID-19, giảm thiểu các tác động kinh tế của đại dịch và tái thiết tốt hơn, ASEAN đã bắt tay hợp tác gần như ngay lập tức sau khi phát hiện trường hợp lây nhiễm đầu tiên. Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về COVID-19 vào ngày 14/4, ASEAN đã thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực. 

ASEAN đã thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch triển khai, và gần đây nhất là Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN. Ngoài ra, ASEAN đã thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi và hoàn tất Khung chiến lược ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN.

Tuy nhiên, bà Phasporn cho hay các hoạt động chính của ASEAN trong năm nay không giới hạn ở việc chống COVID-19. Ngày 15/11, ASEAN đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và việc sớm triển khai RCEP có thể giúp gia tăng giá trị chiến lược cho ASEAN trong thương mại và đầu tư toàn cầu.

Đại sứ Phasporn đánh giá rằng việc ký kết RCEP sẽ giúp giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các nền kinh tế ASEAN và đẩy nhanh quá trình phục hồi khu vực. Thỏa thuận này cũng cho thấy quyết tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và cam kết đối với hệ thống thương mại đa phương tự do và cởi mở. Nhà ngoại giao Thái Lan kỳ vọng rằng RCEP sẽ tạo động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, khôi phục niềm tin kinh doanh rất cần thiết và chứng minh với thế giới rằng thị trường khu vực đã sẵn sàng phục hồi.

Đánh giá về vai trò của Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Đại sứ Phasporn cho rằng Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với các tình huống mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bằng cách triệu tập các cuộc họp trực tuyến thay vì trực tiếp trong suốt cả năm qua. Theo bà, điều này không chỉ đảm bảo rằng các nhiệm vụ quan trọng có thể đạt được theo kế hoạch mà còn giúp ASEAN tiếp tục cam kết với chính mình và với các đối tác.

Đại sứ Phasporn nhắc lại rằng tiếp theo sáng kiến thành công trong việc triệu tập Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về COVID-19, Chủ tịch ASEAN Việt Nam cũng đã tổ chức một số hội nghị cấp cao với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia và Anh nhằm trao đổi thông tin và thúc đẩy hợp tác giải quyết đại dịch.

Về những thách thức và cơ hội của ASEAN trong thời gian tới, Đại sứ Phasporn cho rằng tình hình kinh tế chính trị toàn cầu hiện nay đòi hỏi một loạt các quyết định chính sách phức tạp từ các chính phủ trên thế giới. Thế giới và khu vực đang chứng kiến những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các cường quốc, trong đó một phần trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Theo bà, với việc nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ sụt giảm 3,8% trong năm nay, điều quan trọng là cần duy trì ổn định khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Đại sứ Phasporn cho rằng trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, tinh thần "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là cần thiết hơn bao giờ hết. Theo đó, ASEAN cần phải "gắn kết” và giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực, đồng thời duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực với trọng tâm là "tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau”. 

Cuối cùng, nhà ngoại giao Thái Lan cho rằng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) cần được sử dụng như một công cụ để khuyến khích các cường quốc tương tác một cách xây dựng với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của khu vực.

         
Theo Báo Tin tức

Các tin khác


G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục