Ngày 17-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị hòa bình Việt Nam lần thứ nhất thành lập ra Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam[1]. Ngày 3-12-2008, tại Thông báo số 204-TB/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã quyết định lấy ngày 17-11-1950 là Ngày Truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị).
Tọa đàm về thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Ðộ do Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Ðộ tổ chức.
Trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thêm bạn bớt thù, đoàn kết vì lợi ích chân chính của nhân dân ta và nhân dân thế giới, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên cùng với các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân của cả nước đã có những đóng góp to lớn trong việc huy động nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phá bao vây, cấm vận và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh hết sức khó khăn, phải đương đầu với "thù trong”, "giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại nhân dân, để củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Một số hội thân hữu với nhân dân các nước được thành lập ngay sau ngày đất nước độc lập[2] là tiền thân của các tổ chức hữu nghị sau này.
Trong những năm tháng khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoạt động ngoại giao của các đoàn thể nhân dân là vũ khí sắc bén và hiệu quả, vừa huy động đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam với nhân dân bị áp bức trên thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Các phái đoàn ngoại giao nhân dân đầu tiên của Việt Nam đã tham dự các diễn đàn nhân dân khu vực và quốc tế.[3] Năm 1950, Hội đồng hòa bình thế giới chính thức thành lập, Việt Nam được coi là một trong những thành viên sáng lập Hội đồng. Ngày 19-11-1950, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam - tổ chức đối ngoại nhân dân đa phương đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã được thành lập tại chiến khu Việt Bắc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự. Đây là dấu mốc quan trọng gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào tiến bộ của nhân dân thế giới.
Trong những năm sau đó, các hội hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các tổ chức hữu nghị với Lào, Campuchia, Cuba, Pháp và hàng trăm tổ chức đoàn kết với Việt Nam tại Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Mỹ, Nhật Bản, các nước ở khu vực châu Á, Mỹ Latinh... lần lượt ra đời. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhiều tổ chức nhân dân thành viên được thành lập. Thông qua các hoạt động song phương với các nước ở khắp các châu lục cũng như tại các diễn đàn quốc tế của các tổ chức cánh tả, công đoàn, thanh niên, sinh viên, các tổ chức hòa bình thế giới, đối ngoại nhân dân đã làm rõ bản chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta vì hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước, góp phần hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam vô cùng mạnh mẽ với sự tham gia của hàng triệu người dân ở các nước, kể cả ở Pháp và Mỹ. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ những câu chuyện cảm động và những con người đã được khắc tên vào lịch sử như Raymonde Dien, Henri Martin, ngọn đuốc sống Morisson, cố Thủ tướng Thuỵ Điển Olof Palme… Sự ủng hộ to lớn, chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị đã tích cực "đi trước mở đường”, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ, tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước, huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước, bảo vệ Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đối ngoại nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, nhất là trong việc phát triển quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia, củng cố quan hệ với Liên bang Nga và các nước Đông Âu, các nước bạn bè truyền thống, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước Tây Âu... Đặc biệt, Liên hiệp Hữu nghị đã phối hợp với các tổ chức nhân dân các nước, nhất là với các tổ chức hòa bình, cánh tả, cựu chiến binh của Mỹ, triển khai nhiều hoạt động hòa bình, thiện nguyện, hỗ trợ Việt Nam như: phẫu thuật nụ cười, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, đi bộ hoà bình... góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đưa các cựu thù trở thành đối tác.
Kể từ khi tách ra từ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng thành một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân vào tháng 1-1992, Liên hiệp Hữu nghị đã từng bước trưởng thành và phát triển, trở thành một hệ thống vững mạnh với 116 tổ chức thành viên, gồm 64 tổ chức hữu nghị ở Trung ương và 52 Liên hiệp hữu nghị địa phương. Liên hiệp Hữu nghị đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực, quốc tế; hằng năm tổ chức hàng nghìn hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị góp phần tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước với nhiều hình thức rất sáng tạo và phong phú ở cả cấp quốc gia và các địa phương: các hoạt động gặp gỡ hữu nghị, quảng bá văn hóa nhân các ngày lễ lớn hoặc bên lề chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, liên hoan nhân dân, thanh niên giữa Việt Nam với các nước bạn, các diễn đàn hợp tác nhân dân, các cuộc thi tìm hiểu đất nước, con người, truyền thống văn hoá, quan hệ giữa Việt Nam với các nước; gặp gỡ nhân sỹ, cựu binh, gia đình quân nhân đã chết, mất tích trong chiến tranh; các cuộc thi tranh vẽ thiếu nhi, thi hùng biện tiếng nước ngoài cho học sinh, sinh viên Việt Nam và tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch…
Hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, nhất là Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn nhân dân Á – Âu (AEPF), Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình, Hội nghị thế giới chống bom A&H, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi (AAPSO)..., tại các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN (Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc - UN ECOSOC và Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền – AICHR...) đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng đất nước và củng cố hòa bình, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, hội nhập, hợp tác và phát triển. Trước những diễn biến phức tạp và tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Với chức năng là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đồng thời là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp Hữu nghị đã triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Bình quân mỗi năm giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam đạt khoảng 300 triệu USD, thiết thực góp phần xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực.
Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã được thông tin sâu rộng đến cộng đồng quốc tế, qua đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo bạn bè trên thế giới đối với Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phóng viên, học giả, bạn bè quốc tế đã tích cực truyền tải các thông điệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam ra thế giới.
Thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã đưa đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới, vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Trên thế giới, hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là nguyện vọng chung, là đích hướng tới của nhân dân các nước. Hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Liên hiệp Hữu nghị có mạng lưới bạn bè quốc tế gắn bó với Việt Nam, được bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản đó, công tác đối ngoại nhân dân cũng đứng trước những thách thức mới, nhất là những chuyển biến sâu sắc, nhanh chóng trong tình hình thế giới, tác động toàn diện và lâu dài của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền, dân tuý, dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Tình hình mới đòi hỏi đối ngoại nhân dân phải đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận, quán triệt và triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các binh chủng đối ngoại góp phần củng cố, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao vị thế đất nước và đóng góp vào hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực và thế giới.
Để hoàn thành sứ mệnh đó, Liên hiệp Hữu nghị đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 19-9-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới, bám sát phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, tập trung vào các trọng tâm sau:
Một là, nỗ lực củng cố và mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong ASEAN, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng đúng các yêu cầu, mục tiêu phát triển của đất nước. Phát huy thế mạnh đặc thù của đối ngoại nhân dân, hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, nhất là trong việc xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.
Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường hợp tác nhân dân trong các lĩnh vực hòa bình, an ninh, nhất là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sức khỏe và an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng... góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giữ vững hòa bình và phát triển bền vững.
Ba là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nhân dân, thu hút sự tham gia của các lực lượng trong xã hội và kiều bào ta ở nước ngoài vào các hoạt động đối ngoại nhân dân. Xây dựng hệ thống Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, gắn bó, có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Trên nền tảng những thành tựu trong 70 năm qua, Liên hiệp Hữu nghị sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, huy động sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới và góp phần vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
--------------------
[1] nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam - tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
[2] Việt – Mỹ thân hữu hội (10-1945), Hội Việt – Hoa hữu hảo (2-1946)
[3] Hội nghị liên Á tại New Delhi (Ấn Độ) tháng 4-1947; Hội nghị các nước châu Á ủng hộ Indonesia chống xâm lược của thực dân Hà Lan. Từ năm 1948, Việt Nam đã tham gia Hội nghị Liên hiệp Công đoàn thế giới ở Milan (Italia), Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới tại Budapest (Hungary, mùa hè năm 1949), Hội nghị Công đoàn châu Á - Australia tại Bắc Kinh (Trung Quốc, tháng 10-1949). Tháng 4-1949, Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam gồm 11 người đã tham dự Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình.
Ngày 11/11, Thư ký bang Georgia của Mỹ, ông Brad Raffensperger thông báo bang này sẽ thực hiện quá trình kiểm lại toàn bộ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã ký bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm kiểm soát chung việc chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorny-Karabakh.
Ngày 10/11, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden, người được truyền thống Mỹ tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khẳng định không điều gì có thể gây trở ngại cho quá trình chuyển giao quyền lực.
Theo Sở Cảnh sát thành phố Houston, Mỹ, một cảnh sát đã bị bắn chết tại thành phố này trong chiều 9/11 (giờ địa phương).
Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020, ông Joe Biden được cho là đang xúc tiến soạn thảo một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Hãng tin AFP dẫn lời các nguồn tin an ninh và y tế Iraq cho biết lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tối 8/10 đã tấn công một trạm gác ở phía Tây thủ đô Baghdad, khiến 11 người thiệt mạng.