7 giờ 58 phút ngày 12-1-2010, Massoud Ali Mohammadi, 50 tuổi, giáo sư vật lý hạt cơ bản Iran, vừa ra khỏi nhà chuẩn bị lên xe đi làm thì một vụ nổ giết chết ông tại chỗ. Mohammadi có phải là nạn nhân của chiến dịch “đoạt thủ cấp” của Mossad (Cục Phản gián Israel)?

Để ngăn cản chương trình  hạt nhân của Iran mà Israel nghi ngờ bao gồm cả sản xuất vũ khí hạt nhân, từ nhiều năm nay, Israel đã tiến hành một cuộc chiến thầm lặng nhằm loại bỏ tất cả những nhà khoa học dính líu đến chương trình hạt nhân của Iran. Nhiệm vụ này được giao cho Mossad và cuộc chiến mang tên chiến dịch “đoạt thủ cấp”.


Cửa nhà ông Mohammadi sau vụ nổ (ảnh lớn) và Ali Mohammadi (ảnh nhỏ). Ảnh: AP

Nhiều giả thuyết


Chung quanh cái chết của nhà khoa học Mohammadi có nhiều giả thuyết trái ngược nhau. Theo chính phủ và truyền thông Iran, ông   Mohammadi là một nhà bác học lỗi lạc, giảng dạy môn vật lý hạt nhân ở trường đại học Tehran.

Một trái bom loại điều khiển từ xa giấu trong một chiếc xe gắn máy đậu ngay trước cửa nhà riêng ông Mohammadi đã phát nổ đúng vào lúc ông này vừa bước ra khỏi nhà. Sức công phá của quả bom rất mạnh.
 
Tất cả những cửa sổ của một ngôi nhà bốn tầng lầu ở bên cạnh đều bể nát, khung cửa hư hỏng nặng. Quả bom thổi tung cánh cửa gara. Đài BBC tiếng Ba Tư cho biết những người hàng xóm mô tả vụ nổ giống như một trận động đất. Ngoài ông Mohammadi chết thảm còn có hai người khác bị thương.


Trong khi cuộc điều tra đang tiến hành, người phát ngôn Chính phủ Iran tuyên bố: “Theo kết quả điều tra sơ khởi, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền phục quốc (Israel), Mỹ và những tên đâm thuê chém mướn của họ đã thực hiện vụ ám sát hèn hạ này”.

Nhật báo tiếng Anh Iran Tehran Times cho biết Chính phủ Iran còn đòi Mỹ dẫn độ các thành viên của nhóm khủng bố Tondar ở Los Angeles vì “nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ giết ông Mohammadi”.

Bộ Ngoại giao Iran đã triệu đại sứ Thụy Sĩ (đại diện quyền lợi Mỹ ở Iran) đến văn phòng bộ để phản đối Washington chứa chấp bọn khủng bố Tondar và gây án ở Iran.


Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằngvụ án Mohammadi là một câu chuyện nội bộ của Iran. Ông Mohammadi không dính dáng gì đến chương trình hạt nhân. Trang web Trường Đại học Tehran ghi rõ ông Mohammadi là giáo sư vật lý hạt cơ bản chứ không phải nhà khoa học hạt nhân.


 Nhật báo Mỹ The New York Times dẫn lời ông Ali Moghari, Trưởng Khoa Vật lý Trường Đại học Tehran, cho biết giáo sư là một người “phi chính trị”, tuy có một chuyện là ông cùng với 240 giáo sư đại học ký tên ủng hộ ứng cử viên tổng thống đối lập Mir Hussein Moussavi.


Do đó, đổ lỗi cho Mỹ hay Israel, cụ thể là Mossad là không hợp lý. Vụ án lại xảy ra trong bối cảnh  tình hình Iran nóng bỏng với những vụ biểu tình phản đối chính phủ ông Ahmadinejad của phe đối lập. Trong bối cảnh đó, có giả thuyết các phe phái cực đoan đã mướn sát thủ ra tay để cảnh cáo phe đối lập.

Theo tuần báo Đức Der Spiegel, có thể sát thủ là một thành viên của Hizbollah, một tổ chức Hồi giáo phái Shiite  Lebanon, kẻ thù không đội trời chung với Israel. Hizbollah ủng hộ mạnh mẽ phái cứng rắn ở Iran.


Dụ không được thì giết


Nhưng cũng không loại trừ Mossad đã ra tay theo kiểu “ném đá giấu tay”. Trang tin Slate.fr cho biết  Mossad thường ít khi ra tay ở Iran bởi một lẽ đơn giản: Cho đến nay, đặc vụ Mossad rất khó thâm nhập lãnh thổ Iran.

Tình báo Iran rất đáng gờm có nhiều biện pháp ngăn chặn đặc vụ Mossad. Cho nên trong vụ ám sát giáo sư Mohammadi, nếu thật sự do Mossad chủ mưu, có nhiều khả năng sát thủ là một người địa phương thuộc phe nổi dậy chống Chính phủ Iran ra tay theo hợp đồng thuê mướn và có lợi ích khi hợp tác với Israel như nhóm Chiến binh Nhân dân (MEK).


Mohammadi không phải là nhà khoa học Iran đầu tiên “ra đi” một cách bí ẩn. Ngày 18-1-2007, giáo sư Ardashir Hosseinpour, một chuyên gia về điện từ hàng đầu thế giới công tác tại nhà máy làm giàu uranium ở Isfahan, chết vì chất độc phóng xạ. Trang web tình báo Stratfor.com cho rằng Mossad đã đầu độc nhà khoa học này.


Tháng 6-2009, nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri cũng đã bất ngờ “biến mất” trên đường đi hành hương ở thánh địa Mecca, Ả Rập Saudi. Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, ông này không bị giết chết mà hình như bị “dụ dỗ” đào nhiệm.

Đây cũng là một cách chặt bớt “vây cánh  địch” của Mossad. Dụ dỗ không được thì giết, đó là phương châm của Mossad  nằm trong chiến dịch “đoạt thủ cấp” nhằm làm cho Iran mất hết người thực hiện chương trình hạt nhân đầy tranh cãi.


Thật ra, chiến dịch “đoạt thủ cấp” đã từng được Israel áp dụng với Iraq thời tổng thống Saddam Hussein. Trang tin trực tuyến Slate.fr dẫn tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Mossad đã từng ám sát 350 nhà khoa học hạt nhân và giáo sư đại học Iraq liên quan đến dự án hạt nhân Osirak mà Iraq hợp tác với Pháp.
 
Trong đó, trường hợp của  nhà khoa học hạt nhân Yahya el-Meshad là ly kỳ nhất. Mossad mướn một ả gái điếm Pháp cắt cổ ông El-Meshad trong khách sạn Méridien ở Paris, Pháp.

Theo Cơ quan Tình báo Pháp, vụ này liên quan đến bà Tsipi Livni, lúc đó là đặc vụ Mossad. Bà Livni từng làm ngoại trưởng, còn hiện nay là thủ lĩnh nhóm đối lập ở Quốc hội Israel.


Câu hỏi đặt ra là liệu với Iran, dụ dỗ hoặc ám sát một số nhà khoa học có đủ làm Iran mất khả năng thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân? Thông tin tình báo phương Tây ước tính có vài ngàn người - bao gồm kỹ thuật viên, giáo sư và kỹ sư (trong đó có một số người nước ngoài, chủ yếu là Nga) - tham gia chương trình hạt nhân Iran. Trong số này chỉ có chừng 50 người đóng vai trò chủ chốt.


Cho tới bây giờ, chỉ có một số nhà khoa học bị giết, chưa thấy kỹ sư nào bị sát hại. Tại sao? Theo Slate.fr, các nhà khoa học giữ những chức vụ giám sát các chương trình vũ khí  bí mật. Họ là những người quyết định thành công hay thất bại  của chương trình chứ không phải kỹ sư.

 

 

                                                                             Theo NLĐ

Các tin khác


Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Tình hình kinh tế đáng lo ngại ở đất nước có lạm phát cao nhất thế giới

Ngày 12/4, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 3/2024 đứng ở mức 11% so với tháng trước đó.

Hai tham vọng lớn xung quanh cuộc cách mạng kỹ thuật số ở châu Âu

Cuộc họp không chính thức Bộ trưởng Viễn thông Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra trong hai ngày 11-12/4 tại thành phố Louvain-la-neuve của Bỉ.

Trung Quốc, Triều Tiên bàn cách thúc đẩy hợp tác song phương

Ngày 11/4, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân Đại) toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã tham dự các sự kiện đánh dấu 75 năm Trung Quốc và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nga tích cực cứu trợ nhân đạo vùng lũ lụt

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/4 thông báo hai máy bay vận tải Il-76 của bộ này đã vận chuyển hơn 90 tấn hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân bị nạn ở các khu vực lũ lụt thuộc vùng Orenburg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục