Cùng Tuần Việt Nam nhìn lại bức tranh tình hình thế giới qua các sự kiện nổi bật của năm.

 

1. Động đất tại Haiti

Trận động đất ngày 12/1 làm rung chuyển cả thủ đô Port-au-Prince của Haiti có thể không phải là trận động đất có cường độ mạnh nhất trong lịch sử, nhưng gần như chắc chắn là thảm họa kinh hoàng nhất.

Chỉ trong vòng vài giờ, hơn một triệu người trở thành vô gia cư. Nhà cửa trên khắp thành phố và vùng ngoại ô bỗng chốc trở thành đống đổ nát. Khoảng 230.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người khác bị thương.

Nhưng mất mát còn xót xa và đau đớn hơn khi xảy đến ở một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh. Hàng chục nghìn người vẫn đang sống trong các khu trại đổ nát mà ngay từ đầu đã thiếu hoặc hoàn toàn không được bảo vệ. Các vụ hiếp dâm liên tục diễn ra, và dịch tả hoành hoành làm chết hơn 300 người, khiến Haiti một lần nữa phải kêu gọi cứu trợ từ cộng đồng quốc tế.

2. WikiLeaks

WikiLeaks, một tổ chức tìm kiếm và công bố những dữ liệu nhạy cảm hoặc bí mật của các chính phủ, năm nay đã bỏ hai quả bom "chết người" với vụ tiết lộ 77.000 hồ sơ quân sự Mỹ về chiến tranh tại Afghanistan hồi tháng 7 và vụ thứ hai lớn hơn gồm 400.000 hồ sơ mật về chiến tranh Iraq hồi tháng 10. Cả hai vụ đều chứa các thông tin liên quan tới số dân thường thương vong và các vụ lạm dụng bạo lực trước đó chưa được tiết lộ.

WikiLeaks sau đó tiếp tục mở rộng "sức công phá", phát tán hơn 200.000 văn thư ngoại giao Mỹ cho một số trang truyền thông hàng đầu thế giới hồi tháng 11. Vụ rò rỉ gây xao động cả giới công nghệ trên toàn thế giới nói chung và tại các nước lớn nói riêng, đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của những gì được coi là bí mật trong thế kỷ 21.

Người nổi tiếng trong câu chuyện này là Julian Assange, ông chủ tóc bạc của WikiLeaks. Cựu phóng viên người Úc này bị bắt tại Luân Đôn hôm 7/12 vì cáo buộc lạm dụng tình dục ở Thụy Điển, những cáo buộc mà luật sư của ông cho rằng chỉ nhằm làm xấu thanh danh của ông.

Dẫu vậy, Assange vẫn chưa hề có ý định từ bỏ "cuộc chơi", bởi gần như mỗi ngày đều có hàng chục văn kiện mới đang tiếp tục rò rỉ, làm nhiều cường quốc lớn nhất thế giới lâm vào thế "bẽ bàng" và "ngượng ngập" về ngoại giao.

3. Những thợ mỏ Chile

Ngày 5/8, 33 thợ mỏ tại mỏ đồng San José thuộc sa mạc Atacama bị mắc kẹt trong hầm lò nằm sâu 700m dưới lòng đất.

69 ngày dưới lòng đất là màn kịch đầy hồi hộp của cả thế giới, một câu chuyện có hậu. Qua hoạn nạn, những thợ mỏ này trở thành anh hùng dân tộc, hình ảnh nhem nhuốc của họ co cụm lại trong lòng đất xuất hiện trên các mặt báo khắp thế giới.

Cuộc giải cứu diễn ra như trong phim, được truyền hình trực tiếp tạo ra khung cảnh chưa từng có, còn hơn cả tiểu thuyết khi những người hùng nhô lên từ lòng đất, tới ôm lấy người thân với khuôn mặt đẫm nước mắt trước sự vui mừng của tổng thống Chile Sebastián Piñera.

Nhưng còn đó nỗi đau trong điều thần kỳ vừa qua là cầu chuyện về hàng trăm thợ mỏ khác không được may mắn như vậy - chỉ vài tháng sau cuộc giải cứu, một vụ sập hầm mỏ tương tự đã cướp đi sinh mạng của 29 thợ mỏ tại New Zealand.

4. Trận lũ lịch sử tại Pakistan

Lực lượng phiến quân cực đoan hoành hoành, xã hội dân sự yếu kém và khủng hoảng kinh tế diễn ra, Pakistan phải gánh chịu những nỗi đau quá lớn.

Nhưng chưa hết, cơn mưa nặng hạt hồi trung tuần tháng Bảy đã mở đầu cho trận lụt gần như chưa từng có, nhấn chìm toàn bộ lưu vực Sông Indus. Có thời điểm, gần 1/5 nước này ngập trong biển nước. Khoảng 20 triệu người Pakistan mất nhà cửa do nước dâng cao, gần 2.000 người thiệt mạng, cùng hơn 10 triệu vật nuôi bỗng chốc "bay hơi".

Thiệt hại về kinh tế - theo một số thống kê lên đến 43 tỷ USD - là cú đấm mạnh vào nhà nước Pakistan sau những nỗ lực cứu trợ người cơ nhỡ và vô gia cư.

Cộng đồng quốc tế cũng phản ứng chậm chạp khi thảm họa xảy ra: trong khi 742 triệu USD viện trợ được cam kết dành cho Haiti ngay trong những ngày diễn ra động đất, con số 45 triệu USD ít ỏi chỉ đến được tới Pakistan một tháng sau khi cơn lũ hoành hành.

5. Tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên

Bất ổn khởi đầu hồi tháng Ba, khi tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc bị đắm tại vùng biển tranh chấp giữa hai miền, làm thiệt mạng 46 thủy thủ. Một cuộc điều tra do quân đội Hàn Quốc tiến hành cuối cùng đã kết luận tàu này bị đánh chìm do ngư lôi của Triều Tiên.

Kết quả là một mùa hè căng thẳng leo thang, với việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận hải quân bất chấp sự phản đối của Triều Tiên, sự việc đến lượt nó lại gây khó chịu cho Trung Quốc.

Tiếp đó là vụ việc Triều Tiên nã đạn pháo vào hòn đảo trên vùng biển gần biên giới tranh chấp ngày 23/11. Bốn người Hàn Quốc thiệt mạng, và bán đảo một lần nữa lại chìm trong hận thù chính trị.

6. Giải vô địch bóng đá thế giới tại Nam Phi

Nhiều tháng trước giải vô địch bóng đá thế giới mùa hè năm nay tại Nam Phi, truyền thông quốc tế tỏ ra hoài  nghi khả năng làm chủ nhà đại hội thể thao nổi tiếng nhất hành tinh của quốc gia châu Phi này.

Đây là kỳ World Cup đầu tiên diễn ra trên đất châu Phi, và đã có vô vàn những quan ngại: Sân vận động có được hoàn thiện đúng thời gian? Cơ sở hạ tầng của nước này có đáp ứng được khi hàng triệu người hâm mộ đổ về châu Phi? Các biện pháp an ninh có đủ tốt tại một quốc gia khét tiết với những tội ác bạo hành?

Giải đấu bắt đầu - Nelson Mandela, nhà lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc, nguyên tổng thống Nam Phi và là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, đã rút khỏi lễ khai mạc sau khi chắt gái của ông chết trong một vụ tai nạn ôtô.

Nhưng bất chấp đôi chút khó khăn ban đầu, những nghi ngại trước đó đã biến mất khi giải đấu khởi tranh. Trong suốt bốn tuần mùa hè, Nam Phi chính là nơi diễn ra một trong những kỳ World Cúp thành công nhất trong lịch sử, với những cổ động viên nhiệt thành, những màn trình diễn ấn tượng đặc biệt từ đội Ghana kiên cường và nhà vô địch Tây Ban Nha.

Cả thế giới bàn tán về âm thanh lạ tai của cây kèn vuvuzela. Và đến trận trung kết, Mandela nở nụ cười rạng rỡ bên ngoài sân cỏ, xua tan nỗi lo sợ tiêu cực của những người  hoài nghi. Ai thèm lắng nghe họ, khi mọi sự chú ý đều đổ dồn về chú bạch tuộc tiên tri.

7. Yemen: Mặt trận mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Giáng sinh năm 2009, một kẻ tình nghi khủng bố lên chiếc máy bay đáp xuống Detroit đã không thể kích nổ qua bom giấu trong quần lót.

Và nhờ vậy thế giới biết đến Yemen, một trong những quốc gia nghèo và chia rẽ nhất Trung Đông, mầm mống phát sinh những tên phiến quân theo tư tưởng chính thống.

Kẻ ném bom bất thành, một thanh niên Nigeria, được huấn luyện trên đất Yemen. Từ khi đó, thế giới ý thức rõ hơn về sức mạnh không ngừng gia tăng của cánh Yemen thuộc al-Qaeda mà giờ đây còn có nhiều ảnh hưởng và khả năng tác chiến hơn cả "đối tác" đang hoạt động dọc biên giới Afghanistan và Pakistan.

Một loạt các quả bom thư bị ngăn chặn mới đây nhằm vào các địa chỉ tại Mỹ được gửi sang từ Yemen.

Tổng thống đương quyền Ali Abdullah Salih đã điều hành đất nước từ hơn hai thập niên nay, nhưng ngoài việc củng cố quyền lực của mình, ông gần như chẳng làm gì nhiều để khắc phục các khó khăn về kinh tế của nước này.

Các quy định về pháp luật ở một số vùng của Yemen cũng không khác tại Somali; nhiều phe phái và bộ tộc nổi dậy chẳng kém ở Afghanistan hay Iraq.

Salih đã cam kết loại bỏ những tên khủng bố. Nhưng có lẽ do nghi ngờ cam kết và năng lực của ông, CIA đã bắt tay vào cuộc chiến bí mật với những đợt tấn công bằng máy bay không người lái, nhằm vào các địa điểm tình nghi hoạt động của al-Qaeda tại nước này.

8. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của châu Âu

Với châu Âu, mùa hè năm nay là mùa của những bất mãn. Tiếp sau hiệu ứng Đại suy thoái, hàng loạt các nền kinh tế liên minh châu Âu chấp nhận lấy "thắt lưng buộc bụng" làm khẩu lệnh.

Khi Hy Lạp chệch choạc bên bờ vực phá sản hồi tháng 5, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại Athens và nhiều thành phố khác để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu công của chính phủ. Nhiều người cảm thấy họ bị trừng phạt vì những hành động tai hại của các chính trị gia, trong khi người châu Âu ở xa hơn về phía tây ngày càng phàn nàn khi phải giải cứu Hy Lạp với chi phí lên tới gần 150 tỷ USD.

Khắp châu Âu, có cảm giác rằng "khế ước xã hội" hình thành sau thế chiến thứ hai đang đứng trước nguy cơ lớn. Tại Pháp, các thành phố và thị trấn thậm chí còn tê liệt trong nhiều tuần vì đình công khi cả thanh niên và người già đứng lên chống lại dự luật tăng tuổi về hưu thêm hai năm.

Chính phủ mới do đảng Bảo thủ lãnh đạo tại Luân Đôn trong tháng 10 đã tuyên bố cắt giảm tới 128 tỷ USD ngân sách - dàn trải trên nhiều khía cạnh, từ chi tiêu quân sự cho tới các dự án nhà đất cho người thu nhập trung bình.

9. Cuộc chiến ma túy tại Mexico

Cuộc chiến chống lại các băng nhóm buôn bán ma túy quyền lực tại nước này đã đến hồi ghê rợn trong năm 2010. Các thành phố biên giới vốn bất ổn càng chìm trong bạo lực khi các nhóm ma túy chính của nước này tranh giành "lãnh thổ"  hoạt động.

Trong khi đó, các lực lượng an ninh hoặc đã bị loại bỏ hoặc quá sợ hãi, hoặc đôi khi còn đồng lõa với các băng nhóm.

Tháng 9, thành phố vùng biên Ciudad Juárez đã sa thải 400 nhân viên cảnh sát tham nhũng. Tổng thống Felipe Calderón giành được một vài chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các tổ chức này, bắt sống têm trùm ma túy khét tiếng có tên El Barbie, cũng như tóm gọn 350 tấn cần sa tại thị trấn giáp biên Tijuana.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi tại Mexico liên tục diễn ra những vụ bắt cóc rợn người, chôn hàng loạt và hành hình ban đêm. Hơn 3.000 người đã bị giết riêng trong năm nay.

10. Áo đỏ Thái Lan

Suốt gần cả tháng 4 và tháng 5, hàng nghìn người biểu tình phản đối chính phủ chiếm đóng một trung tâm thương mại ở Bangkok, thủ đô Thái Lan. Đặt tên Áo đỏ để chỉ màu của phong trào chính trị (đối thủ là phe Áo vàng), các nhà hoạt động tìm cách lật đổ chính phủ họ coi thân quý tộc và phi dân chủ.

Nhân vật đứng đầu phe Áo đỏ, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, sống lưu vong từ khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 (năm 2008, Thaksin bị cáo buộc tham nhũng và kết án vắng mặt).

Các nhà bình luận nhìn nhận, các vụ biểu tình thể hiện vết rạn nứt sâu hơn trong xã hội Thái - giữa thành phố lớn và vùng nông thôn, giữa người giàu và người nghèo, giữa phe bảo hoàng và phe dân túy.

Nhưng trên đường phố Bangkok, những rối ren và bất ổn chính trị Thái Lan được thể hiện qua cảnh tượng hãi hùng. Người biểu tình áo đỏ đổ hàng trăm lít máu của chính mình ra khắp mọi nơi. Sau đó, khi tình trạng tê liệt liên tục của Bangkok lên đến mức không thể chấp nhận đối với chính phủ, buộc họ phải dùng bạo lực. Những cuộc đấu đá trên đường phố diễn ra giữa các lực lượng chính phủ và người biểu tình, một số có trang bị sung ngắn, thậm chí là thiết bị phóng tên lửa thô sơ tự chế.

Cuộc đàn áp đẫm máu và nỗ lực giải tán phe Áo đỏ dẫn tới 91 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương, tất cả được "đặt" trước ống kính máy quay của báo chí quốc tế, đưa tin 24/24 từ "chiến tuyến" Bangkok.

Khi mọi chuyện đã lắng xuống, tinh thần chống đối vẫn còn nguyên đó. Tháng 11, hàng nghìn người ủng hộ phe Áo đỏ diễu binh tại Bangkok để tưởng niệm những người xấu số sáu tháng trước đó. Chỉ có một điều chắc chắn là biểu tình chắc chắn sẽ lại xảy ra.

 

                                                                            Theo VietNamnet

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Đội hợp xướng của thánh đường St Albans, Anh, chơi ném tuyết sau buỗi lễ sáng.

Citigroup cảnh báo nguy cơ sụp đổ tài chính châu Âu

“Một sự sụp đổ theo hiệu ứng domino rất có thể sẽ xảy ra với hệ thống ngân hàng và các nền kinh tế châu Âu nếu lãnh đạo EU không có những biện pháp đối phó kịp thời với khủng hoảng nợ”, Citigroup cảnh báo.

LHQ điều tra về vụ bắt giữ binh sĩ Bradley Manning

Liên hợp quốc (LHQ) vừa thành lập một đơn vị điều tra về đơn kiện Mỹ đối xử không công bằng với binh sĩ Bradley Manning - người bị nghi là cung cấp tài liệu mật của quân đội Mỹ cho WikiLeaks.

Thảm kịch Giáng sinh tại Ecuador: 35 người chết vì tai nạn xe buýt

Một chiếc xe buýt đang đưa các hành khách trở về nhà mừng lễ Giáng sinh tại Ecuador đã biến thành thảm kịch khi xe lao xuống một hẻm núi, làm ít nhất 35 người thiệt mạng.

Bán đảo Triều Tiên lại “nóng”

CHDCND Triều Tiên đã phát đi một tuyên bố gọi các cuộc tập trận của Hàn Quốc là “khiêu khích” và “tấn công”. Tuy nhiên, tuyên bố trên không đe dọa trả đũa

Châu Âu khủng hoảng thanh khoản

Theo Financial Times, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) vừa ra lời cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều nước châu Âu đang lan rộng và có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng khả năng thanh toán.

Thượng viện Mỹ chuẩn bị phê chuẩn Hiệp ước START mới

Sau thời gian dài tranh cãi tại Thượng viện Mỹ, hôm 21/12, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới được Mỹ và Nga ký kết hồi đầu tháng 4 đã vượt qua rào cản thủ tục cuối cùng để có thể được thông qua vào ngày 22/12 (theo giờ địa phương

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục