Một số nhà phân tích về Trung Đông dự báo cuộc khủng hoảng Libya có thể kéo dài, Mỹ cảnh báo Libya đứng trước một cuộc nội chiến, trong khi lượng người chạy khỏi Libya lên mức báo động. Người Việt đã được Tổ chức Di dân Quốc tế hỗ trợ sơ tán.

 

 
Binh sĩ trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi ngồi trên xe tăng ở phía đông nam thủ đô Tripoli ngày 1/3.

Sẽ là cuộc nội chiến kéo dài?

Nói với các nhà lập pháp tại Washington hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng khủng hoảng ở Libya sẽ là một thử thách then chốt cho chính sách đối ngoại của Mỹ và cảnh báo rằng Libya có thể đứng trước một cuộc nội chiến kéo dài.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ lặp lại lời kêu gọi ông Gadhafi từ chức, nhấn mạnh một sự phối hợp thích đáng các nỗ lực ngoại giao, phát triển và quốc phòng của Mỹ sẽ là “điều thiết yếu”. Ngoại trưởng Mỹ cũng nói Washington sẽ tiếp tục xem xét “mọi phương án về Libya”.

Tuy nhiên, bà Clinton thừa nhận những phần tử chống lại chính phủ Libya phản đối sự can thiệp quân sự bên ngoài nhân danh họ.

Trong khi đó, áp lực quốc tế đang gia tăng đòi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi phải từ chức vào lúc các lực lượng chính phủ và phe đối lập tiếp tục giao tranh để giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở nước này, khiến các nhà phân tích khu vực cũng dự báo một cuộc giao tranh sẽ kéo dài mà không bên nào có phần chắc sẽ giành phần thắng trong thời gian trước mắt.

Theo tin tức của phương Tây, các lực lượng có liên hệ đến cuộc khủng hoảng ở Libya dường như ngày càng củng cố các vị trí của họ. Phe phản đối ông Moammar Gadhafi với sự hậu thuẫn của các đơn vị quân đội đào ngũ đã chiếm được miền đông của nước này, trong khi nhà lãnh đạo Libya, được sự ủng hộ của lực lượng an ninh và các chiến binh, vẫn giữ quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC của Mỹ ngày 28/2, ông Gadhafi nói rằng ông không hề dùng không quân để tấn công những người biểu tình chống chính phủ. Ông Gadhafi cũng chế nhạo những yêu cầu của Tây phương đòi ông từ chức. Ông nói rằng tất cả mọi người ở Libya đều yêu thương ông và sẽ chết để bảo vệ ông.

Giới phân tích Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng ở Libya có vẻ sẽ không thể được giải quyết một cách hòa bình như những cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập. Quân đội ở Libya đang bị chia rẽ giữa lúc một số sĩ quan ủng hộ người đối lập còn số khác lại theo lệnh của ông Gadhafi và họ đang sử dụng vũ lực chống lại phe đối lập. Tình hình đang bế tắc.

Các giới chức phương Tây đang thảo luận khả năng áp đặt lệnh cấm bay trên bầu trời Libya để ngăn chặn các vụ xung đột đẫm máu. Có tin máy bay của không lực Libya đã tấn công các kho vũ khí để ngăn không để những vũ khí này lọt vào tay phe nổi dậy.

Lượng người tị nạn đến mức báo động, IOM giúp người Việt Nam sơ tán

Liên hợp quốc đã ra lời kêu gọi cho một cuộc sơ tán nhân đạo khổng lồ những người tháo chạy khỏi Libya tới Tunisia và cho biết biên giới Libya - Tunisia đang trong tình trạng "khủng hoảng". Hiện có khoảng 40.000 người đang đợi để vượt biên. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng mạng sống của hàng ngàn người đang gặp nguy hiểm.
 
Liên hợp quốc cũng đã bỏ phiếu tạm loại Libya ra khỏi Cao ủy nhân quyền.
 
Trong khi đó, Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) đã lên tiếng báo động về tình hình ở biên giới Libya và Tunisia, vì số lượng người tị nạn ngày càng đông. Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) từ hôm qua đã bắt đầu giúp sơ tán hàng ngàn người, trong đó có 600 người Việt Nam, và mở thêm hai trại trung chuyển mới.
 
Theo UNHCR, lượng người từ Libya chạy sang Tunisia từ ngày 20/2 đến nay đã lên tới con số 75.000, và riêng trong ngày hôm qua đón tiếp thêm khoảng 10.000 đến 15.000 người tị nạn nữa. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
 
Còn IOM thì từ hôm 28/2 đã bắt đầu hoạt động sơ tán, với 5 chuyến bay đưa 900 người Ai Cập từ Tunisia về nước, và 900 người nữa vào hôm qua. IOM dự kiến sẽ dùng tàu biển đưa hàng ngàn người Ai Cập đang kẹt lại ở cảng Bengazhi, phía đông Libya đến cảng Alexandria của Ai Cập.

Tổ chức quốc tế này cũng đã hỗ trợ cho một nhóm 600 người Việt Nam không có giấy tờ được sơ tán nhanh chóng. Khoảng 800 người Nigeria cũng đã được đưa đến Algeria. IOM một lần nữa lại đưa ra lời kêu gọi một khoản hỗ trợ 11 triệu USD để giúp người tị nạn.

Theo ước lượng của UNHCR, cho đến nay đã có 110.000 người chạy khỏi Libya, và hàng giờ lại có thêm hàng ngàn người sơ tán. Còn theo IOM, tại Libya có khoảng 1,5 triệu người lao động, hoặc nhập cư trái phép, gốc châu Phi hay châu Á.

Trong số những khó khăn lớn của những người lao động Việt Nam đang kẹt lại Libya, có vấn đề thiếu thốn thực phẩm, và đặc biệt là thủ tục giấy tờ để có thể được ra khỏi nước này. Theo ước tính, hiện còn khoảng 2.000 người lao động Việt Nam đang còn kẹt lại ở Libya, tập trung tại Benghazi và một số thành phố phía đông Libya.

 

                                                                                 Theo  DanTri

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục