Khi mà cộng đồng quốc tế đang nín thở chờ đợi thời khắc phát nổ của “quả bom Syria” thì bất ngờ, ngày 9-9-2013, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã công bố đề xuất “cần đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế, và phải để chúng bị tiêu hủy”.

 

Sáng kiến này của phía Nga đang được hầu hết các quốc gia ủng hộ, đặc biệt đến ngay cả chính Tổng thống Obama – người sẽ quyết định “kích hoạt” quả bom Syria cũng phải cho rằng, đây có thể là phương án “có tính đột phá tiềm tàng” giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh được cho là sẽ biến Bắc Phi – Trung Đông thành một chảo lửa. Ngay trong bài phát biểu trên toàn quốc sáng nay, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố sẽ hoãn lại việc bỏ phiếu ở Quốc hội về kế hoạch tấn công quân sự Syria, để tham vấn với Nga và Trung Quốc, LHQ về kế hoạch Syria giao nộp kho vũ khí hóa học.

Thực ra, nếu phương án này được đưa ra và được chính phủ Bashar al-Assad chấp nhận ngay từ khi họ để Phái đoàn thanh sát Liên Hợp Quốc vào xác định tính xác thực của vụ việc xảy ra hôm 21-8 thì có lẽ câu chuyện đã không phát triển theo hướng kịch tính như hiện nay. Đương nhiên, giả định này thật khó chấp nhận đối với Tổng thống Assad, đơn giản bởi điều đó chẳng khác gì ông tự làm suy yếu chính mình. Chính vì thế, đề xuất từ phía Nga đã gây sự bất ngờ thực sự cho tất cả. Điều này thể hiện ở một số điểm sau:

Một là: tại hội nghị thượng đỉnh G20 St. Petersburg (từ ngày 5 đến 6-9), khi mà người ta đang nói rất nhiều đến mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama thì hai nhà lãnh đạo đã bí mật bàn thảo phương án này ngay bên lề hội nghị và giờ mới công khai.

Hai là: tuy chưa đưa ra điều kiện cụ thể nào, nhưng sau cuộc tọa đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov tại Moscow, ngày 10-9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem đã chính thức khẳng định là chính phủ của ông đồng ý với phương án của Nga với lý do là nhằm ngăn chặn một cuộc tiến công quân sự của Mỹ.

Đây có thể coi là bất ngờ lớn nhất, trước hết là đối với các nhà lãnh đạo Mỹ. Hơn thế, điều này còn khiến người ta tò mò là ngoài mối đe dọa tấn công của Mỹ thì chính phủ Assad còn đang phải chịu những áp lực nào nữa.

Ba là: việc Ngoại trưởng S. Lavrov đưa ra đề xuất này ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry tại buổi họp báo tại London hôm 9-9 tạo ra cảm giác về một sự “phối hợp”, điều thật khó tin có thể có trong quan hệ Nga – Mỹ trong thời điểm hiện tại.

Bốn là: giải pháp được đưa ra vào thời điểm không thể kịch tính hơn – cuộc tiến công quân sự của Mỹ đã cận kề. Tuyên bố: “Tôi sẽ đề nghị HĐBA chấm dứt sự tê liệt mất mặt về tình hình Syria bằng cách xem xét thực hiện đề xuất của Nga. Tôi đang cân nhắc việc thúc giục HĐBA yêu cầu chuyển vũ khí hóa học của Syria đến một số khu vực tập trung tại nước này để lưu trữ và và tiêu hủy an toàn" đã cho thấy sự phấn khích đến mức nào của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trước đề xuất của Nga.

Nhưng chính tính bất ngờ của đề xuất này lại cũng giúp chúng ta hé mở được đôi điều.

Trước hết, đó là cách người Nga tháo nút thắt Syria.

Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria và việc đe dọa tiến công quân sự nước này của Mỹ đã đẩy nước Nga vào tình trạng nan giải. Một mặt, nước Nga không thể không can thiệp bảo vệ Syria –đồng minh quan trọng nhất hiện còn tại Bắc Phi – Trung Đông. Đồng thời, Tổng thống Putin cũng buộc phải có thái độ cứng rắn trước những hành động của Mỹ, đơn giản bởi chúng đe dọa đến những lợi ích quốc gia. Mặt khác, vào thời điểm hiện tại, càng dính líu sâu vào vấn đề Syria càng khiến tình trạng nước Nga thêm muôn phần khó khăn.

Trong sáu tháng đầu năm 2013, tăng trưởng của Nga chỉ ở mức 1,4% tính theo tỷ lệ cả năm (1,2% trong quý hai) và chính phủ Nga vừa mới phải hạ mức dự báo xuống còn 1,8% trong năm nay và thừa nhận rằng nền kinh tế quốc gia đã đi vào giai đoạn đình trệ.

Đương nhiên, trước những khó khăn trong nước rõ ràng khiến Tổng thống Putin phải cân nhắc mức độ can dự. Quan hệ của Nga với Mỹ đã xấu đi rất nhiều từ sau khi đắc cử đến nay nhưng Tổng thống Putin cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng, điều này không đồng nghĩa với việc nước Nga sẽ không cần Mỹ cho quá trình phục hồi tăng trưởng. Đúng là nếu Mỹ tấn công Syria có thể khiến cho Bắc Phi – Trung Đông rơi vào tình trạng hỗn loạn và nước Nga có thể hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu sẽ leo thang, nhưng đó chỉ là những cái lợi trước mắt. Tình trạng sụt giảm tăng trưởng hiện nay của nước Nga một phần là do chính sự phát triển thiếu cân đối của nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu nguyên, nhiên liệu. Hơn nữa, kinh tế Nga cũng còn phụ thuộc không nhỏ vào các nguồn đầu tư nước ngoài, trong đó có cả một phần từ Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ.

Có lẽ cũng chính vì tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này mà Nga đã chọn lựa một giải pháp “lưỡng toàn” cho vấn đề Syria. Chính phủ Syria phải giao nộp vũ khí hóa học đồng nghĩa sẽ bị suy yếu một phần, nhưng đổi lại Nga sẽ không rơi vào tình trạng đối đầu quân sự đầy rủi ro với Mỹ (dù tàu chiến của Nga cũng đang túc trực tại Địa Trung Hải gần Syria). Định hướng này có lẽ đã bắt đầu từ hồi tháng 4-2013 trong thỏa thuận với Ngoại trưởng J. Kerry về hội nghị Geneve 2. Tất nhiên, đề xuất của Nga và nhất là việc sơ tán công dân Nga khỏi Syria trước đó có thể khiến cho chính phủ Assad không yên tâm. Nhưng rõ ràng, đề xuất này cũng phần nào giúp chính phủ Syria tránh được, hoặc chí ít là kéo dài thời gian, một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây.

Sự tiếp nhận tức thì giải pháp của Nga càng khẳng định rằng, chính quyền Obama cũng chưa chắc đã thực sự mặn mà với cuộc tiến công quân sự mà họ đang làm ra vẻ rất tích cực chuẩn bị. Bởi lẽ, trước khi có đề xuất của Nga thì cũng đã có quá nhiều lý do để lý giải điều này.

Thứ nhất, Tổng thống Obama luôn nhấn mạnh lý do can thiệp là vì vấn đề vũ khí hóa học và những lợi ích của Mỹ tại Syria. Tuy nhiên, thái độ chần chừ của Quốc hội cho thấy Tổng thống Obama đã không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục về vũ khí hóa học cũng như những lợi ích cụ thể tại Syria.

Thứ hai, trong tình cảnh kinh tế khó khăn hiện nay của nước Mỹ, một cuộc tiến công mà nước Mỹ phải chịu hoàn toàn chi phí cũng như tổn thất do phải tiến hành đơn lẻ rõ ràng khiến ông Obama, một con người thường đánh giá các vấn đề quốc tế, trước hết là, dưới lăng kính của một nhà kinh tế, sẽ rất thận trọng với quyết định cuối cùng. Điều này đã được minh chứng qua việc ông xin ý kiến quốc hội, điều mà thực tế không cần thiết theo Hiến pháp, ngay sau tuyên bố ngày 29-8 về khả năng tiến hành tiến công răn đe Syria.

Thứ ba, tình trạng phức tạp của Bắc Phi – Trung Đông sẽ được cộng hưởng lên nhiều lần sau cuộc tấn công vào Syria. Điều này rõ ràng chỉ đem đến cho nước Mỹ những thách thức hơn là cơ hội, trước hết người Mỹ có thể đánh mất khả năng kiểm soát tình hình khu vực.

Thứ tư, và có lẽ là quan trọng hơn cả là xác xuất đạt được những mục tiêu mà ông Obama đặt ra bằng “một cuộc tiến công hạn chế” hoàn toàn không cao. Thậm chí, nước Mỹ có thể lại tiếp tục sa lầy vào một bãi lầy mới sau Afghanistan và Iraq.

Nhưng có lẽ cũng giống như Nga, hơn nữa còn với tư cách của một siêu cường, chính quyền Obama buộc phải tỏ ra tích cực chuẩn bị cho một cuộc tiến công quân sự và không thể không vẽ ra “lằn ranh giới đỏ” với chính phủ Syria. Tuy chắc chắn sẽ bị đánh giá là hèn nhát và làm mất thể diện của nước Mỹ, nhưng rõ ràng với đề xuất của Nga ông Obama đã có cái cớ để thoát khỏi cảnh phải làm cảnh sát quốc tế bất đắc dĩ.

Hơn thế, bản thân giải pháp của Nga chỉ đề cập tới việc đánh đổi giữa kho vũ khí hóa học với một cuộc tiến công quân sự, và đây chính là kẽ hở mà Mỹ có thể lợi dụng để thực hiện mục tiêu đích thực cuối cùng là loại bỏ chính phủ của ông Assad. Bởi rõ ràng, cho dù chính phủ Syria có đưa ra những điều kiện gì đi nữa để đánh đổi thì phương án của người Nga cũng khiến cho sức mạnh của chính phủ Assad suy yếu mà ông Obama không mất xu nào. Đặc biệt, nếu sau khi phương án này được thực hiện, nếu lại xảy ra một vụ 21-8 thứ hai (trong bối cảnh nội chiến thì việc ngụy tạo sẽ không mấy khó khăn), chắc lúc đó chính quyền Obama sẽ hành động thoải mái hơn bây giờ rất nhiều. Nếu mọi thứ đúng như trên thì rõ ràng, những hành động của Mỹ trong thời gian qua là có sự tính toán kỹ lưỡng.

Như vậy, việc xuất hiện đề xuất của Nga dường như đang tạo ra một “trò chơi” hoàn toàn mới và kịch tính tại miền đất Bắc Phi – Trung Đông đầy bí ẩn.

 

                                                                       Theo Báo ND

 

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục