Thực hiện "Giáo dục vùng khó khăn”, phong trào "dạy tốt, học tốt” của trường TH&THCS Nam Sơn (Tân Lạc) được nâng cao về chất lượng.
Phú Cường là một trong những xã vùng thượng tiên phong triển khai và từ đây có được những chuyển biến bước đầu. Điển hình là trong năm 2016, cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn được đầu tư đáng kể với việc xây mới nhà lớp học từ nguồn vốn chương trình, dự án góp phần đảm bảo các điều kiện để trường THCS xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Bên cạnh đó, chất lượng dạy và học ở cả 3 cấp học được nâng cao. Xã có Trung tâm học tập cộng đồng trang bị đủ tài liệu, học liệu giúp duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với xã vùng cao Nam Sơn, bước chuyển giáo dục lại thể hiện rõ rệt ở chất lượng đội ngũ nhà giáo và việc học tập của con em. Đơn cử như trường TH & THCS hiện nay đã có 100% giáo viên đạt chuẩn, 47% vượt chuẩn, trình độ chuyên môn của cán bộ, giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao. Trước đây, thành tích học của con em các trường còn khiêm tốn nhưng đến năm học 2015 – 2016 và 2016 – 2017 đã có những em đạt giải cao trong các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh như em Bùi Thị Thùy Linh, lớp 5 đạt giải ba cuộc thi "nét chữ, nết người” cấp huyện; em Bùi Thị Nhàn, lớp 9 được công nhận học sinh giỏi môn địa lý cấp tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Bước vào năm đầu triển khai kế hoạch "Giáo dục vùng khó khăn”, huyện gặp phải không ít khó khăn, nhất là hệ thống giao thông đi lại, nhận thức về công tác giáo dục của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường còn thiếu, kể cả các phòng chức năng phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Trong các năm học 2015 – 2016, 2016 – 2017, phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nhiệm vụ công tác ở từng năm học, tham mưu cho UBND các xã thành lập BCĐ giáo dục vùng khó khăn. Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý các trường về công tác xây dựng kế hoạch, đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học phù hợp với từng cấp học. Mặt khác, để nâng cao chất lượng giáo dục, các trường đã đổi mới phương pháp dạy học, chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình. Một hoạt động khác được khích lệ, thúc đẩy là tăng cường công tác giao lưu kết nghĩa giữa các trường vùng thuận lợi với trường khó khăn nhằm giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Các trường cũng có các giải pháp cụ thể nâng dần tỷ lệ học sinh khá, giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém.
Trong các năm học gần đây, huyện đã tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các môn học, các buổi giao lưu như giao lưu học sinh năng khiếu, thi tiết kiệm năng lượng… với 100% trường vùng khó khăn tham gia và đạt kết quả tốt. Nhiều chương trình quan tâm, chăm lo cụ thể đối với giáo viên và con em vùng khó khăn được triển khai đầy đủ về mặt chế độ, chính sách, chọn hình thức biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên những nỗ lực vươn lên đạt thành tích trong giảng dạy và học tập…
Thống kê tại 13 xã thực hiện "Giáo dục vùng khó khăn” có 37 trường gồm 13 trường mầm non, 10 trường TH, 10 trường THCS, 4 trường TH & THCS, 13 trung tâm học tập cộng đồng với 333 lớp, xấp xỉ 7.700 học sinh. Trong đó, mầm non có 99 nhóm lớp với 2.752 trẻ, tiểu học có 167 lớp với 2.929 học sinh, THCS có 67 lớp với 2.018 học sinh. Cùng với sự chủ động, tích cực trong thực hiện, giáo dục vùng khó khăn đã và đang khởi sắc. Với tổng số 809 phòng học, tỷ lệ phòng kiên cố hiện chiếm 82,6%, bán kiên cố 16,3%, phòng học tạm chỉ còn 1,1%. Với nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi trên địa bàn huyện đang được rút ngắn. Trong tổng số 791 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, số giáo viên ở các cấp học có trình độ vượt chuẩn ở mầm non chiếm 44,2%, tiểu học chiếm 51,7%, THCS chiếm 40,6%. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì, 100% xã huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học, 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập THCS.
Bùi Minh