Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các cô giáo, thầy giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước nói chung và toàn thể cán bộ giảng viên, học viên của Học viện nói riêng lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng lưu ý Học viện một số vấn đề quan trọng:
Tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế của Học viện; khẳng định rõ vị thế là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị; đồng thời là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn khác.
Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trước hết, Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng: cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn. Xây dựng chương trình cao cấp lý luận chính trị chuẩn, bảo đảm cơ bản, hệ thống về lý luận, nhấn mạnh tổng kết thực tiễn mới. Tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp đào tạo, tăng cường khả năng tương tác giữa giảng viên và học viên; tăng cường sự sống động, hấp dẫn cho các bài giảng, nâng cao kỹ năng điều hành, lãnh đạo quản lý và bảo đảm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong đào tạo, phù hợp cho mọi đối tượng học viên. Đặc biệt chú trọng yêu cầu rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại Lễ khai giảng.
Chương trình giảng dạy phải gắn liền với yêu cầu nâng cao kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đưa các nội dung chống suy thoái, chuyển hóa; Chính phủ tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0)... vào chương trình đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để vừa phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; vừa góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược và chính sách, pháp luật.
Học viện cần nỗ lực để có các kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tốt hơn; có báo cáo kiến nghị chất lượng, đóng góp xứng đáng vào việc cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn cùng tồn tại, đan xen hiện nay. Thủ tướng đề nghị Học viện tập trung luận chứng khoa học và thuyết phục một số vấn đề cấp thiết. Đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên có tính đảng cao, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu lý luận, có tư duy và tầm nhìn chiến lược, có trình độ và phương pháp sư phạm, có kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo, quản lý… Tiếp tục đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và quản lý.
Đối với các học viên, Thủ tướng nêu rõ, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt một số yêu cầu: không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có phong cách, lối sống trung thực, khiêm tốt, giản dị. Thủ tướng chia sẻ: "Thời gian học tập, nghiên cứu lý luận này là cơ hội quý báu để các đồng chí tiếp tục rèn luyện phẩm chất cộng sản và tư cách người cán bộ cách mạng. Không ai có quyền vin vào những khó khăn, tiêu cực, những trở ngại, thách thức hiện nay để tự cho phép mình làm những điều sai trái với tư cách và danh dự người cán bộ. Trái lại, cuộc sống có nhiều thử thách thì chúng ta càng phải tu dưỡng đạo đức, lý tưởng và phẩm chất công bộc, đầy tớ của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn”. Tích cực học tập, nghiên cứu để hiểu sâu sắc lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nắm bắt kịp thời, đầy đủ những tri thức hiện đại cần thiết cho lĩnh vực công tác của mình. Cần đề cao năng lực tự nghiên cứu, tự đào tạo; học tập nghiêm túc, thực sự cầu thị và sáng tạo. Gắn lý luận với thực tiễn.
* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số định hướng lớn đối với Học viện thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra khu vực và thế giới với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa, CMCN4.0.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua đổi mới được động lực của từng giảng viên, từng đơn vị; mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng đối tác chiến lược với các trường tốt trên thế giới. Tiếp tục thu hút nhân tài, giao thêm quyền tự chủ và hiện đại hóa cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng tư tưởng của Việt Nam.
Tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thực hiện tinh giản cán bộ, thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương. Chủ động tăng cường cơ chế phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo sát thực tiễn, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống 72 trường chính trị.
"Tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế để đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách”, Thủ tướng cho biết và bày tỏ mong muốn Học viện chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước; đồng thời đặc biệt nhấn mạnh: nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt. Cá nhân Thủ tướng luôn lắng nghe, cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của Học viện. Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện cũng như các trường Đảng trong cả nước hoạt động hiệu quả hơn.
TheoNhanDan