Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc cho biết: Huyện có trên 85% dân số là đồng bào dân tộc, 16 xã lòng hồ, địa hình phức tạp, chia cắt, dân cư phân tán, giao thông không thuận lợi, ảnh hưởng rất lớn đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, cải tạo, mở rộng mặt bằng khuôn viên các trường học theo chuẩn quốc gia. Đời sống kinh tế của đa số nhân dân còn ở mức thấp, trình độ dân trí chưa cao, việc quan tâm đến học tập của con em chưa thật sự sát sao, phần lớn còn trông chờ các thầy, cô giáo và nhà trường. Cơ sở vật chất và trang thiết bị cho giáo dục tuy đã được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án, song nhìn chung đều ở quy mô nhỏ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thiết yếu trong các nhà trường, đặc biệt là công tác đổi mới giáo dục. Hầu hết các trường vẫn còn thiếu phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, thiếu nước sinh hoạt, bếp ăn và hạng mục phụ trợ khác. Huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa giáo dục nhìn chung gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế. Vì vậy việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng còn nhiều khó khăn.
Trường mầm non Hoa Mai, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia.
Tính đến tháng 8/2017, về xây dựng NTM, riêng tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất trường học mới có 4/19 xã đạt chuẩn (Hào Lý, Tu Lý, Toàn Sơn, Hiền Lương).
Trước thực tế đó, để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phòng GD&ĐT đã tích cực, chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, ngành liên quan và chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện trong việc thống nhất phương án quy hoạch mạng lưới trường, lớp các cấp học. Lồng ghép các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục phù hợp với thực tế quy mô trường, lớp, học sinh ở từng chi trường, đơn vị trường học ở các xã, thị trấn cho phù hợp. Đồng thời, tích cực tham mưu UBND huyện, phòng tài chính - kế hoạch trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các trường học nằm trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, các xã chỉ đạo điểm của tỉnh, của huyện về xây dựng NTM, các trường vùng khó khăn cơ sở vật chất thiếu và xuống cấp. Ngoài ra, tranh thủ các nguồn vồn của T.ư, của tỉnh, huyện, các tổ chức phi Chính phủ, huy động kinh phí từ nhân dân, tổ chức KT-XH tăng nguồn lực xây dựng trường chuẩn.
Kết quả đến hết năm học 2016 - 2017, toàn huyện Đà Bắc có 15/53 trường học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 28,3%). Tỷ lệ cụ thể ở từng cấp: mầm non 25%, tiểu học 42%, THCS 20%, TH&THCS 27% .
Song song với việc phấn đấu công nhận mới các trường đạt chuẩn quốc gia, phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư củng cố cơ sở vật chất thẩm định, công nhận lại các trường đã đạt chuẩn sau 5 năm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, thẩm định xong trường tiểu học Triệu Phúc Lịch (xã Toàn Sơn) và TH&THCS Hào Lý (xã Hào Lý). Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ dồn sức xây dựng trường mầm non Yên Hòa và trường THCS Hiền Lương đạt chuẩn quốc gia.
Dương Liễu