(HBĐT) - Năm học mới bắt đầu. Hàng ngàn tân sinh viên chộn rộn ngày nhập học. Giảng đường đại học luôn là giấc mơ của các bạn trẻ nhưng đường đến giảng đường còn nhiều trở ngại với con nhà nghèo. Cầm tờ giấy báo trên tay, những giọt nước mắt đã rơi: Tiền đâu nhập học?


Nỗi lo ngày nhập học

Đến xóm Đồng Mai, xã Yên Trị (Yên Thủy) chẳng ai không biết cô học trò nghèo Nguyễn Thị Hồng Ngân. Thấy chúng tôi hỏi thăm, người hàng xóm kể về hoàn cảnh của em bằng giọng đầy cảm thông: Gia đình Ngân thuộc diện hộ nghèo. Năm 2013, mẹ bỏ đi, bố nuôi em ăn học. Hai bố con dựa vào hàng điểm tâm sáng để sống. Thương bố vất vả, con bé thi vào trường PTDTNT THPT tỉnh để đỡ đần bố gánh nặng nuôi em học hành. Nhưng số phận thật trớ trêu! Năm 2014, bố Ngân mất trong một tai nạn giao thông. 

Chúng tôi đến nhà Ngân khi ông bà nội em đang ở đó. Căn nhà cấp 4 rộng 30 m2 chẳng có lấy một vật dụng giá trị. Bốn bức tường mới chỉ trát xi măng, một vài chỗ bị vỡ thành hố sâu như cái tô lớn chưa kịp vá lại. Bữa tối đến, mâm cơm dọn lên đạm bạc. Ngân tâm sự: "Từ ngày bố mất, mẹ bỏ đi, ông bà nội là người nuôi nấng em. ông em là thương binh, đau ốm liên miên, bà đã già cũng chẳng còn sức lao động. Cả nhà trông vào khoản tiền trợ cấp hàng tháng của ông, tằn tiện sống qua ngày.” Cuộc sống khó khăn, đã có lúc Ngân nghĩ đến chuyện bỏ học. Được ông bà, họ hàng, thầy, cô động viên, em đã hoàn thành chương trình THPT với 12 năm luôn là học sinh khá, giỏi. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Ngân đã đỗ vào khoa tiếng Anh, trường Đại học thương mại với số điểm 25,5. 

22 giờ. ánh đèn duy nhất trong nhà phủ ánh sáng yếu ớt lên đôi vai cô học trò nhỏ. Ngân vẫn thức, trên tay là tờ giấy báo trúng tuyển đại học.



Câu chuyện về quá trình vượt khó của mình được Nguyễn Thị Hồng Ngân chia sẻ tại lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường” gây xúc động đặc biệt cho người nghe. Ngay tại chương trình, đại diện lãnh đạo Công ty Vinacam- nhà tài trợ của 122 suất học bổng "Tiếp sức đến trường” khu vực 6 tỉnh Tây Bắc đã quyết định tài trợ cho em mỗi năm 10 triệu đồng trong suốt thời gian học đại học. 

Mấy ngày nay, câu chuyện về cô học trò nhỏ Bùi Thị Cúc trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội, trường Đại học KHXH&NV với số điểm 26,75 vẫn xôn xao ở xóm Nàng, xã Chí Thiện (Lạc Sơn). Gia đình thuộc hộ cận nghèo, không có ruộng đất canh tác. Mẹ quanh năm đau ốm không có khả năng lao động. Cả gia đình Cúc sống nhờ vào đồng lương sửa xe máy thuê của bố để sinh sống và thuốc thang cho mẹ. Học hết lớp 9, do bệnh mẹ quá nặng, gia đình quá khó khăn, em nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố và dành tiền nuôi dưỡng ước mơ tiếp tục đi học. Em vào lớp 10 muộn 1 năm. Bằng ý chí và nghị lực vượt khó, 3 năm THPT, Cúc đều đạt học sinh khá, giỏi. Lớp 11, em đạt giải nhì môn văn kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, lớp 12 đạt giải nhất môn văn kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi toán trên máy tính cầm tay casio cấp khu vực. 

Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, Cúc rưng rưng: "Từ nhà em đến trường Đại học KHXH&NV chắc cũng chỉ trăm cây số. Gần đấy mà cũng thật là xa…”

Không để nghèo khó chặn đứng những ước mơ!

Điền vào mẫu đơn xin cấp học bổng của Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh sau khi nhận được gợi ý của các bác trong Đảng ủy, chính quyền xã và tổ chức Đoàn, Ngân, Cúc ngày đêm mong chờ phép màu sẽ xuất hiện. Không phụ lòng mong mỏi, đơn của các em đã được thẩm định, đồng ý xét duyệt. 30 suất học bổng trị giá mỗi suất 7 triệu đồứng và 10 triệu đồng từ quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường” đã được trao cho Ngân, Cúc và 28 sinh viên nghèo vượt khó khác trên địa bàn tỉnh.

"Tiếp sức đến trường” là học bổng nằm trong chương trình "Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi trẻ ra đời vào năm 2003 với 27 suất học bổng đầu tiên được trao cho tân sinh viên tỉnh Quảng Trị. Cùng với sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc Báo Tuổi trẻ, mỗi năm, số lượng học bổng "Tiếp sức đến trường” tăng dần, phạm vi vùng, miền cũng mở rộng. Đến nay, học bổng đã hỗ trợ khoảng 15.000 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng. Từ học bổng này, nhiều tân sinh viên đã ra trường, có nhiều đóng góp cho xã hội. 

Năm 2017, Báo Tuổi trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành Đoàn tổ chức xét, trao học bổng cho hơn 1.700 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Mỗi suất học bổng trị giá 7 triệu đồng, trường hợp đặc biệt là 10 triệu đồng, được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, 19 tỉnh, thành phía Bắc và 6 tỉnh Tây Bắc.

Đồng chí Đặng Dũng, Phó TBT Báo Tuổi trẻ cho biết: Không để nghèo khó chặn đứng những ước mơ - đó chính là giá trị nhân văn của học bổng "Tiếp sức đến trường” đã truyền đi trong suốt hơn 10 năm qua. Mỗi suất học bổng đã mở ra một cánh cửa cuộc đời. Mong rằng các em được nhận học bổng hãy học thật giỏi, ra trường có được công việc ổn định để sau này trả lại ân tình cho mai sau.
Tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm sinh viên nghèo được trao học bổng "Tiếp sức đến trường”. Hàng trăm hoài bão đẹp đã được tiếp sức để hiện thực hóa ước mơ. Điều đáng mừng là những sinh viên được trao học bổng đến nay đều đang hoàn thành tốt việc học tập tại giảng đường đại học. Không ngừng nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt, có không ít em đã được tham gia vào các lớp cảm tình Đảng, là tấm gương sáng trong phong trào thi đua "sinh viên 5 tốt” tại các trường đại học.

Anh Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Sẽ là không quá lời nếu ví học bổng "Tiếp sức đến trường” như bếp than hồng giữa căn chòi lạnh lẽo. Từ học bổng này đã góp phần ươm mầm tài năng, thể hiện niềm tin của cộng đồng gửi vào lớp trẻ giỏi giang, có nhân cách, có khát khao vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng các bạn sinh viên nhận học bổng hãy nắm lấy cơ hội để thực hiện mơ ước, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình, thầy, cô, bạn bè và cộng đồng xã hội.


                                                                                               H.Y

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục