Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người thầy luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước. Thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), trước mắt là chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, với các thầy giáo, cô giáo hiện nay, không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, gắn bó với nghề mà cần thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục.


Cô và trò Trường trung học cơ sở Trưng Vương (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học

Với sự nghiệp "trồng người”, người thầy thường được ví bằng nhiều hình ảnh đẹp, như: người đưa đò, người gieo chữ, người nuôi dưỡng tâm hồn… Nhìn vào nền giáo dục, trước hết phải nhìn vào người thầy. Điều đáng mừng, nhiều năm qua, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, tự đổi mới mình để bắt kịp sự đổi mới của ngành và xã hội.

Trường THPT Thái Phiên (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) là một điểm sáng trong phong trào thi đua "hai tốt” của ngành GD và ĐT thành phố Cảng. Trong 5 năm liên tục, trường là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành GD và ĐT Hải Phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc. Trường luôn đi đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thường xuyên đổi mới cách dạy, cách học theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Cô giáo Phạm Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường được ghi nhận là cán bộ quản lý tiêu biểu của thành phố trong thực hiện đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo cô giáo Phạm Thị Thu Hà, có được thành tích đáng tự hào này phải nói đến đội ngũ giáo viên tâm huyết, yêu nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Ban giám hiệu luôn coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hiện nay, tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ. Trong năm học vừa qua, 33 giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, trong đó 16 sáng kiến được Sở GD và ĐT Hải Phòng xếp loại A, sáu sáng kiến xếp loại B…

Nhiều thầy giáo, cô giáo các cấp học ở Nghệ An đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Giang Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Thời gian qua, trường triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên; tích cực đổi mới công tác quản lý và phương pháp dạy học, nâng chất lượng, hiệu quả giờ lên lớp; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh;… Để có thành tích nêu trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp tích cực của thầy giáo Trần Văn Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Thầy giáo Trần Văn Nga có nhiều năm dìu dắt đội tuyển Vật lý quốc gia tham dự các kỳ Ô-lim-pích quốc tế, châu Á đạt thành tích cao. Trong số 16 lượt học sinh được thầy dìu dắt, các học sinh đã đoạt bảy Huy chương vàng, bốn Huy chương bạc, hai Huy chương đồng cùng nhiều Bằng khen tại các kỳ Ô-lim-pích quốc tế và châu Á. Năm học 2016-2017 cũng là năm thành công đối với các nhà giáo trẻ Hồ Sỹ Hùng, Nguyễn Tường Lân, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Mặc dù là năm đầu các thầy dìu dắt, đưa học sinh dự thi Ô-lim-pích quốc tế nhưng với sự tận tụy và hết lòng vì học sinh, các em đã gặt hái được Huy chương vàng môn Toán học, Huy chương bạc môn Hóa học.

 

Giờ học thực hành của sinh viên Trường cao đẳng nghề Việt - Đức (Hà Tĩnh). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Theo Bộ GD và ĐT, năm học vừa qua, ngành GD và ĐT triển khai nhiều nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng các hoạt động ngày càng được nâng cao. Việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học; phương thức kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi cử đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, được xã hội đồng tình, đánh giá cao. Tại kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế, các đoàn học sinh Việt Nam đã đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay. Đóng góp vào thành tích chung của ngành GD và ĐT là sự nỗ lực, cống hiến âm thầm của các thầy giáo, cô giáo ở mọi miền Tổ quốc.

Nâng cao vị thế của người thầy

Bên cạnh các tấm gương về lòng yêu nghề, sáng tạo trong dạy học, tại nhiều địa phương, giáo viên còn gặp những áp lực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi phương pháp giảng dạy để thích ứng với lộ trình đổi mới.

Cô giáo Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4 (Thanh Hóa) chia sẻ: Theo thời gian, vai trò của người thầy đã có sự thay đổi đáng kể do phương pháp giáo dục thay đổi. Người thầy không chỉ truyền thụ tri thức, học sinh không chỉ đơn giản là người nhận tri thức từ người thầy. Hiện nay, giáo viên phải hoàn thiện rất nhiều về kiến thức, kỹ năng để thích ứng với sự đổi mới giáo dục. Có nhiều đổi mới về dạy học, thi cử mà giáo viên phải luôn nỗ lực để đáp ứng.

Cô giáo Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Giao Thủy (Nam Định) chia sẻ: Xu thế vạn vật kết nối in-tơ-nét như hiện nay không chỉ lan tỏa đến mọi ngành nghề, lĩnh vực mà còn ảnh hưởng đến mọi góc cạnh của cuộc sống, trong đó có giáo dục. Áp lực với các thầy giáo, cô giáo xuất phát từ hai góc độ. Thứ nhất, với nguồn thông tin đa chiều như hiện nay, hoàn toàn khác với thời điểm cách đây 10 năm, 20 năm. Nếu như trước đây, học sinh chỉ tìm được tri thức từ sách vở, giáo viên dạy gì, học sinh tiếp thu đó, bây giờ học sinh có thể đọc trên mạng không thiếu những bài giảng hay của các chuyên gia, những người thầy giỏi; có những kiến thức được mô tả cụ thể và dễ hiểu, đầy đủ, đa chiều hơn so với bài giảng của thầy giáo, cô giáo dạy mình. Từ đó, nếu người thầy không nhận thức được những thay đổi, dạy theo lối cũ sẽ gây nhàm chán. Học sinh sẽ tiếp cận phương pháp học mới từ xa trên mạng. Thứ hai, với xu hướng cách mạng 4.0, ranh giới giữa cái thực và cái ảo rất mập mờ. Nó sẽ là "con dao hai lưỡi” nếu người thầy không định hướng, giúp học sinh có sự sàng lọc khi tiếp nhận kiến thức quan trọng, học sinh sẽ đứng giữa ngã ba đường. Do đó, có hai nhiệm vụ mà người giáo viên phải nhìn nhận được, đó là: kích thích tinh thần tự học của học sinh; giáo viên tự đổi mới mình, tiên lượng được các tình huống có thể xảy ra…

Từng có nhiều năm dạy học, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận: Nhà giáo bây giờ phải chịu nhiều áp lực, trước hết từ chính đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục. Người thầy có yên tâm với kiến thức và phương pháp mình đang có? Phải tự bồi dưỡng, tự đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu của chương trình đổi mới sắp tới? Thực tế cho thấy, phụ huynh đưa con đến trường đều "trăm sự nhờ thầy” nhưng "trăm sự nhờ thầy” của ngày hôm nay và câu nói "không thầy đố mày làm nên” thuở trước khác nhau rất xa. Bây giờ, sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh đối với nhà trường rất tích cực, nhưng cũng chính sự giám sát của phụ huynh đối với người thầy tạo ra áp lực không nhỏ.

Theo TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD và ĐT), trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, người thầy tham gia trực tiếp trong quá trình thiết kế hệ thống chính sách, những quyết sách, tham gia ý kiến vào vấn đề cụ thể như chương trình phổ thông mới, tham gia thẩm định chương trình chi tiết, quá trình viết sách giáo khoa… Đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ, bởi trước đây gần như giáo viên không có cơ hội như thế. Bên cạnh những thuận lợi thì thách thức đối với đội ngũ giáo viên cũng rất lớn vì sự kỳ vọng của xã hội đặt lên vai thầy giáo, cô giáo. Điều này đòi hỏi không chỉ sự tâm huyết, nỗ lực hơn nữa của mỗi thầy giáo, cô giáo, mà phải có sự chia sẻ, giúp đỡ từ cả xã hội. Có như vậy, các thầy giáo, cô giáo mới ổn định cuộc sống, yên tâm công tác và phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

 

                                     TheoNhandan

Các tin khác


Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Hòa Bình khai giảng năm học 2017 - 2018

(HBĐT) - Ngày 17/11, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Hòa Bình tổ chức lễ khai giảng năm học 2017 - 2018 và chào mừng ngày nhà giáo Việt Năm 20/11. Dự và chúc mừng nhà trường có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ - TB&XH); lãnh đạo một số Sở, ngành của địa phương; Phòng LĐ - TB&XH các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên trong nhà trường.

kỷ niệm 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 16/11, huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo và 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Lời cảm ơn của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

(HBĐT) - Ngày 11-12/11/ 2017 trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường (1947 - 2017). Nhà trường rất vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các trường Đại học, THPT, THPT chuyên các tỉnh bạn, phóng viên báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hoà Bình, Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng đông đảo các thế hệ thầy giáo, cô giáo, công nhân viên và học sinh nhà trường trên khắp mọi miền tổ quốc về dự.

Ngành GD và ĐT Lương Sơn: Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và 60 năm ngày thành lập phòng GĐ và ĐT huyện

(HBĐT) - Ngày 16/11/2017, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn đã tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017); 60 năm ngày thành lập phòng GĐ và ĐT huyện (15/10/1957 – 15/10/2017) và phát hành cuốn Lịch sử truyền thống ngành GĐ và ĐT huyện Lương Sơn giai đoạn (1945 – 2010).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang thăm và làm việc tại xã Bắc Sơn về công tác giáo dục

(HBĐT) - Ngày 16/11, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại xã Bắc Sơn (huyện Tân Lạc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục