Sáng nay ngày 25/6, gần 900 nghìn thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 bắt đầu "vượt vũ môn" với bài thi môn Ngữ Văn. Đây là kỳ thi quan trọng đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của mỗi thí sinh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đã đến làm thủ tục dự thi trên toàn quốc chiều ngày 24/6 là 879.742, đạt tỷ lệ 99,17%. Trong số thí sinh dự thi này, có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển đại học và 279.001 dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm 27,8%).
Kỳ thi diễn ra với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ, TC.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng và đảm bảo an toàn tuyệt đối kỳ thi THPT quốc gia 2019. 63 tỉnh/thành phố đã lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do Phó chủ tịch làm trưởng ban, một số nơi, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban.
Rút kinh nghiệm từ gian lận điểm thi gây chấn động xã hội năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, toàn ngành phải tập trung cao độ, với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Bộ trưởng Nhạ đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan rà soát kỹ lưỡng cán bộ tham gia tổ chức thi bảo đảm số lượng và yêu cầu chất lượng.
Phải quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; phân công rõ nhiệm vụ và quyền hạn của từng cán bộ trong từng khâu tổ chức thi; tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ được phân công công tác coi thi, thanh tra thi,.
Đảm bảo tất cả các cán bộ được phân công trong từng quy trình tổ chức thi phải nắm vững và thực hiện nhiệm vụ theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia.
"Sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc cán bộ coi thi, thanh tra thi có hành vi vi phạm Quy chế thi cũng như quy trình tổ chức Kỳ thi" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết: "Công tác lựa chọn và bố trí nhân sự tham gia làm thi THPT quốc gia năm 2019 của Hà Giang được thực hiện rất thận trọng. Quá trình này có sự phối hợp liên ngành, thẩm tra của Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Qua nhiều vòng lựa chọn từ cấp trường đến cấp Sở, Viện kiểm sát, Công an, Chủ tịch UBND tỉnh sau đó lại mời đại diện các ngành chức năng liên quan lên thẩm tra lần cuối mới quyết định lựa chọn, bố trí nhân sự vào các vị trí".
Được biết, để đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, năm nay Công an tỉnh Hà Giang huy động khoảng 200 cán bộ tham gia các ban của hội đồng thi, tăng hơn năm 2018. Trong số cán bộ công an này có cả lực lượng kỹ thuật, an ninh điều tra, để đảm bảo nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiếp nhận và giải quyết ngay theo đúng quy trình công tác điều tra.
Sau khi để xảy ra gian lận điểm thi gây chấn động cả nước, lãnh đạo 3 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình hứa thực hiện nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Tăng cường biện pháp chống gian lận
Để kỳ thi THPT quốc gia 2019 nghiêm túc, công bằng, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh 9 vấn đề về tổ chức và kỹ thuật trong tất cả các khâu tổ chức thi.
Trong đó, Bộ điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ được tăng cường và quy định cụ thể hơn.
Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi, khu vực chấm thi phải có camera an ninh giám sát 24/24 giờ, có lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ; quy định cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi; trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do Phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện.
Đặc biệt, các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan.
Tiến hành "đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng.
Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi…
Với các "điểm nóng” gian lận thi năm trước như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Bộ GD-ĐT đã bố trí thanh tra cắm chốt để hỗ trợ làm tốt kỳ thi.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, bộ đưa ra các biện pháp chống gian lận thi như năm 2019, là những giải pháp tốt. Tuy nhiên, nếu những người thực hiện thiếu tinh thần trách nhiệm cao thì vẫn sẽ có thể xảy ra gian lận như kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để giải quyết được triệt để gian lận trong các kỳ thi, thì vấn đề cuối cùng vẫn nằm ở yếu tố con người.