Học sinh lớp 1 trường TH&THCS Tân Vinh (Lương Sơn) học thử nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 1.
Thông qua những bức tranh sinh động, các nghề truyền thống nổi bật của tỉnh ta như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm giấy dó… đã được giới thiệu đến các em học sinh một cách sinh động, dễ hiểu. Học sinh hứng khởi, vui vẻ đón nhận và chủ động tham gia các hoạt động do giáo viên hướng dẫn.
Đây là một trong những điểm đổi mới, khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng trên khắp cả nước, trong đó có tỉnh ta bắt đầu từ lớp 1 năm học 2019 - 2020.
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 1. Vừa qua, vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên ngành GD&ĐT đã phải nghỉ chống dịch trong hơn 3 tháng. Thời gian còn lại là rất ngắn mà nhiệm vụ đặt ra là vừa phải hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu năm học 2019 -2020, vừa phải chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, ngành đã khẩn trương, đồng bộ triển khai nhiều nội dung trong công tác chuẩn bị.
Trước tiên là lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho học sinh lớp 1. Khác với trước đây chỉ có một bộ SGK lớp 1 duy nhất cho các nhà trường thì năm học 2020 – 2021, cả nước sẽ có 5 bộ SGK để các trường chủ động chọn lựa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) cho biết: Trước khi quyết định chọn 1 trong 5 bộ SGK, hội đồng chuyên môn của trường đã nghiên cứu tất cả các bộ sách. Không phải chỉ các thành viên trong hội đồng chọn mà tất cả giáo viên giáo viên dạy lớp 1 trong năm học tới đều có trách nhiệm tham gia nghiên cứu và thảo luận. Việc chọn SGK được thực hiện theo đúng hướng dẫn về chuyên môn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và nhất là bám sát với bộ tiêu chí do UBND tỉnh ban hành. Nhà trường đã chọn SGK các bộ môn rải rác ở 4 bộ sách, chỉ có duy nhất bộ sách "Chân trời sáng tạo” là không chọn quyển nào vì ngữ liệu của bộ sách này mang đậm tính chất Nam Bộ, không phù hợp với học sinh tỉnh ta.
Kết quả việc chọn SGK của trường Tiểu học Lý Tự Trọng cũng khá tương đồng với các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, có 2 bộ sách là "Cùng học để phát triển năng lực” và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” được chọn lựa nhiều hơn cả; hai bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống” và "Cánh diều” được lựa chọn ít hơn. Riêng bộ sách "Chân trời sáng tạo” không có trường nào lựa chọn.
Liên quan đến vấn đề chuẩn bị tài liệu, giáo trình cho năm học mới, trong tháng 5 vừa qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học tỉnh Hòa Bình tổ chức dạy thử nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 nội dung "Văn hóa, lịch sử, truyền thống", "Chính trị - xã hội và môi trường", "Địa lý, kinh tế, hướng nghiệp". Sau khi dạy thử nghiệm sẽ họp bàn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để chính thức triển khai.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: Sở cũng đã tăng cường việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ để đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nội dung tập huấn sẽ tập trung vào việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nghiên cứu bài học, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới, sử dụng thiết bị dạy học, sách giáo khoa lớp 1. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Và các kỹ năng cơ bản về sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học, thiết kế bài dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Kỹ năng quản lý việc thực hiện chương trình, quản lý chuyên môn, quản lý hoạt động dạy học trong trường tiểu học. Nội dung bồi dưỡng đảm bảo thiết thực, cập nhật được các thông tin, kiến thức phù hợp với các đối tượng phục vụ cho hoạt động quản lý, hoạt động dạy học trong các cơ sở giáo dục của tỉnh.
Dương Liễu