Dự kiến bỏ quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhận được nhiều ý kiến đồng tình vì cho rằng việc của thí sinh khi đi thi là làm bài thật tốt chứ không phải để thu thập bằng chứng tố cáo tiêu cực.

Quy định tồn tại 10 năm chưa rõ tác động

Quy định cho thí sinh (TS) mang thiết bị ghi âm, ghi hình đến năm nay là tròn 10 năm. Xuất phát từ vụ việc "bát nháo” ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012, năm 2013 Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định bỏ lệnh cấm TS mang các vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử. Thay vào đó, trong quy định về các vật dụng được mang vào phòng thi, có bổ sung: "Các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Thừa Thiên-Huế

Khi đó, Bộ GD-ĐT lý giải việc cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhằm phát hiện những hành vi gian lận, sai trái trong thi cử để gửi cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, nhiều ý kiến đã hoài nghi về tính khả thi của quy định này. Một số chuyên gia cho rằng có thể đây là biện pháp đánh vào tâm lý của TS và cán bộ coi thi. Bởi khi TS và giám thị có ý định gian lận, vi phạm quy chế thì phải biết rằng xung quanh khu vực thi luôn có những thiết bị nào đó ghi lại hành vi sai trái. Họ sẽ phải cân nhắc kỹ cho mỗi việc làm, hành động, lời nói của mình.

Tuy nhiên, sau 10 năm và sau mỗi kỳ thi, ghi nhận cho thấy Bộ GD-ĐT chưa hề đánh giá tác động của quy định nói trên trong việc phòng ngừa gian lận trong thi cử.

Có một thực tế là năm nào trước kỳ thi, các ý kiến từ cơ sở làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi cũng tỏ ra băn khoăn với quy định cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Điều cơ sở quan tâm nhất là cán bộ và giám thị khó có thể kiểm tra được hết những thiết bị TS được mang vào có đảm bảo không phát tín hiệu âm thanh, hình ảnh ra bên ngoài khi TS đang làm bài thi hay không. Nếu hội đồng thi không xác định rõ nguồn gốc, các chức năng của thiết bị ghi âm, ghi hình mà TS được mang vào phòng thi, có thể sẽ làm gia tăng gian lận như truyền tải đề thi ra bên ngoài. Do vậy, rất nhiều hội đồng thi thống nhất chặn mọi thiết bị mà họ không thể kiểm soát được tính năng.

Nhiều kiến nghị bỏ quy định cho TS mang thiết bị vào phòng thi

Mới đây nhất, tại hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất bỏ quy định cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi để hạn chế vi phạm.

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho rằng thực tế các năm vừa qua, TS lợi dụng quy định này của Bộ GD-ĐT để mang các thiết bị tinh vi vào phòng thi rất nhiều, vượt qua cả sự kiểm soát của cán bộ coi thi. Do đó, ông đề xuất Bộ GD-ĐT bỏ quy định này để hạn chế gian lận.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, cũng cho hay nếu TS vào phòng thi chỉ tập trung vào làm bài, việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào là không cần thiết. Theo ông Tuấn: "Nếu TS không có nhu cầu, không nhất thiết mang các vật dụng này vào phòng thi. Đặc biệt vài năm nay, tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, do đó Bộ GD-ĐT có thể điều chỉnh quy chế, xem xét xem TS có cần thiết mang các thiết bị ấy vào phòng thi hay không”.

Cũng tại hội nghị trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng quy định cho phép TS mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp gây khó khăn cho công tác an toàn của kỳ thi. "Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định này vì nó không phục vụ cho việc làm bài thi và cán bộ làm công tác thi rất khó kiểm soát các thiết bị TS mang vào, trong đó tiềm ẩn những thiết bị có thể gian lận thi cử”, ông Hiếu kiến nghị.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, cũng đề nghị tất cả các thiết bị ghi âm, ghi hình đều không được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT. "Ngay cả lực lượng công an cũng có thể phải triển khai thiết bị chuyên dụng mới đánh giá được một thiết bị có chức năng phát sóng hay không. Chưa kể một số thiết bị ban đầu không có chức năng phát sóng, nhưng tội phạm lại dễ dàng tích hợp các phần mềm phát sóng, như vậy không thể kiểm soát được”, vị này nói.


Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT mới công bố, năm nay thí sinh không được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. ĐỘC LẬP

TS đi thi phải tận dụng từng giây để làm bài

Là TS từng dự thi năm 2021, N.T.L.T, cựu học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nhận xét: "Việc được mang vật dụng gì vào phòng thi, vật dụng nào là trái quy định là điều TS đặc biệt quan tâm và luôn được thầy cô nhắc nhở. Tuy nhiên, với thiết bị ghi âm, ghi hình mà Bộ GD-ĐT cho phép, thời điểm em dự thi thì cá nhân em cũng như các bạn đều không có ý định mang vào, đơn giản là vì TS đi thi chỉ lo làm cho tốt bài thi của mình, không phạm quy. Cô giáo chủ nhiệm của em cũng luôn nhắc nhở cả lớp không mang thiết bị gì vào phòng thi”.

V.A, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), sẽ dự thi năm nay, cho biết: "Em đi thi chỉ tâm niệm phải tận dụng từng giây để làm bài, không có thời gian, tâm trí đâu để đi ghi âm, ghi hình người khác”.

Bà Nghiêm Thị Huệ, phụ huynh có con sẽ dự thi năm nay tại Hà Nội, cũng chia sẻ: "Tôi chỉ luôn dặn con vào phòng thi tập trung thật tốt để làm bài, không làm bất cứ điều gì dù vô tình hay cố ý mà để xảy ra vi phạm trong phòng thi. Khuyến khích cháu mang thiết bị chống gian lận vào phòng thi có thể là "con dao 2 lưỡi”, chống tiêu cực đâu không thấy nhưng mình lại là người bị xử lý vì mang thiết bị không được phép vào phòng thi dù chưa sử dụng”.

Nhiều ý kiến của các hiệu trưởng trường THPT cũng bày tỏ đồng tình với quy định trong dự thảo của Bộ GD-ĐT. Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội), cho rằng bãi bỏ quy định này là phù hợp.

Theo Báo Thanh niên

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục