(HBĐT) - Khi tôi còn ngủ, vẫn có người thầy đang thức với những cơn gió ngoài sông, để sớm mai, trong bát cơm của đám học trò nghèo có thêm con tôm, con cá... Khi tôi còn ngủ, vẫn có một dáng gầy trong tấm áo phong sương lặng thầm những chuyến đò "đưa khách” là những cô, cậu học trò sang sông gánh gồng ước mơ con chữ. Khi tôi còn ngủ, có những thầy, cô giáo không còn trẻ vẫn ngược dốc đi vào màn sương để kịp giờ lên lớp vào sáng mai ở ngôi trường bên kia núi...
Lặng thầm những người đưa chữ sang sông
Tôi xúc động khi nghe sẻ chia về những gian khó của ngành Giáo dục tỉnh nhà từ đồng chí Nguyễn Thị Lợi, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT về cái thời mỗi khi chuẩn bị đến ngày khai giảng, cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên miệt mài, ra sức đi tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đến trường, đến lớp. Cả khi, gần đến ngày khai giảng năm học, thầy, cô giáo cùng với phụ huynh học sinh lại băng rừng, lội suối chặt tre, nứa dựng trường, lợp lớp... Tưởng chừng những gian khó ấy chỉ còn lại trong ký ức. Nhưng không, với điều kiện một tỉnh còn nghèo, dù lĩnh vực GD&ĐT thường xuyên được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, song vẫn còn đó những hành trình đến trường đầy gian nan và vô cùng xúc động của các thầy, cô giáo và các em học sinh.
Trong đó, không thể không nói đến những chuyến đò nghĩa tình của cô giáo Quách Thị Bích Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đồng Ruộng (Đà Bắc). Không chỉ được biết đến là một giáo viên yêu nghề, yêu trẻ, cô giáo Nụ còn kiêm luôn vai trò của người lái đò, khi cô là người chèo lái con đò qua sông, bất kể nắng hay mưa, đưa biết bao thế hệ học trò nơi vùng lòng hồ sông Đà đến trường an toàn để đi tìm con chữ. Cô chia sẻ: Xóm Nhạp (Đồng Ruộng) là xóm đặc biệt khó khăn với phần đa là người dân tộc thiểu số. Học sinh ở đây mỗi ngày đều phải đi thuyền 3 cây số trên lòng hồ sông Đà, rồi đi bộ cũng gần chừng đó quãng đường mới đến được lớp học…
Nhiều lần nhìn dòng nước hồ mênh mông như ngăn bước chân trẻ em đến trường, cô giáo Nụ đã hạ quyết tâm giúp những học sinh hiếu học ấy đến lớp. Cứ thế, mỗi ngày cô vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện chèo đò, đưa học sinh xóm Nhạp đi tìm con chữ. Ban đầu với chiếc thuyền được làm bằng xi măng. Rồi qua những mùa bão gió, con thuyền trở nên chông chênh, bé nhỏ, trong khi số lượng học sinh mỗi năm lại tăng thêm. Để có phương tiện đảm bảo an toàn hơn, cô giáo Nụ đã bàn với gia đình, bán đôi bò vốn là của hồi môn trong ngày cưới để lấy tiền mua thuyền.
Với số tiền bán bò được 15 triệu đồng, vợ chồng cô bỏ thêm 1 triệu đồng, rồi lên trung tâm huyện nhờ thợ đóng cho chiếc thuyền có gắn động cơ. Ròng rã suốt 17 năm qua, cô Nụ nhớ rõ bao nhiêu chiếc thuyền phải thay nhưng cô không nhớ nổi đã đưa bao nhiêu học trò đến trường. Nhưng với cô, niềm vui lớn nhất là chứng kiến học sinh đi học hàng ngày, đi đến nơi, về đến chốn an toàn.
Ở vùng lòng hồ, không chỉ có chuyện về cô giáo Quách Thị Bích Nụ, mà còn có câu chuyện cảm động về những người thầy "ngày đứng trên bục giảng, tối về chèo thuyền đánh cá nuôi học trò” như các thầy giáo ở trường Phổ thông DTBT TH&THCS Tân Dân (Mai Châu). Bởi họ luôn tâm niệm một điều: "Đã lựa chọn công việc cao cả là dạy người thì dù có khó khăn đến mấy cũng cố gắng vượt qua”.
Vượt khó cho những "mùa quả ngọt”
Cũng chính cái tâm thế, suy nghĩ đó mà trong hàng chục năm qua, 20 thầy, cô giáo trường TH&THCS Hang Kia B vẫn âm thầm vượt qua biết bao nỗi nhọc nhằn, để "gieo” từng con chữ trên đá núi tai mèo sắc lẹm... với ước nguyện góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Thung Mặn, Thung Ảng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Lau thì Thung Mặn, Thung Ảng là 2 xóm xa nhất, khó khăn nhất của xã, nằm cách UBND xã khoảng 10 km. Cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô và lúa nương. Chính vì lẽ đó, đây là nơi có tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ cao nhất huyện vùng cao Mai Châu. Bởi trong suy nghĩ của người dân còn mang nặng tư tưởng "biết chữ cũng chẳng để làm gì”. Ấy vậy, bằng cái tâm, nhiệt huyết của người dạy chữ, trong suốt nhiều năm qua, 20 thầy, cô giáo ở trường TH&THCS Hang Kia B hàng ngày vẫn âm thầm "cõng” từng con chữ lên non gieo vào "lòng đá”.
Cô Hà Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường chia sẻ: Ở đây, ngoài một số thầy cô là người bản địa, có nhà cửa ở trên này, việc đi lại đỡ vất vả hơn, còn lại đa phần thầy, cô giáo là người ở vùng dưới. Lên đầu tuần, cuối tuần thay nhau về. Những ngày nắng còn đỡ, ngày mưa đường trơn trượt, thậm chí sạt lở, xe máy chỉ dắt bộ hoặc đẩy chứ có đi được đâu. Cũng có đường tắt từ Cun Pheo sang, nhưng là lối mòn của người dân đi làm nương. Đường nào cũng vậy, có khi đi từ sáng sớm, chiều muộn mới tới trường. Thực lòng, được phân công về đây, chẳng ai không thấy nản, khi từ nhà đến trường là chặng đường gần 100 km...
Khó khăn là vậy, nhưng với tình yêu nghề, yêu mảnh đất này mà họ đã không quản gian khó đến "gieo" từng con chữ vào "lòng đá". Họ đã biến cả vùng đất khó về tri thức bừng sáng trở thành một xã hội học tập. Từ 2017 đến nay, các thầy, cô giáo của nhà trường đã vận động và tổ chức được 3 lớp xóa mù chữ cho gần 100 học viên là phụ nữ ở 2 xóm Thung Ảng, Thung Mặn. Từ đó, làm cho những Hờ Y Mai, Giàng Y Phếnh, Giàng Y Mỉ... vốn chỉ biết cúi mặt xấu hổ vì không biết chữ, đến nay đã biết nhắn tin, viết thư bày tỏ cảm xúc với các thầy cô...
Không thể kể hết những gian truân, hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của những người thầy, người cô trong sự nghiệp "trồng người”. Còn nhớ, trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến những hy sinh, cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ, đội ngũ thầy giáo, cô giáo "vì sự nghiệp trồng người” của tỉnh. Đồng chí đặc biệt chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh: Các thầy, các cô vẫn hằng ngày vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt, bám bản, bám làng, thắp sáng tương lai các thế hệ học trò. Trong đó, có nhiều thầy giáo, cô giáo đã dành những đồng lương ít ỏi để mua áo ấm, mua thuốc cho học sinh; chấp nhận hy sinh, nhận về mình những thiệt thòi để dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh...
Theo đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT, chính từ những nỗ lực, sự hy sinh cao cả của các thế hệ thầy, cô giáo đã góp phần đưa chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học, bậc học. Công tác phổ cập giáo dục ngày càng hiệu quả. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tăng cao. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Qua 31 lần tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoàn học sinh tỉnh Hòa Bình đã đoạt 1.150 giải, trong đó có 23 giải nhất, có 199 học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải. Năm 2022, tham dự Cuộc thi Phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 11 tại Hàn Quốc, 3/3 dự án tham dự đoạt huy chương vàng. Đặc biệt, trong cuộc thi DO YOUR:BIT do Tập đoàn truyền thông BBC tổ chức, học sinh tỉnh Hòa Bình đoạt 1 trong 18 giải Quán quân. Trong 40 năm vì sự nghiệp "trồng người” và 31 năm tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, có 2 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; 1 Huân chương Độc lập hạng nhì; 3 Huân chương Độc lập hạng ba; 4 Huân chương Lao động hạng nhất; 4 Huân chương Lao động hạng nhì và rất nhiều huân chương, bằng khen... Đó là những thành quả tốt đẹp làm rạng danh ngành GD&ĐT tỉnh, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của những "người đưa đò thầm lặng”.
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ, Phó Hiệu trưởng trường mầm non xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) với những chuyến đò chở nặng nghĩa tình, đưa học trò đến với con chữ.
Thu Trang