Các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Ngày 9- 1 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010, bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chúng tôi xin ghi lại những ý kiến đáng chú ý của các đại biểu đến từ các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, học viện.

Có nên bỏ Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc ?


Bà Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp):
Thủ tướng đã phê duỵêt chương trình dạy ngoại ngữ đến năm 2020 để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước ta trong tương lai.

Nếu như chúng ta không xác định thi ngoại ngữ là môn bắt buộc ở tốt nghiệp THPT thì liệu động lực học tập của học sinh và giáo viên liệu có được xác định đúng đắn hay không. Nơi nào khó khăn về điều kiện dạy học thì cho chọn môn thi thay thế chứ nếu xác định không thi ngay từ đầu thế này thì chắc chắn chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ của học sinh phổ thông nói riêng và xã hội nói chung sẽ không bảo đảm được yêu cầu về ngoại ngữ của công dân tương lai.


Trong phương hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về môn thi: thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thi 6 môn: trong đó 2 môn ấn định hằng năm (bắt buộc) là ngữ văn và Toán; 4 môn còn lại của kỳ thi mỗi năm sẽ được Bộ chọn luân phiên trong số 6 môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.


Phần lớn các ý kiến phát biểu đều thống nhất với quy định kỳ thi này gồm có 6 môn thi. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi Bộ rút môn Ngoại ngữ khỏi danh sách các môn thi bắt buộc.


TS Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc (GĐ) Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, không nên rút Ngoại ngữ khỏi danh sách các môn thi bắt buộc. Đã từ hơn 20 năm qua, Ngoại ngữ cùng với hai môn Văn, Toán được coi là những môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài việc đã được coi là môn thi bắt buộc trong thời gian dài như vậy, chúng ta cũng luôn nói rằng xu thế là hội nhập quốc tế, mà hội nhập quốc tế thì đòi hỏi phải có ngoại ngữ tốt. Vậy nên giữ nguyên danh sách các môn thi bắt buộc để tạo động lực cho việc dạy và học ngoại ngữ ở cấp phổ thông, tránh tình trạng xuống cấp chất lượng môn này.


Cũng cùng quan điểm này còn có các đại biểu Nguyễn Hoài Chương (Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh), TS Nguyễn Đức Nghĩa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Phan Thị Thu Hà (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp), Nguyễn Đức Cường (GĐ Sở GD&ĐT Thái Nguyên), Nguyễn Ngọc Hợi, (GĐ trường ĐH Vinh) ... Ngoài ra, ông Chương cũng kiến nghị Bộ không nên quy định chung chung về việc thí sinh xin thi môn khác thay thế cho môn ngoại ngữ khi ở vùng “khó khăn về điều kiện dạy học”. Đây là một tiêu chí mơ hồ, rất khó xác định nên khi thực hiện sẽ rất khó vận dụng.


Về việc cử giáo viên chấm chéo


Bộ chủ trương: Các sở có bài thi cử 01 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình; nếu thấy việc chấm thi có xu hướng không đúng đáp án, biểu điểm thì đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi chỉ đạo hoặc báo cáo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh mình xin ý kiến chỉ đạo.


Nên giữ lại điều kiện về chấm phúc khảo: đối với môn Văn là chênh 2 điểm, các môn khác thì chênh một điểm thay vì môn Văn chênh 1 điểm, các môn khác chênh 0,5 điểm. Nếu chấp nhận phương án như Bộ điều chỉnh thì số lượng xin chấm phúc khảo bài thi là rất nhiều. (Ông Huỳnh Văn Hoa)


Về vấn đề này, TS Đỗ Văn Xê, Phó GĐ trường ĐH Cần Thơ cho rằng khi chấm thi, đã có đáp án, biểu điểm của Bộ làm chuẩn, do đó nếu như tỉnh có bài thi cử một giáo viên môn thi đó đến tham gia hội đồng chấm thi thì sẽ tạo ra sự lộn xộn. Trong trường hợp người đó không đồng ý với những người khác thì chẳng nhẽ hội đồng chấm thi phải ngưng hoạt động ? Nói chung việc này sẽ phát sinh ra rất nhiều điều phiền toái.


TS Huỳnh Văn Hoa đề xuất nên tập trung hướng dẫn việc vận dụng hướng dẫn chấm, biểu điểm theo cụm từ 3- 5 tỉnh, thành của một khu vực. Điều này sẽ tạo được mặt bằng chung về việc chấm thi, hạn chế việc vận dụng hướng dẫn chấm, biểu điểm tuỳ tiện dẫn đến việc không đồng tình về kết quả chấm thi như một số tỉnh, thành khu vực phía nam năm 2009. Còn về lâu dài hướng đến một kỳ thi THPT cấp quốc gia, đề nghị Bộ thành lập Hội đồng chấm chung theo cụm từ 4- 10 tỉnh, thành, theo đó sẽ tập trung giám khảo về từng cụm, toàn quốc có thể tổ chức nhiều cụm. Như vậy, sẽ bảo đảm được tính khách quan.


Ông Nguyễn Hoài Chương thì cho rằng việc cử giáo viên chấm chéo như nói ở trên là “không giải quyết được” vì trong một hội đồng chấm thi thì giám đốc của một sở GD&ĐT khác không có quyền chỉ đạo. Như vậy Bộ cần quy định rõ hơn về vấn đề này. Ông cũng đề nghị nếu thực hiện chấm chung thì Bộ nên thành lập hội đồng liên vùng là tốt nhất.


Đồng tình với ý kiến chấm thi theo cụm, bà Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) đề xuất: Bộ nên tổ chức chấm thi theo cụm. Một khu vực chấm thi có thể từ 3 đến 4 tỉnh, thành lập một hội đồng thi và nếu như bộ thấy chưa an tâm thì có thể tính toán, điều chỉnh nhân sự lãnh đạo của hội đồng chấm. Nếu không thực hiện được chấm theo khu vực, theo cụm thì thành lập một hội đồng phách của khu vực rồi bàn giao về cho các tỉnh chấm, trong số bài bàn giao về cho các tỉnh chấm có thể cũng có bài của tỉnh mình.


Ông Nguyễn Đức Cường, GĐ Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho rằng hướng dẫn chấm phải rõ ràng, cụ thể, làm sao chặt chẽ để thống nhất trong quá trình vận dụng. Trong thực tế, những năm vừa qua, việc áp dụng của các địa phương và ngay cả việc chấm lại của Bộ cũng đã có sự khác nhau.


Tăng lệ phí đăng ký dự thi, lệ phí dự thi và thu gộp một lần


TS Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng ĐH Vinh:
Lệ phí tuyển sinh đã 8 năm rồi không thay đổi. Các trường thì liên tục đề nghị tăng nhưng không được chấp thuận. Quyết định của Thủ tướng là lệ phí tuyển sinh thực hiện theo nguyên tắc thu đủ, chi đủ nhưng trên thực tế, thu không đủ bù chi. Chỉ tính riêng trường ĐH Vinh thôi, năm vừa rồi phải bù lỗ 250 triệu đồng trông thi, 350 triệu đồng chấm thi, tổng cộng khoảng 600 triệu. Như vậy là nhà trường đã phải bù lỗ khoảng 5 tỷ đồng 8 năm qua.


Cũng như tại nhiều hội nghị tuyển sinh trước đây, lần này các đại biểu lại lên tiếng đề nghị Bộ điều chỉnh tăng lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi để bảo đảm thu đủ bù chi.


Đại biểu Đỗ Văn Xê bức xúc: Là những người tổ chức thi, chúng ta đều biết sau khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi chúng ta phải làm những khâu nào để chuẩn bị cho các em dự thi. Chúng ta đã nhiều lần đề xuất là việc nộp lệ phí đăng ký dự thi và nộp lệ phí thi gộp làm một lần. Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại phải xin Bộ Tài chính rồi mới được quyết định, trong khi thẩm quyền hai bộ ngang nhau. Có chăng, chỉ cần xin ý kiến Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ.


Đại biểu Từ Quang Hiển, ĐH Thái Nguyên cho rằng Bộ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho tăng lệ phí tuyển sinh. Ông nói: Nhiều phụ huynh thí sinh đến nói rằng họ ngạc nhiên là phí tuyển sinh lại thấp thế. Năm 2008 chúng ta có bù lệ phí tuyển sinh, 2009 không biết có bù hay không? Năm 2010 nếu không có bù thì chúng ta cũng nên tăng lệ phí tuyển sinh lên. Việc này các trường đại học đã đề nghị rất nhiều lần. Lệ phí đó không đủ cho công tác tổ chức thi.


Đối tượng tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng


Ông Huỳnh Văn Hoa đề nghị Bộ khôi phục quy định tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh đạt giải 3 trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cộng thêm các điều kiện về học lực, hạnh kiểm và xếp loại tốt nghiệp. Có như vậy mới động viên động lực tham gia đội tuyển cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và cả cấp quốc tế, việc bồi dưỡng nhân tài theo khuynh hướng phân hóa mới được phát huy tác dụng. Ông nêu dẫn chứng kỳ thi học sinh giỏi năm 2009, cả nước chỉ có 1.122 em đạt từ giải ba trở lên, nếu chia đều cho hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong cả nước thì không là bao.


Còn đại biểu Nguyễn Hồng Vinh (Tổng cục dạy nghề) đề xuất bổ sung đối tượng tuyển thẳng vào ĐH, CĐ là những học sinh trung cấp nghề, cao đẳng nghề từng dự thi và đoạt giải hội thi tay nghề khối ASEAN và quốc tế vào các trường ĐH Kỹ thuật, CĐ Kỹ thuật. Ông Vinh cho biết quy trình chọn lựa thí sinh đi thi rất gắt gao, từ cấp trường đến cấp ngành, rồi thi cấp bộ. Cả nước có 40 sở, 10 bộ, ngành tham gia thi tay nghề quốc gia trong khoảng nửa tháng để chọn khoảng 40 thí sinh đi thi tay nghề khu vực. Chỉ khoảng 30% số thí sinh này đoạt giải để rồi tiếp tục đi thi tay nghề thế giới. Ông đề nghị nên tuyển thẳng những đối tượng này vào đại học để sau này họ ra làm giáo viên trường nghề.


Cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng trước môn thi đầu tiên


Trước thông tin Bộ cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng trước môn thi đầu tiên, rất nhiều người đại biểu lên tiếng đề nghị không nên thực hiện vì sẽ rất phức tạp; chỉ những trường hợp bị sai sót thì sửa lại cho đúng.


Riêng đại biểu Bùi Văn Ga, Đà Nẵng lại lên tiếng ủng hộ điều này. Ông giải thích: Tôi ủng hộ việc cho phép thay đổi nguyện vọng ngay trước khi thi. Như vậy các trường sẽ phải xử lý phức tạp nhưng thí sinh lại chỉ cần làm một bộ hồ sơ mà có thể chọn được tất cả các trường. Thí sinh không cần phải nộp nhiều bộ hồ sơ để chờ đến lúc thi mới quyết định. Điều này sẽ hạn chế lượng thí sinh ảo.


Về tính thống nhất và ổn định trong các văn bản của Bộ:


Đại biểu Nguyễn Văn Toàn, ĐH Huế phát biểu: Quy chế thi là một văn bản có tính pháp lý cao, chỉ nên thay đổi khi không thể không thay đổi. Bộ khi ra các văn bản hướng dẫn cần bảo đảm sự thống nhất và phải dựa vào Quy chế. Thí dụ khi ký vào giấy thi của thí sinh: trong thi môn tự luận thì quy định giám thị thứ hai ký trước sau đó phát cho thí sinh, còn khi điền đầy đủ thông tin rồi thì giám thị thứ hai kiểm tra lại và ký tên; khi thi môn trắc nghiệm thì lại quy định giám thị thứ nhất và giám thị thứ hai cùng ký rồi phát cho thí sinh.


Các đại biểu Huỳnh Văn Hoa đề nghị Bộ ổn định Quy chế thi ít nhất là 5 năm, không nên hàng năm thay đổi, bổ sung nhiều như là 3 năm qua. Cuốn Những điều cần biết về thi và tuyển sinh cần bảo đảm tính chính xác. Có thể nói từ khi cho phát hành cuốn sách này, năm nào cũng có sai sót, phải đính chính, nhưng rồi lại sai.


Một số ý kiến đáng chú ý khác:

- Chuyển đợt thi cao đẳng vào giữa hai đợt thi đại học để giảm bớt chi phí: thí sinh đi thi đại học xong không phải quay về quê ít hôm rồi vòng trở lại thi cao đằng nữa mà ở lại thi luôn; hoặc thi cao đẳng xong ở lại thi đại học luôn.

- Để tránh bị lỗi khi in sao đề thi: lưu đề ở  định dạng pdf  vẫn có thể bị lỗi do các phần mềm đọc (như từng xảy ra ở cụm Quy Nhơn, Bình Định mùa thi trước). Để tránh lỗi, đề thi nên để ở dạng ảnh.

- Nhiều đại biểu đề xuất nên rút ngắn thời gian xét tuyển nguyện vọng hai, nguyện vọng ba để tránh khai giảng năm học muộn. Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng nên cho các trường chủ động thời hạn xét tuyển; không nên quy định chỉ đến ngày 30-9.

- Nên điều chỉnh rút ngắn thời gian từ khi giám thị nhận túi đề thi môn trắc nghiệm đến khi phát đề cho thí sinh. Hiện tại khoảng thời gian này lâu quá, đến cả 1 giờ đồng hồ.

- Nên cho các trường chủ động trong việc hạ điểm chuẩn (tất nhiên không được hạ thấp hơn điểm sàn). Trên thực tế, nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu đã phải hạ điểm chuẩn nhưng phải làm báo cáo Bộ.

 

 

                                                                                   Theo ND

Các tin khác


Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục