Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục
và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận hội nghị.

Hôm qua, 9-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 qua cầu truyền hình. Gần 1200 đại biểu từ các sở giáo dục và đào tạo, các học viện, đại học, trường đại học, cao đẳng tham dự tại sáu điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ tập trung thảo luận góp ý kiến về việc tổ chức hai kỳ thi quan trọng của năm 2010 là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT:


Năm nay, thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục tổ chức thi theo cụm trường như năm 2009. Những địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện... có thể báo cáo Bộ cho phép tự chọn phương án tổ chức thi. Bộ quyết định bỏ quy định về Ban công tác cụm trường; sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đã quy định cho Ban công tác cụm trường trước đây.


Điều chỉnh quy định về môn thi: thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thi sáu môn: trong đó hai môn ấn định hằng năm (bắt buộc) là ngữ văn và Toán; bốn môn còn lại của kỳ thi mỗi năm sẽ được Bộ chọn luân phiên trong số 6 môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và được công bố cuối tháng ba hằng năm. Những thí sinh học ngoại ngữ không đủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thí sinh tại các vùng khó khăn về điều kiện dạy học có thể được thi môn thay thế cho ngoại ngữ.


Điều chỉnh cấu trúc đề thi và quy định cho thí sinh: Đối với các môn thi mà đề thi có phần bắt buộc và phần tự chọn, thí sinh chỉ được chọn một phần tự chọn thích hợp để làm bài; nếu làm cả hai phần tự chọn thì bài làm cả hai phần tự chọn đều không được chấm.


Tiếp tục tổ chức chấm chéo bài thi tự luận như năm 2009, có điều chỉnh theo hướng: Sở GD&ĐT có bài thi cử một giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình; nếu thấy việc chấm thi có xu hướng không đúng đáp án, biểu điểm thì đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi chỉ đạo hoặc báo cáo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh mình xin ý kiến chỉ đạo.


Điều chỉnh quy định về việc làm phách tại Hội đồng chấm thi theo hướng: giao các đơn vị chủ động lựa chọn phương án thực hiện trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bảo mật và an toàn.


Những thay đổi quan trọng về phúc khảo: Rút ngắn thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của thí sinh để đẩy nhanh tiến độ phúc khảo bài thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có đơn xin phúc khảo dự  thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ; Điều chỉnh điều kiện phúc khảo, hạ mức chênh giữa điểm bài thi và điểm tổng kết năm học lớp 12 của môn thi từ thấp hơn 2,0 điểm xuống còn thấp hơn 1,0 điểm để mở rộng diện phúc khảo, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các sai lệch trong chấm thi; Hạ mức chuẩn chênh lệch để được điều chỉnh điểm sau phúc khảo để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh: điểm của bài thi các môn thi được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 0,5 điểm trở lên. Riêng điểm của bài thi môn Ngữ văn được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên.


Bộ cũng quyết định tổ chức lại các đoàn thanh tra của Bộ bảo đảm gọn nhẹ, mỗi đoàn từ  5- 10 người đến làm nhiệm vụ tại các tỉnh, thành phố tổ chức thi.


Các đại biểu dự Hội nghị.
 
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ:


Về cơ bản công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2010 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như các năm trước, tuy nhiên cũng có một số điểm mới:


Về đối tượng dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay mở rộng thêm: ngoài các thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề còn có các thí sinh có trình độ tương đương. Đó là các học sinh Trung cấp nghề, hệ tốt nghiệp Trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Quy định về số thí sinh và số cán bộ coi thi cho mỗi phòng thi


Mỗi phòng thi theo danh sách xếp tối đa không quá 40 thí sinh và phải có hai cán bộ coi thi. Những phòng thi lớn, theo danh sách cũng xếp tối đa không quá 60 thí sinh và phải có 3 cán bộ coi thi. Không xếp thí sinh thi môn tự luận cùng với thí sinh thi môn trắc nghiệm trong một phòng thi.


Công khai học phí đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập


Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập công bố công khai mức thu học phí theo tháng hoặc năm học (nếu tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thì học phí cũng qui đổi theo tháng hoặc năm học) đối với khóa tuyển sinh năm 2010 trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui năm 2010". Học phí chỉ tính theo tiền đồng Việt Nam (VNĐ).


Về quy mô tuyển sinh, năm 2010 tiếp tục phát triển quy mô đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu như: miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, đào tạo theo địa chỉ, nhất là đối với các ngành Y Dược, Sư phạm. Nhà nước tiếp tục giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển mới đào tạo đối với những chỉ tiêu đào tạo thuộc diện chính sách nhà nước, do Nhà nước đảm bảo về cơ bản ngân sách đào tạo, đối với con em các dân tộc, các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể là: hệ dự bị, PTDT nội trú và năng khiếu, chỉ tiêu tuyển mới đào tạo phục vụ cho quốc phòng và an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.


Quy trình và thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT)
Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó.

Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.

Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau:

- Theo hệ thống của Sở GD&ĐT: Từ ngày 10- 03 đến hết ngày 10- 04- 2010.

- Tại các trường tổ chức thi: Từ ngày 11- 04 đến hết ngày 17- 04- 2010.

Các Sở GD&ĐT, các trường ĐH và CĐ nhất thiết không được thay đổi thời hạn, không được kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định.


Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD&ĐT ra đề thi chung cho các trường đại học và cao đẳng có tổ chức thi; Các trường ĐH, CĐ có thi các môn năng khiếu, nghệ thuật, chịu trách nhiệm ra đề thi các môn này.


Thời gian làm bài thi đối với các môn thi tự luận là 180 phút; các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm (Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học) là 90 phút.


Các đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010
Đợt I: Ngày 04- 07 và 05- 07- 2010 thi đại học khối A và V.

Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến 08- 07- 2010.

Đợt II: Ngày 09- 07 và 10- 07- 2010 thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu.

Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hoá (Khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; Khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 14- 07- 2010.

Đợt III: Ngày 15- 07 và 16- 07- 2010 thi cao đẳng.

Các trường cao đẳng có thi các môn năng khiếu đến 20- 07- 2010.


Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tất cả các ý kiến đề xuất phản biện, bổ sung cho bản dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được nghiêm túc tiếp thu, xem xét xử lý.


Về các ý kiến đề nghị giữ Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho rằng, vì việc công nhận tốt nghiệp có mức điểm sàn; trong khi học sinh ở nhiều nơi học ngoại ngữ lại không được bảo đảm điều kiện ở mức sàn nên nếu coi đây là môn thi bắt buộc thì sẽ khiến các em thiệt thòi. Một số ý kiến cho rằng việc thôi không coi Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ khiến cho việc dạy và học ngoại ngữ xuống cấp. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng Ngoại ngữ khác với hai môn Văn và Toán được coi là hai môn kỹ năng cơ bản của con người. Trước đây với yêu cầu mở rộng việc dạy và học ngoại ngữ, chúng ta đưa môn này thành môn thi bắt buộc. Nay việc dạy và học ngoại ngữ đã trở nên phổ biến thì việc rút môn thi này khỏi danh sách các môn thi bắt buộc cũng là chuyện bình thường. Vả lại, trong nhóm môn thi không bắt buộc cũng là các môn thi có tầm quan trọng: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.


Về các đề xuất tăng lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi, Bộ trưởng cho biết sẽ sớm có văn bản đề nghị với Bộ Tài chính; trong trường hợp không thống nhất được, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ.


Bộ trưởng cũng cho biết, ngay sau hội nghị, lãnh đạo Bộ và các vụ, cục chức năng sẽ tập trung xem xét các ý kiến đề xuất về việc chấm thi theo cụm, việc tuyển thẳng vào đại học đối với các học sinh học nghề đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế, việc tuyển thẳng đối với các thí sinh khiếm thị...


                                                                                                Theo ND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Tặng vé xe cho sinh viên 3 miền về quê đón Tết Canh Dần

Nhằm giúp đỡ cho các sinh viên nghèo về quê đón Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều có chương trình “Tặng vé xe cho sinh viên về quê đón Tết 2010”.

Bước chuyển mới trong giáo dục dân tộc ở tỉnh ta

(HBĐT) - Với hệ thống trường lớp học được mở đến tận bản làng, thôn xóm đã thu hút tối đa học sinh các dân tộc trong tỉnh được đến trường. Năm học 2009 – 2010, toàn tỉnh có 108.560 học sinh dân tộc ( chiếm 56,25% học sinh trong toàn tỉnh) ở tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS, THPT đến các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Học phí tính theo tiền đồng VN

Đó là một trong những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 sẽ được Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị thi và tuyển sinh qua cầu truyền hình vào sáng mai, 9-1

Cơ sở liên kết đào tạo “chui”, sinh viên “lãnh” đủ

Thấy quảng cáo trên báo “hoành tráng”, khi vào học thì sinh viên mới té ngửa vì phải học lại kiến thức cũ. Bỏ mấy tháng trời theo học tốn không ít chi phí, giờ đây với họ bao công sức coi như “đổ sông, đổ bể”.

Những sinh viên giàu sáng tạo

Không chỉ tạo cho mình kiến thức nền vững chắc, họ còn chú trọng trau dồi kỹ năng nghề, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học

Những điểm mới trong kỳ thi, tuyển sinh năm 2010

* 38 trường đại học, cao đẳng bị khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh ND - Ngày 7-1, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh năm 2010. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ có một số điều chỉnh trong công tác tổ chức thi, chấm thi so với kỳ thi năm 2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục