Vì nhiều lý do: gia đình khó khăn, học lực kém, ham chơi..., sau Tết đến nay, hàng ngàn học sinh ở miền Trung đã bỏ học giữa chừng
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, mới hết học kỳ 1 năm học 2009-2010, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 học sinh (HS) bỏ học. So với cùng kỳ năm trước, số HS bỏ học ở Phú Yên trong năm học này đã tăng 160 em ở cả ba cấp học.
Sau Tết, đến mùa đót, nhiều học sinh ở Tây Trà - Quảng Ngãi lại nghỉ học
đi cắt đót bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: X.LONG
Đua nhau nghỉ học
Tại Quảng Ngãi, năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là HS lại đua nhau nghỉ học, đặc biệt ở 6 huyện miền núi. Sau Tết năm nay, nhiều trường chỉ có 50%-60% HS đến lớp. Khi ban giám hiệu nhà trường và địa phương tích cực vận động, số HS trở lại lớp nhiều hơn, song vài hôm sau lại đâu vào đấy.
Chỉ tính riêng huyện Tây Trà, ở xã Trà Lãnh hiện có 44 HS nghỉ học; các trường khác ở Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Xinh... cũng có khoảng 20% HS nghỉ học. Ông Hồ Hoàng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh, trăn trở: “Tình trạng HS nghỉ học sau Tết trở thành vấn đề nhức nhối của toàn huyện chứ không riêng xã nào”. Một giáo viên ở Tây Trà cũng bức xúc: “Việc quản lý HS ở các xã vùng sâu, vùng xa là hết sức khó khăn. Nhiều giáo viên dù rất nhiệt tình nhưng bản làng thì ở quá xa lại cách trở núi đồi, sông suối nên khó đến nhà để khuyên bảo HS trở lại lớp kịp thời. Do vậy, việc vận động gia đình và các em trở lại lớp là điều không phải ngày một ngày hai làm được”.
Tương tự, tại Bình Định, tình trạng HS nghỉ học cũng khiến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đau đầu. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bình Định, học kỳ 1 năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 2.200 HS bỏ học. Trong khi đó, cả năm 2009, số HS bỏ học ở tỉnh này chỉ 2.729 em. HS bỏ học nhiều nhất ở Bình Định thuộc khối THPT.
Tại Quảng Trị, theo ông Nguyễn Văn Bằng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, kết thúc học kỳ 1 năm học 2009-2010, toàn tỉnh cũng có trên 650 HS bỏ học. Trong đó, HS bậc THPT chiếm đến gần 400 em, chủ yếu ở các trường ngoài công lập.
Nhiều học sinh ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi nghỉ học để ở nhà cắt đót phụ giúp gia đình. Ảnh: X.Long
Không có điều kiện đến lớp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc HS nghỉ ngang, bỏ dở việc học hành. Trong đó, nguyên nhân thường thấy nhất là do đời sống kinh tế của gia đình quá khó khăn, các em không có điều kiện đến lớp nữa.
Theo ông Đinh Văn Lập, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tây Trà - Quảng Ngãi, sau Tết là lúc người dân địa phương tới mùa đi cắt đót để làm chổi. Đây cũng là lúc HS đua nhau nghỉ học. “Đót càng nhiều, càng tốt lại được giá như năm nay, HS lại càng nghỉ học nhiều để phụ giúp gia đình” - ông Lập khẳng định. Trong khi đó, ông Hồ Hoàng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh, cho biết nhiều HS ở xã ông còn nghỉ học để theo người lớn đi đào đãi vàng.
Theo ông Nguyễn Văn Tá, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhiều HS ở tỉnh phải bỏ học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhất là người dân trong vùng ảnh hưởng bão số 11 và trận lũ lớn đầu tháng 11-2009. Em Võ Thị Ái Nhi, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đồng Xuân – Phú Yên, một trong những vùng bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai gây ra cuối năm 2009, thổ lộ: “Gia đình quá khó khăn nên em đành phải bỏ học giữa chừng. Ngôi nhà vách đất, mái tôn của gia đình đã bị lũ cuốn. Dù được hỗ trợ nhiều, thầy cô cũng đã đến nhà vận động trở lại trường nhưng em còn phải phụ giúp gia đình nữa...”. Tại thị xã Sông Cầu và một số vùng biển ở Phú Yên, nhiều HS cuối cấp THCS hoặc THPT, dù chưa đến tuổi lao động đã bỏ học để đi biển kiếm tiền.
Bên cạnh đó, ham chơi, học lực kém đâm ra chán nản không muốn học tiếp cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến HS bỏ học. Ông Nguyễn Văn Tá nhận xét: “Tệ nạn “nghiện” internet với mặt trái của nó đã tác động khá lớn đến việc duy trì nề nếp học tập và sinh hoạt của HS. Nguyên nhân này khiến nhiều HS Phú Yên trốn học, kết quả học tập yếu kém rồi bỏ học giữa chừng, nhất là bậc THCS”. Dẫn chứng trường hợp em T.N.A, HS Trường THCS - THPT Phan Chu Trinh ở thị xã Sông Cầu - Phú Yên, ông Đào Mậu Thắng, hiệu trưởng nhà trường, ngán ngẩm: “A. là con của một giáo viên nhưng ham chơi, học lực quá yếu. Gia đình và nhà trường đã nhiều lần khuyên nhủ, vận động nhưng cuối cùng đành bó tay vì A. kiên quyết bỏ học”.
Theo Báo NLĐ
Việc học sinh đánh nhau là chuyện bình thường, nhưng cái không bình thường ở đây là nữ học sinh đánh nhau và thái độ vô cảm của học sinh ngồi xem, hành vi này rất đáng phải lên án.
Bộ GD&ĐT vừa chính thức ra quyết định quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, kiểm tra và xử lý việc thực hiện các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010.
Việc học sinh đánh nhau là chuyện bình thường, nhưng cái không bình thường ở đây là nữ học sinh đánh nhau và thái độ vô cảm của học sinh ngồi xem, hành vi này rất đáng phải lên án.
Cụ bà Sidzue Hirai, 91 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp hai tại một trường học buổi tối ở thành phố Kobe (Nhật Bản), theo tin đăng trên tờ báo hàng ngày Mainichi Simbun của nước này ngày 10/3 vừa qua.
(HBĐT) - Mặc dù mới được chia tách chưa lâu từ trường Liên cấp 2 – 3 Mường Bi với bề bộn gian khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy nhưng những năm qua, từ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh cùng những nỗ lực vươn lên của cán bộ, giáo viên và học sinh, vào đầu năm học 2009 – 2010, trường THCS xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đã vinh dự được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Những năm qua, có nhiều ngành học số lượng thí sinh dự thi ít, điểm chuẩn không cao dù nhu cầu xã hội rất lớn, nếu chọn lựa phù hợp, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển