“Con trai tôi đến 2 tuổi rưỡi vẫn không nói một tiếng, tôi hết hồn bồng cháu đi khám thì bác sĩ bảo từ từ rồi cháu sẽ nói. Ba tuổi, bốn tuổi, năm tuổi, cháu vẫn chưa một lần gọi ba, gọi mẹ. Rồi vợ chồng tôi bàng hoàng biết cháu bị tự kỷ".

Đó là câu chuyện mà anh N.V.T (Q.3, TP.HCM) chia sẻ tại hội thảo "Trường học nào cho trẻ tự kỷ" do Chương trình khuyết tật và phát triển (Disability resource and development - DRD, TP.HCM) và Các nhóm cha mẹ trẻ tự kỷ phối hợp tổ chức vào sáng nay 5-6 tại TP.HCM.

Tiết mục tập thể dục của các bé tự kỷ làm nhiều cha mẹ rơi nước mắt - Ảnh: Trung Uyên

Khi cuộc sống ném cho bạn "quả bóng xoáy"

Không phải ngẫu nhiên mà phòng hội thảo chật cứng hàng trăm người và hầu hết là những gương mặt phảng phất nỗi niềm. Không phải ngẫu nhiên mà các bà mẹ ngồi bên nhau, động viên an ủi nhau còn các ông bố thì chăm chú lắng nghe hay rạng rỡ khoe về một kỳ tích như con đã đánh răng được, tự xúc cơm ăn, biết ôm hôn ba... Cũng không phải ngẫu nhiên mà một cuộc hội thảo có thể níu chân mọi người từ 8g đến gần 13g. Tất cả chỉ vì những bài toán mà trẻ tự kỷ và cha mẹ trẻ tự kỷ đang đặt ra cho cộng đồng vẫn còn ngổn ngang bao lời giải chưa trọn.

Bé đứng trên sân khấu hội thảo và ca hát thế này là một "kỳ tích" - Ảnh: Trung Uyên

Vẻ mặt ưu tư, anh H.N (Q.1, TP.HCM) kể về con gái 10 tuổi: "Cháu được 18 tháng thì vợ chồng tôi phát hiện cháu tự kỷ. Cháu không biết cách chơi đồ chơi, không để ý nhiều thứ, nhiều khi gọi cháu, cháu không quay lại. Vào thời điểm đó, tự kỷ vẫn còn xa lạ với nhiều người, kể cả với bác sĩ. Tôi cho cháu đi học ở trường mầm non Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được ba năm rồi, bây giờ, cháu đã biết tự mặc quần áo, tự chuẩn bị cặp sách và chủ động bày tỏ tình cảm. Vợ chồng tôi lo nhất là khi chúng tôi già yếu, cháu sẽ sống thế nào trong cuộc đời này".

Khi phát hiện con trai lên 3 tuổi bị tự kỷ, chị K.Nh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tìm giáo viên về dạy cho con tại nhà. Trong vòng 1 năm, có đến 10 giáo viên đến rồi lại đi vì không "chịu" nổi cậu bé. Chị Nh. quyết định tìm trường cho con và chọn được công ty TNHH Một thành viên Giáo dục Hồng Hải (đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM) - nơi có chương trình giáo dục TTK. Một số trường từng tìm hiểu qua, chị nhận thấy các TTK tại đây nặng hơn con chị nên lo lắng con khó tiến bộ.

Chị Nh. không khỏi xúc động khi "khoe": "Bây giờ nhìn bé sẽ khó nhận ra bé là TTK. Bé đã biết thể hiện tình cảm, ôm hôn mẹ chứ không đẩy mẹ ra xa như trước đây".

Không được vui như anh H.N hay chị K.Nh, anh N.V.T (Q.3, TP.HCM) cũng cho con đi học ở trường cho TTK nhưng dù hiện đã 7 tuổi, cháu vẫn không nói một tiếng. Cho rằng con đang học cùng các TTK dạng nặng nên anh N.V.T thử tìm hiểu mức học phí của trường mầm non Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và rồi buồn rầu: "Mức học phí khoảng 5 triệu/ tháng là một vấn đề lớn đối với thu nhập hiện nay của tôi. Tôi sẽ tìm hiểu thêm các trường khác xem sao. Chỉ mong một ngày kỳ diệu, cháu sẽ gọi một tiếng ba, tiếng mẹ. Khi ấy, chắc vợ chồng tôi hạnh phúc dữ lắm!".

Các mẹ nán lại cuối hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con tự kỷ - Ảnh: Trung Uyên

Mỗi "kỳ tích" của TTK như đạp xe, bơi, đi đứng thẳng thóm, tự vệ sinh cơ thể... thường có dấu ấn của các giáo viên có chuyên môn, kỹ năng giáo dục TTK. Tại hội thảo, nhiều phụ huynh rơi nước mắt khi xem tiết mục hát tập thể và tập thể dục của các bé tự kỷ của trường mầm non Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Câu hát còn "rơi rụng" chữ, động tác còn "ngẫu hứng" nhưng chỉ mỗi việc các bé có thể đứng chờ đến tiết mục của mình, bước lên sân khấu, cất tiếng hát đã là một nỗ lực lớn.

Rơm rớm nước mắt xúc động khi dùng điện thoại quay lại hình ảnh con trai biểu diễn cùng các bạn, chị P.T cho biết: "Mình sẽ về khoe với chồng rằng con làm được thế này. Cháu theo học ở trường được hơn một năm rồi. Chỉ mong các bé tự kỷ được quan tâm nhiều hơn và không bị cộng đồng nhìn bằng ánh mắt khác". 

Tự kỷ ở trẻ như một quả bóng xoáy mà cuộc sống bất ngờ ném cho một số bậc cha mẹ. Nếu cha mẹ không thật sự nỗ lực, cộng với sự chung sức từ cộng đồng để tìm được tháo gỡ thì "quả bóng xoáy" ấy hoàn toàn có thể dập tắt cơ hội vươn lên của một cuộc đời.

Cần những người thầy cho trẻ tự kỷ

Suốt buổi hội thảo, không khó để bắt gặp hình ảnh những bà mẹ lặng lẽ chùi nước mắt, những ông bố lặng im, hay những gương mặt nghẹn ngào không nói trọn một lời phát biểu. Nội dung hội thảo khá "tròn trịa" với những tham luận của những người công tác trong ngành y tế, sư phạm, các trường dạy trẻ tự kỷ, chuyên gia nước ngoài, cha mẹ có con tự kỷ...

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - nhấn mạnh: "Các nghiên cứu cho thấy các chương trình điều trị sớm và tích cực dựa trên gia đình đều mang lại kết quả khả quan, cho dù dựa trên nền tảng lý thuyết nào, với điều kiện là chương trình thích ứng với các điểm mạnh và yếu của trẻ trong bối cảnh gia đình".

Những gian nan khi tìm trường cho con được các phụ huynh bày tỏ. Chị Trâm Anh kể: "Tháng 2-2008, tôi bắt đầu tìm trường cho con. Tôi gọi đến một trường ở gần chợ Bà Chiểu thì được trả lời là chưa có kế hoạch nhận TTK, hẹn tháng 7 liên lạc lại. Tìm đến một trường ở Q.3 thì có bạn nói là trường này đông và khó xin lắm. Tôi đến một trường ở Q.10 thì thấy trường không có sân chơi. Sau đó, tôi tìm được trường gần nhà, có sân rộng, phòng học thoáng mát. Cháu học ở đó được 20 tháng thì thấy tiến bộ rõ nét trong vận động, nhận biết, ngôn ngữ nghe hiểu, bắt đầu phát âm từ đơn".

Đồng cảm với chia sẻ của một số phụ huynh có con là TTK học ở trường bình thường, con bị "bỏ bê", bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (phòng khám đa khoa Thiên Phước) cho biết: "Giáo viên các trường bình thường thường không biết cách giúp TTK hòa nhập. Vì vậy, giáo viên hay bỏ rơi TTK hay than phiền thái quá về TTK. Vì vậy, nên chăng trong quá trình đào tạo SV ngành sư phạm, có thêm phần cách giúp đỡ TTK hòa nhập và dạy lý thuyết phải đi đôi với thực hành". Những khúc mắc khác nảy sinh khi TTK học ở trường bình thường như TTK phải học các môn như các trẻ khác, được đánh giá như các trẻ khác dẫn đến việc có TTK học một lớp đến mấy năm.

Ông Tony Louw - chuyên viên can thiệp sớm - chia sẻ về phương pháp ABA (Applied Behavior Analysis - Phân tích hành vi ứng dụng) - một trong những phương pháp khá hữu hiệu để dạy trẻ tự kỷ: "Những kỹ năng cần dạy cho trẻ tự kỷ như tự chơi, giao tiếp, tự chăm sóc bản thân, vận động, chơi với trẻ cùng lứa tuổi, học tập. Và quan trọng là phải có một chương trình phù hợp với khả năng của từng trẻ tự kỷ. Môi trường thiết kế theo ABA thường là 6-7 trẻ trong một lớp học. Mỗi trẻ có một nhà trị liệu. Người trị liệu sẽ làm việc với một trẻ vào buổi sáng và với trẻ khác vào buổi chiều, như vậy trong vòng khoảng 3 tháng rồi sau đó xoay tua. Mỗi lớp có một chuyên gia giám sát. Địa điểm học phải gắn hoặc gần với một trường học bình thường để trẻ có cơ hội hòa nhập".

Trường học cho trẻ tự kỷ vẫn là một bài toán hóc búa với các cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ eo hẹp về tài chính. Nhiều đề xuất được đưa ra như: nếu TTK học chung với các trẻ bình thường thì giáo viên cần có kỹ năng giảng dạy - chăm sóc TTK và có chương trình học phù hợp, cần có trường công lập hoặc bán công phân theo mức hiểu biết của trẻ, có một mô hình đào tạo bài bản cho TTK như nhiều nước đã có... 

Không dừng lại ở việc học, nhiều ý kiến đề xuất hướng đến việc giúp TTK hòa nhập cộng đồng: có những áp phích kêu gọi cộng đồng không phân biệt đối xử với TTK, có trường dạy nghề cho TTK, có những nhóm hoạt động xã hội để hỗ trợ những cha mẹ TTK gặp khó khăn...

Hàng trăm người đã đến với hội thảo, vượt khỏi con số dự kiến của ban tổ chức - Ảnh: Trung Uyên

Đề xuất, mong mỏi là vậy nhưng nhiều phụ huynh cũng hiểu lộ trình để những mong mỏi ấy thành hiện thực thì dường như còn xa lắm. Không ít người giật mình khi anh L. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trăn trở: "Tôi không biết cháu học đến lớp 3, lớp 4 rồi thì có thể học lên nữa hay không, cháu học để làm gì, cháu học xong thì sẽ làm được gì, nhưng không phải vì vậy mà tôi không ngừng cố gắng vì cháu!".

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - lạc quan: "Với sự phát triển của y học, chúng ta không mất hy vọng với những khiếm khuyết, khác biệt của con mình. Vấn đề là làm sao chúng ta tìm được con đường cho trẻ tự kỷ phát triển. Trong một xã hội tốt đẹp, chúng ta có đầy đủ chỗ cho các trẻ phát triển".

                                                                                    Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục