Hôm qua 14-4, ngày cuối cùng của thời hạn cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 theo tuyến trường THPT và các sở GD-ĐT địa phương. Nhìn vào thống kê hồ sơ của thí sinh, nhiều trường giật mình vì nhận đến 5.000-6.000 hồ sơ ĐKDT nhưng lại không có thí sinh nào dự thi vào khối C. Trước thông tin mới cập nhật này, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, giáo viên các môn xã hội ở các trường THPT choáng váng trước sự lựa chọn của giới trẻ.

 

Hồ sơ khối C giảm bất thường
 
Nếu như thí sinh bắt đầu thận trọng hơn trong kỳ thi đại học, cân nhắc lựa chọn những ngành có điểm chuẩn vừa sức và việc làm ra trường phù hợp là tín hiệu vui thì những năm gần đây, các ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) với đầu vào là khối C trở nên u ám. Kết thúc đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nhiều trường bỗng giật mình vì hồ sơ đăng ký dự thi khối C giảm bất thường so với mọi năm.

Trường THPT Gia Định (Bình Thạnh) cho biết, trong số 2.635 hồ sơ của gần 1.000 học sinh lớp 12 thì chỉ có vỏn vẹn 2 em đăng ký dự thi khối C. Trường THPT An Lạc (Bình Tân) có chưa tới 20 hồ sơ dự thi vào các ngành khối C trên tổng số 1.250 hồ sơ dự thi.

Thầy Nguyễn Minh, Phó ban Giáo dục ngoài giờ lên lớp Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết, trong 2.900 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2011, lượng hồ sơ thi vào khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Học sinh của trường rất ít có nhu cầu học chuyên về khối C nên bản thân nhà trường không có lớp nâng cao khối C mà phát triển các lớp nâng cao A, B, D theo nhu cầu người học”,  thầy Minh giải thích.

Các ngành khối C còn “ế ẩm” hơn khi tại Trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến, Trường THPT Lê Quý Đôn hầu như không có học sinh nào nộp hồ sơ vào nhóm ngành thi khối C.

Lý giải thực trạng này, cô Nguyễn Thị Phượng, cán bộ phụ trách hướng nghiệp - tuyển sinh Trường THPT Gia Định, cho biết: Vài năm gần đây, xu hướng học sinh quay lưng với khối C trở nên mạnh mẽ hơn, số hồ sơ các em dự thi vào nhóm ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cũng là tất yếu vì nhiều lẽ: Nếu chọn ban C, học sinh có rất ít cơ hội chọn lựa ngành nghề vì số lượng trường ĐH, CĐ đào tạo không nhiều. Sinh viên tốt nghiệp ngành thuộc khối C khó kiếm việc làm kéo theo mức thu nhập không cao sau khi ra trường.

Xu hướng này ngày càng thể hiện rõ nét khi ở Trường THPT Gia Định không có lớp chuyên C vì số học sinh đăng ký quá ít, không đủ để mở lớp.
Nhiều giáo viên nhận định xu hướng này sẽ càng mạnh mẽ hơn.

ThS Đỗ Văn Bình, Khoa Xã hội học Trường ĐH Văn Hiến cho biết: Tại TPHCM, từ năm thứ hai triển khai chương trình học phân ban đã xuất hiện nhiều trường không có học sinh chọn ban KHXH-NV nên không ít trường đã xóa sổ ban này từ năm học 2009-2010. Số học sinh THPT học ban KHXH-NV trên cả nước  trong năm học 2006-2007 đạt 6,41% nhưng chỉ sau 2 năm, tỷ lệ này giảm xuống còn 2%. Riêng tại Hà Nội, năm 2010 chỉ có 5,2% học sinh nộp hồ sơ dự thi khối C, trong khi khối A chiếm 55,4%, khối D là 21,5% và khối B là 13,4%.
 
Báo động đỏ

Năm 2010, Phòng tuyển sinh Bộ GD - ĐT phía Nam nhận gần 25.000 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ nhưng trong đó chưa tới 1.200 hồ sơ khối C (giảm khoảng 50% số hồ sơ so với năm 2009). Trong khi đó, số hồ sơ đăng ký dự thi khối C năm 2008 là 3.298 hồ sơ. Và thực tế này đã dẫn đến số lượng sinh viên vào học những ngành khối C giảm dần qua những năm gần đây.
 

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở Văn phòng tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TPHCM chiều 14-4. Ảnh: T.HÙNG

Một trong những dẫn đầu cả nước về bề dày đào tạo những ngành KHXH-NV là Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng không thể tránh khỏi nguy cơ thiếu người giỏi theo học. Nếu như năm 2008 trường này có tới 17.466 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng đến năm 2009 chỉ còn 12.947 và năm 2010 là 12.752 hồ sơ.

Đáng nói hơn, nhìn lại thực tế tuyển sinh của Trường ĐH KHXH-NV những năm gần đây sẽ phản ảnh rõ việc những ngành KHXH-NV đang giảm sức hút với người học. Nhiều ngành, trong đó có cả những ngành truyền thống như Tâm lý học, Xã hội học, Triết học… trường phải xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Năm 2009 có 9 ngành phải xét tuyển NV2 thì năm 2010 lại tăng lên thành 12 ngành.

Trong khi đó, việc xét tuyển NV2 đối với Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) được xem như xưa nay hiếm nhưng trong mùa tuyền sinh ĐH-CĐ năm 2010 đơn vị này phải thông báo dành hơn 100 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho các ngành Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Thông tin thư viện… Trong khi đó, đối với những trường ngoài công lập có đào tạo ngành KHXH (tâm lý học, xã hội học…) phải liên tục đóng cửa vì không có người học.
 
TS Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc Gia TPHCM) cho biết: Các cơ sở đào tạo phải tự cứu lấy mình bằng việc rà soát lại chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy… phù hợp với nhu cầu thực tế để hút thí sinh nhưng xem ra điều này vẫn chưa phải là một hấp lực.

THANH HÙNG - TIÊU HÀ

 

Theo đánh giá chung, so với năm 2010, lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh nhìn chung giảm. Điều này được nhiều cán bộ tuyển sinh lý giải là do Bộ GD-ĐT quy định thu gộp cả lệ phí đăng ký và lệ phí dự thi vào một lần thay vì thu trước khoản lệ phí đăng ký còn lệ phí dự thi thu sau như trước đó. Mặt khác, công tác tư vấn tuyển sinh cũng ngày càng được trường triển khai mạnh mẽ nên sự lựa chọn của thí sinh ít cảm tính hơn.
 
Ghi nhận chung tại các trường THPT ở Hà Nội cho thấy, thí sinh vấn đổ xô vào các nhóm ngành kinh tế. Học sinh chủ yếu chọn thi khối A, vào nhóm ngành kinh tế...  Một điểm đáng mừng nổi lên là nhiều thí sinh đã biết lượng sức mình, lựa chọn thi vào trường địa phương. Ban tuyển sinh Trường THPT An Dương – Hải Phòng cho biết, trong số trên 900 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) trường nhận được thì chỉ có trên 50 hồ sơ học sinh ĐKDT vào các trường ở Hà Nội, còn lại hầu hết là trường đóng trên địa bàn.
 
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ hôm nay đến 21-4, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp tại các trường ĐH-CĐ dự thi. Như vậy, các em sẽ có thêm một tuần nữa để lựa chọn trường phù hợp với mình.

 

                                                                      Theo SGGP

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục