Mùa tuyển sinh 2011, phổ điểm môn Sử được coi là thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Có nhiều lý do để xã hội đánh giá quá trình giảng dạy môn Sử có vấn đề nhưng nếu chỉ đơn thuần nhìn từ việc điểm thi thấp liệu đã thuyết phục?

Một giảng viên của một trường ĐH thẳng thắn chia sẻ: “Nếu việc dạy phổ thông có vấn đề thì điểm môn Sử các năm trước đó cũng phải thấp, việc xảy ra sự đột biến bất thường ở điểm thi môn học này ở kì thi tuyển sinh năm 2011 cần đánh giá một cách khách quan. Từ khâu đề thi, đáp án cho đến chất lượng thí sinh dự thi đầu vào”.

Từ những băn khoăn về góc độ đánh giá của dư luận xã hội, Dân trí đã có một cuộc trao đổi cởi mở với GS.TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đề thi và đáp án đều có vấn đề?

Phóng viên: Thưa GS, vấn đề điểm thi môn Sử thấp chúng ta khoan hãy bàn đến phương pháp dạy ở bậc phổ thông. Nguyên nhân điểm thi thấp có thể xuất phát từ việc ra đề thi khó hoặc chưa chuẩn dẫn đến thí sinh hiểu lầm. Vậy GS có thể đánh giá tổng quát về đề thi ĐH môn Lịch sử năm 2011 so với các năm trước?

GS-TS Đỗ Thanh Bình: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi và đáp án môn Lịch sử thì cả thầy cô công tác ở bậc ĐH và phổ thông đều sửng sốt, ngỡ ngàng và họ phản ứng. Có thầy cô dạy rất tâm huyết ở bậc phổ thông sau khi xem đáp án đã gọi cho tôi tâm sự: “Thầy ơi, đề ra như thế này công sức của chúng em đổ xuống biển hết rồi”.

Chúng ta hãy nhìn nhận lại kết quả thi tuyển sinh năm 2010, khi đề ra chuẩn thì kết quả môn Sử năm này tương đối khá. Chẳng lẽ sau 1 năm, khi kết quả môn Sử tụt dốc bất thường thì xã hội lại “đá quả bóng” cho rằng việc dạy ở bậc phổ thông có vấn đề? Tôi nghĩ đây là một quan điểm sai lầm và không khách quan.

Nói như vậy có nghĩa là theo GS đề thi môn Sử năm nay có rất nhiều “sạn”?

Đúng như vậy. Không chỉ đề thi mà ngay cả đáp án của Bộ GD-ĐT cũng có vấn đề. Ở đây tôi xin phân tích lướt qua 3 câu hỏi đầu trong đề thi so với hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT.
 

"Đề thi và đáp án nhiều "sạn" sẽ khiến cho nhiều thí sinh trượt ĐH một cách oan ức" - GS.TS Đỗ Thanh Bình


 

Câu 1: Phân tích nguyên nhân đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Tôi thiết nghĩ đây là một câu hỏi không chuẩn dễ làm thí sinh hiểu lầm và lạc hướng. Ở đây chúng ta nên dùng là “Phân tích bối cảnh đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành” thì câu hỏi mới là chuẩn. Cụm từ “nguyên nhân” thường hay gắn liền với cuộc khởi nghĩa, thành công hay thất bại của một cuộc cách mạng…

Với đề thi như vậy nên các em cứ đi tìm nguyên nhân chứ không trình bày bối cảnh. Trong khi đó đáp án của Bộ lại là trình bày bối cảnh. Thực tế chấm thi cho thấy, các em cứ cố gắng đi tìm nguyên nhân và đưa ra những tình tiết khá “hài hước” như do quê của Nguyễn Tất Thành nghèo quá nên đã sang Pháp hay do gia đình của Nguyễn Tất Thành có người làm quan… tôi nghĩ với câu hỏi nêu ra nên việc các em trả lời như vậy là điều tất yếu và là người chấm thi chắc hẳn ít có ai có thể trách các em được.

Câu 2: Luận cương chính trị tháng 10 - 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam? Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 - 1945?

Đây là một câu hỏi không sai nhưng nó lại quá cao đối với học sinh phổ thông (HSPT) và đáp án lại không chuẩn. Với câu hỏi như vậy trước hết tôi phải nhấn mạnh là người ra đề không hiểu rõ trình độ HSPT.

Về mặt đáp án vì sao lại không chuẩn? Ý thứ nhất của câu hỏi là so sánh thì trong đáp án chỉ đưa ra hai ý nhận xét. Như chúng ta đã biết khi nói đến so sánh thì cần có dữ kiện để đối chiếu sau đó mới rút ra nhận xét. Như vậy đáp án của Bộ không đủ ý.

Trong khi đó, giám khảo chấm thi phải tuân thủ hướng dẫn chấm của Bộ dẫn đến tình trạng nhiều em lập bảng so sánh đều không có điểm. Mà rõ ràng cách làm của các em như vậy mới đúng.

Chưa dừng lại ở đó, ở ý thứ 2 của đề thì đáp án hoàn toàn sai. Trong khi đề yêu cầu những vấn đề đó được giải quyết như thế nào thì đáp án lại đưa ra chủ trương giải quyết của Đảng qua các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 - 1939 và tháng 5 - 1941.

Rõ ràng câu hỏi một đằng, đáp án của Bộ lại trả lời một nẻo. Ở đây câu hỏi là giải quyết thì thí sinh cần phải trình bày từ công tác chuẩn bị của Đảng đến khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhưng khi thí sinh làm như vậy thì đối chiếu với đáp án của Bộ lại không có điểm.

Câu III: Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 - 1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Đây là một câu hỏi gây nhiều tranh luận nhất. Nguyên tắc ra đề thi là không được để cho học sinh hiểu nhiều cách khác nhau nhưng ở câu hỏi này lại hoàn toàn trái ngược lại. Đây là cái sai của người ra đề.
 

Điểm thi thấp đổi lỗi cho thầy cô và SGK là một lối mòn tư duy cần được loại bỏ?


 

Hầu hết các thầy công tác ở bộ môn Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và kể cả giáo viên phổ thông khi đọc câu hỏi này đều đưa ra đáp án là sự kiện Điện Biên Phủ trên không năm 1972 mới là đúng thì đáp án của Bộ lại là sự kiện ký kết Hiệp định Paris. Ở đây chúng ta phải nhìn nhận khi đề có cụm từ “bằng thắng lợi nào” thì học sinh chỉ nghĩ đến thắng lợi quân sự, thắng lợi chiến dịch…

Rất nhiều em đã trả lời là sự kiện Điện Biên Phủ trên không năm 1972, theo quan điểm của tôi thì câu trả lời này mới đúng với câu hỏi của đề bởi trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (chương trình Chuẩn – đây là tài liệu cơ bản và chuẩn của cả giáo viên và học sinh) ghi rõ: “Điện Biên Phủ trên không” là trận thắng quyết định của ta, buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc (15/1/1973) và kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973) (trang 185)….

Tôi phải thú thực thế này, năm nay các thầy cô chấm thi rất nhanh bởi vì khi thấy nói Điện Biên Phủ trên không hay Tổ chức liên hợp quốc (câu số 4)…đều cho 0 điểm vì sai với đáp án của Bộ.

Nhưng thưa GS, trong quá trình chấm thi nếu phát hiện đáp án có vấn đề thì các Hội đồng hoàn toàn có thể kiến nghị lên Bộ GD-ĐT để ý kiến chỉ đạo. Vậy tại sao trường lại không thực hiện việc này?

Hiện nay không làm được việc này bởi trường ấn cho giám khảo chấm thi một bản hướng dẫn chấm của Bộ cùng với thông điệp: “Chấm theo đề và đáp án của Bộ GD-ĐT, không có thảo luận”. Lâu nay chúng ta vẫn chấm theo đáp án của Bộ và không có thảo luận và coi đó là chuẩn (từ khi tồn tại “3 chung” đến nay - PV).

Như chúng ta đã trao đổi ở trên, rõ ràng đề thi môn Sử có rất nhiều “sạn”, tuy nhiên nếu nhìn qua kết quả tuyển sinh của các trường thì không ít em vẫn đạt điểm cao (từ 8 điểm trở lên). Theo GS là do đâu?

Theo đánh giá của tôi thì những em mà hiểu đúng đề thi điểm sẽ thấp, còn những em “ăn may” thì mới đạt điểm cao bởi vì câu hỏi nêu ra lại có nhiều cách trả lời nên sẽ có em rơi vào đúng đáp án của Bộ.

Ngành xã hội “ế ẩm” - chất lượng thí sinh dự thi thấp?

Chúng ta có thể nhận thấy, những năm trở lại đây số thí sinh đăng ký vào các ngành xã hội ngày càng ít. Hầu hết các em có thực lực đều chuyển hướng theo đuổi các khối thi A, D và B. Như vậy chất lượng thí sinh dự thi khối C đang có xu hướng thấp dần nên dẫn đến điểm thi cũng thấp theo. GS đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Trong 2-3 năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký dự thi khối C rất ít. Như trường ĐH Sư phạm Hà Nội trước kia chấm thi đến cả vạn bài thì năm nay chỉ còn 3.500.

Xu thế hiện nay các em đi vào các ngành thời thượng như Công nghệ thông tin, Tài chính-Ngân hàng… và quan trọng hơn các em tính cái đầu ra có thu nhập cao. Trong khi đó đối với các ngành xã hội thì xin việc đã khó, lương lại cực thấp. Tôi thừa nhận có nhiều em không có khả năng dự thi các khối kia nên đầu đơn khối C để tìm kiếm cơ hội nhưng cũng có em thực sự tâm huyết dù là không nhiều.

Tôi nghĩ vấn đề này không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Xã hội cần phải điều chỉnh dần để tạo ra sự cân đối giữa các ngành nghề cũng như mức thu nhập.

Xin cảm ơn GS.
 
 
                                                                          Theo Dantri

Các tin khác


Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục