Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam được đầu tư ngân sách nhiều nhất thủ đô, vậy mà phụ huynh vẫn phải nộp hàng triệu đồng tiền quỹ lớp - Ảnh: Ngọc Thắng
Trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT khẳng định quyết tâm “chấm dứt lạm thu”. Tuy nhiên, sau buổi họp phụ huynh đầu tiên của năm học này, khắp nơi phụ huynh đều kêu trời vì các khoản tiền trường ngoài quy định.
Hàng triệu đồng tiền quỹ lớp
Một phụ huynh có con học lớp 11 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ngao ngán thốt lên: Trong khi học phí và cả phụ phí nhà trường thu có hơn 800.000 đồng, thì ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thu quỹ phụ huynh hơn 2 triệu đồng cho học kỳ 1 (trượt giá nên tăng 20% so với năm trước).
Theo tính toán của vị phụ huynh này, tổng cộng một lớp như vậy sẽ thu được hơn 70 triệu đồng để ban đại diện cha mẹ học sinh chi tiêu trong một học kỳ. Tại buổi họp phụ huynh, cũng có một số người tỏ vẻ không đồng tình nhưng cuối cùng thiểu số vẫn phải phục tùng đa số.
Yêu cầu báo cáo rõ thu - chi Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ký công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo số liệu thu chi năm học 2011-2012. Trong đó yêu cầu liệt kê đầy đủ các khoản thu (theo quy định, thu hộ chi hộ, các khoản thu theo thỏa thuận, thu tự nguyện...); mức thu của một học sinh và tổng số thu của một năm học, tổng số tiền mỗi học sinh phải nộp/năm học. Đặc biệt, phải nêu rõ tiền quỹ của hội phụ huynh của mỗi trường, người quyết định việc thu, mức chi, tổng số tiền thu được, người quản lý, các khoản chi từ quỹ hội phụ huynh học sinh mỗi trường. TUỆ NGUYỄN |
Điều đáng nói, việc thu quỹ lớp cao như vậy không phải là trường hợp cá biệt ở một lớp. Một phụ huynh có con học lớp khác của trường cho biết: cả tiền quỹ lớp và quỹ trường “tạm thu” là 2,5 triệu đồng. Có gia đình 2 cháu sinh đôi đóng 1 lượt là 5 triệu đồng. Ban đại diện cha mẹ học sinh giải thích, trường còn mới, thiếu thốn nhiều thứ, phụ huynh phải chia sẻ. Ví dụ, mua thêm 10 cái quạt, điều hòa, tiền cây xanh cho nhà trường...
Trong khi đó, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là trường được đầu tư ngân sách lớn nhất thành phố, ngoài việc cơ sở vật chất được xây dựng hiện đại theo chuẩn quốc tế thì mỗi học sinh của trường được thành phố đầu tư 15 triệu đồng/năm học.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trọng Tuấn, Phó hiệu trưởng cho biết: nhà trường chưa biết thông tin về việc thu tới 2 - 2,5 triệu đồng tiền quỹ lớp đối với một học sinh. “Nếu đúng như vậy thì số tiền là quá lớn trong khuôn khổ quỹ phụ huynh của một lớp. Trường không có chủ trương thu tiền của phụ huynh để trang bị điều hòa cho lớp học. Bất cứ lớp nào đề xuất việc này đều không được chấp nhận”.
Trả lời câu hỏi về việc nhà trường được đầu tư ngân sách lớn như vậy mà tại sao các lớp vẫn phải thu tiền để mua quạt, ông Tuấn cho rằng: mỗi lớp đã được lắp 4 chiếc quạt điện nhưng phụ huynh các lớp vẫn kêu chưa đủ mát và muốn tự lắp thêm.
Theo ghi nhận của PV, việc lạm thu không chỉ ở các thành phố lớn mà các huyện miền núi, nông thôn, tình trạng này cũng diễn ra không kém phần bức xúc. Thay vì thu “một cục” lớn, các trường “vẽ” ra rất nhiều khoản thu khác nhau. Điều đáng nói là các khoản thu đã bị cấm thu của phụ huynh (vì ngân sách Nhà nước đã cấp) như tiền xây dựng, xây dựng tủ sách dùng chung vẫn được công khai thông báo thu của học sinh.
Chấn chỉnh "lạm thu" tiền trường Chuyên trang Nhịp sống miền Trung trên Báo Thanh Niên số ngày 29.8, có bài "Bạc mặt" với tiền trường phản ánh các khoản thu trái quy định đang được các trường học trên địa bàn Thừa Thiên-Huế lạm thu trong đầu năm học mới. Ngày 12.9, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, TP Huế hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thực hiện việc thu học phí, các khoản chi phí liên quan của học sinh trong năm học 2011-2012, đúng quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế kiểm tra các khoản huy động đóng góp "tự nguyện" để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm từ thiện, xã hội; chỉ đạo các địa phương thực hiện thu các khoản này phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện; không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng. Rà soát, bãi bỏ ngay hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định. BÙI NGỌC LONG |
Trường THCS Lê Văn Thiêm (H.Đức Thọ, Hà Tĩnh): Tiền xây dựng (dao động từ 260.000 đến 320.000 đồng tùy từng cấp học), hỗ trợ dạy và học (100.000 đồng), quỹ khuyến học (50.000 đồng), bảo vệ (50.000 đồng), vệ sinh - điện nước (50.000 đồng), xây dựng tủ sách dùng chung (30.000 đồng), đồng phục (dao động từ 69.000 đến 126.000 đồng), bảo hiểm thân thể (40.000 đồng), bảo hiểm y tế (210.000 đồng), quỹ Đội - Chữ thập đỏ (30.000 đồng), quỹ hội phụ huynh (20.000 đồng), quỹ lao động học sinh (50.000 đồng), quỹ y tế học đường (10.000 đồng), học phí (mỗi tháng 35.000 đồng).
Học thêm, phụ đạo: tiền!
Một phụ huynh có con học lớp 6 một trường THCS danh tiếng ở Hà Nội cho biết: Tại buổi họp phụ huynh, bước vào lớp đập vào ngay mắt là tấm bảng đen liệt kê đủ các loại tiền. Giáo viên chủ nhiệm kể lể nào là các cháu lớp 6 đầu cấp yếu kém về cả đạo đức lẫn văn hóa do cách dạy của cấp tiểu học, do Bộ GD-ĐT bỏ thi chuyển cấp..., vì vậy nhà trường phải tổ chức các lớp học thêm, rồi đưa ra danh sách lớp để từng phụ huynh ký xin cho con mình được học thêm và bản dự thảo thu tiền học thêm do ban giám hiệu đề nghị mỗi môn 200.000 đồng/tháng. Theo tính toán sơ bộ của phụ huynh, chỉ học thêm những môn chính thì một tháng đã mất 800.000 đồng/học sinh.
Còn ở trường THPT Nguyễn Trãi (H.Thường Tín, Hà Nội), khoản học thêm được ghi rõ ràng 2.160.000 đồng/năm học. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng lý giải, trường có thu tiền học thêm nhưng là tự nguyện, ai đăng ký học mới thu với mức 4.000 đồng một tiết học thường và 5.000 đồng một tiết học nâng cao.
Còn một phụ huynh có con đang học lớp 7 tại trường THCS Khương Thượng (Q.Đống Đa) cho hay, mỗi tuần cháu phải đi học phụ đạo 3 buổi với mức học phí 700.000 đồng/tháng (do nhà trường tổ chức). Nếu học phụ đạo thì chỉ với những học sinh yếu kém thôi, đằng này lớp có 24 học sinh thì cả 24 học sinh phải đi học.
Tương tự, ngoài việc nâng tiền học phí, trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) còn tổ chức thu tiền bồi dưỡng yếu kém 7.000 đồng/buổi, học kỳ I là 39 buổi (273.000 đồng). Phụ huynh cho biết, hầu hết các học sinh trong trường đều tham gia “bồi dưỡng” yếu kém, trong đó có cả học sinh khá, giỏi.
Theo Báo Thanhnien
Đợt xét tuyển NV2 vào các trường ĐH, CĐ năm nay đã xảy ra không ít lộn xộn ở các trường, làm mất công bằng trong tuyển sinh. Đáng nói, sự việc bắt nguồn từ những quy định có nhiều mâu thuẫn của Bộ GD-ĐT.
Giao thông ở Hà Nội cũng như TPHCM sẽ ngày càng tắc bởi việc chậm di dời các trường ĐH ra khỏi nội đô, trong khi nhu cầu mua nhà ở thành phố cho con học đại học của các gia đình lại ngày càng tăng.
Nhằm khuyến khích các học sinh từ 12 - 18 tuổi trên toàn quốc học tiếng Anh, cuộc thi tiếng Anh “Kỹ năng ngoại hạng” đã được khởi động.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, huyện Lương Sơn đã mở 4 lớp dạy nghề, chuyển đổi nghề cho 120 học viên. Học viên chủ yếu là lao động nông thôn thuộc địa bàn các xã Long Sơn, Cao Thắng, Trung Sơn.
Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn đã được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Vấn đề đặt ra là tỉnh Hà Giang phải làm gì và làm như thế nào nhằm khai thác và bảo tồn giá trị tiềm năng của cao nguyên đá Ðồng Văn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái nơi đây.
Sau khi hết thời hạn thí sinh (TS) được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 (ngày 10-9) vào các trường ĐH, CĐ, nhiều trường cho biết lượng hồ sơ rút ra không lớn. Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã thống kê được 2.079 hồ sơ nộp vào, có 54 TS rút hồ sơ tính đến ngày 9-9.