Bộ GD&ĐT chủ trương khuyến khích học sinh trường tiểu học dạy hai buổi/ngày để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp, nhưng nhiều phụ huynh cho biết, họ mua thêm một bộ sách khác để rèn con tự học.

Học sinh tiểu học ở nhiều thành phố lớn phải mang cặp sách nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Học sinh tiểu học ở nhiều thành phố lớn phải mang cặp sách nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đổi trường học, tránh bệnh thành tích

Mặc dù có con đang học ở một trường công thuộc loại có tiếng ở quận Đống Đa nhưng cách đây 2 năm chị T. (khu chung cư Bắc Linh Đàm) vẫn quyết định chuyển con về học ở một trường tư gần nhà- trường Tiểu học Bill Gate.

Chị T. giải thích: “Trường công nặng bệnh thành tích nên áp lực học hành căng lắm. Còn trường Bill Gate, chủ trương tạo cảm giác hạnh phúc cho học sinh khi đi học, nghĩa là chú trọng giáo dục toàn diện, không chỉ chăm chăm vào việc dạy chữ”.

Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không hoàn toàn như chị T. mong đợi. Sau khi học cả ngày ở trường, học sinh để lại trong lớp tất cả sách giáo khoa và đồ dùng học tập nhưng các em vẫn được giao bài tập về nhà. “Mỗi ngày cô ra 2 bài tập trong cuốn vở toán tăng cường”. Chị T. cho biết. Để có thể kèm con học, chị T. phải mua thêm 2 cuốn sách giáo khoa là Tiếng Việt và Toán.

Theo quan sát của nhiều phụ huynh, các trường tiểu học ngoài công lập là những trường tiên phong trong việc giảm tải học hành cho học sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp lực bệnh thành tích, đến nay rất ít trường kiên trì thực hiện được quan điểm giáo dục học tập nhẹ nhàng.

Cháu A., một học sinh lớp 3 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm kể: “Sách giáo khoa và vở ghi, vở bài tập cháu đều được để lại trong tủ trên lớp. Mỗi ngày cháu chỉ mang về những cuốn vở bài tập phải làm hôm đó theo phiếu dặn dò của cô. Hôm nay thì còn có cả phiếu bài tập cuối tuần nữa”.

Giáo viên “chiều” phụ huynh?

Theo một lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, chủ trương của Bộ là khuyến khích những trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày nếu có điều kiện tổ chức cho học sinh để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp. Ngoài ra, những trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày cho học sinh thì giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tập trong giờ học trên lớp, sử dụng có hiệu quả các tài liệu bổ trợ, không giao bài tập về nhà cho học sinh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, Sở này cũng chỉ đạo các trường tiểu học yêu cầu giáo viên không ra bài tập về nhà cho học sinh nếu đã tổ chức dạy 2 buổi/ ngày nhưng trên thực tế nhiều cô giáo vẫn không thực hiện.

Được biết, một số trường tiểu học cả công lập lẫn ngoài công lập thực hiện khá nghiêm yêu cầu trên. Chị H. có con học lớp 3 trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình cho biết: “Lớp con tôi tuyệt nhiên không có phiếu bài tập về nhà, chỉ thi thoảng cô giáo có ra bài ôn tập vào dịp chuẩn bị thi học kỳ”.

Nhiều trường khác như Tiểu học Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm; Tiểu học Lê Quý Đôn (tư thục), huyện Từ Liêm; Tiểu học Lý Thái Tổ (tư thục), quận Cầu Giấy... cũng được phụ huynh cho biết gần như mọi bài tập cô giáo đều cho học sinh làm ngay tại lớp trong buổi học
thứ hai.

Tuy nhiên, số trường để giáo viên vi phạm vẫn là phổ biến. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc giáo viên cố tình vi phạm quy định của ngành phần nhiều do áp lực từ phụ huynh. “Ra bài tập cho học sinh nghĩa là giáo viên phải thêm việc, vì họ phải kiểm tra và chấm bài tập cho học sinh. Nhưng nếu không ra thì phụ huynh có ý kiến”, hiệu trưởng một trường tiểu học quận Hoàn Kiếm cho biết.

Về nhận định này, nhiều phụ huynh cũng đồng tình. Một phụ huynh khác có con học lớp 1 trường Tiểu học Phúc Đồng quận Long Biên kể: “Đầu năm khi họp phụ huynh cô giáo có hỏi ý kiến phụ huynh, có nên ra bài tập cho các con không. Đa số phụ huynh đều đồng ý”.

Theo các phụ huynh, ra bài tập cho con ở nhà là để rèn cho con nếp sinh hoạt tốt. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng nhiều bố mẹ đã sai lầm khi cứ cho rằng phải bắt con học mới quản được con, rèn được con.

 

                                                                  Theo Báo TienPhong

Các tin khác


Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục