Trụ sở của Trung tâm luyện thi cao học TENs cũng là một quán cà phê.
Hàng loạt khóa luyện thi cao học cấp tốc, luyện thi “VIP”, thậm chí cả luyện thi “đảm bảo đậu” nhộn nhịp chiêu sinh để đón đầu kỳ thi tuyển sinh cao học của các trường trong năm 2012.
Các khóa kể trên mở ra để “huấn luyện” thí sinh từ 1-5 tháng ở các môn tiếng Anh, kinh tế học, xác suất thống kê, toán kinh tế, toán kỹ thuật... cũng như “mẹo” làm bài thi vào các chương trình đào tạo thạc sĩ tại TP.HCM, chương trình liên kết đào tạo cao học ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Học phí của các khóa này từ 2-8 triệu đồng.
Từ “đảm bảo đậu”
Trong số những “lò” luyện thi cao học đang rầm rộ chiêu sinh, mạnh miệng nhất phải kể đến Trung tâm luyện thi cao học TENs (36 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.HCM) khi tung ra “lớp đảm bảo đậu”. Nhân viên trung tâm này cũng không ngần ngại tư vấn “giảng viên nằm trong ban ra đề” khi thí sinh đến tìm hiểu, đăng ký.
“Thế mạnh của trung tâm là đảm bảo vào những trường có đông thí sinh dự thi cao học như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (gần 9.000 thí sinh - PV) và ĐH Mở TP.HCM (2.000 thí sinh), còn những trường khác do ít thí sinh thi nên chưa phải thị trường mà trung tâm nhắm đến. Tuy nhiên, nếu đăng ký theo nhóm 10 học viên trở lên, thỏa thuận giá cả hợp lý, trung tâm sẽ liên hệ với giảng viên để mở lớp” - người quản lý TENs nói.
Trong khi đó, như để củng cố niềm tin cho thí sinh, một số “lò” luyện đã nhanh chân đưa ra “Những điều cần biết khi thi cao học các trường”. Tài liệu này phân tích chi tiết hình thức thi các năm, “mức độ ổn định trong đề thi” (70-95%) của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Tài chính - marketing, ĐH Kinh tế - luật, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng... Dựa vào “mức độ ổn định” này, các “lò” sẽ tập trung hướng dẫn thí sinh kỹ thuật làm bài thi nhanh, giải bài tập chuyên đề cũng như “mẹo” để làm bài thi cao học của từng trường.
“Hệ thống luyện thi cao học kinh tế TP.HCM” (trụ sở tại Q.3) cũng đang rầm rộ chiêu sinh những khóa ôn thi cao học tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thí sinh khi tham gia các khóa luyện thi của hệ thống này tại Bình Dương, Đồng Nai được thông báo sẽ miễn phí đề cương ôn tập, hồ sơ dự thi, bì thư và cả một... giấy khám sức khỏe (được các bác sĩ Bệnh viện 7B đến lớp học khám và cấp giấy).
Đến bí mật làm ăn
Khá ngạc nhiên với “luyện thi đảm bảo” của Trung tâm TENs, chúng tôi tìm đến “lò” thì đây là địa điểm của một quán cà phê mang tên “Hội quán kinh tế” (hay còn gọi là Master’s Coffee) nằm trong một con hẻm gần hồ Con Rùa (Q.3). Quản lý trung tâm, ông Hồ Châu Thiên Trường (hiện đang học cao học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), giải thích: “Đảm bảo đậu là hai bên (trung tâm và người học - PV) có cam kết với nhau. Học viên phải đi học đều, làm đủ các bài tập trung tâm ra. Hai bên đồng ý sẽ ký cam kết đạt số điểm nhắm để đậu. Nếu học viên không đạt thì tùy theo mức độ sẽ trả lại học phí. Chẳng hạn hai môn dưới 10 điểm sẽ hoàn lại 100% học phí”.
Thực tế, theo một số thí sinh từng luyện thi tại TENs, học viên lớp “đảm bảo” sẽ học từ bốn tháng đến bốn tháng rưỡi. Suốt thời gian này, học viên sẽ được “cầm tay chỉ việc” để luyện đi, luyện lại các dạng đề thi thường ra những năm trước. “Đề thi cao học các năm thường theo một “bộ khung”, giảng viên chú trọng vào đó để luyện thật kỹ cho học viên. Trung tâm cũng mời những người đạt điểm cao tại các kỳ thi cao học kèm cặp thêm những “bí kíp” khi làm bài thi cho thí sinh” - một học viên nói.
Tuy nhiên, một học viên tính toán: “Một lớp “đảm bảo” có 19 học viên, mỗi học viên đóng 8 triệu đồng. Chỉ riêng khóa “đảm bảo”, Trung tâm TENs sẽ thu được 152 triệu đồng/khóa. Với mức thu như vậy, nếu phải trả lại tiền cho một vài học viên không đạt thì trung tâm vẫn lãi lớn”. Và chính ông Trường cũng thừa nhận: “Đảm bảo cũng là con dao hai lưỡi, nếu có gì đó trả tiền lại là lỗ mệt luôn”. Đây là khóa thứ hai Trung tâm TENs nhận “đảm bảo” nhưng khi hỏi về tỉ lệ đậu của khóa trước, ông Trường từ chối vì “đó là bí mật làm ăn”.
Đem thông báo chiêu sinh “đảm bảo đậu” đến phòng quản lý đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì PGS.TS Nguyễn Văn Sĩ - trưởng phòng - khá bất ngờ. Ông Sĩ nhận định: “Việc chiêu sinh “đảm bảo đậu” chỉ là hình thức thu hút người học bởi không có cơ sở nào để đảm bảo đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Việc chiêu sinh như thế có thể khiến người học ngộ nhận có “luồng trong, luồng ngoài”.
Ông Sĩ cũng cho biết quy trình ra đề thi tuyển sinh cao học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là đề “nóng” chứ không phải đề “nguội”. Nghĩa là tới ngày làm đề thi, hiệu trưởng mới quyết định thành lập ban ra đề. Những người có phụ đạo, hướng dẫn ôn luyện thi cả trong và người trường đều không được tham gia ban này. Ban ra đề thi sẽ ở trong khu vực cách ly có giám sát của công an, bảo vệ từ khi bắt đầu làm đề đến khi kết thúc 2/3 thời gian thí sinh làm bài thi. Tương tự, tiến sĩ Phan Văn Thăng - trưởng phòng đào tạo sau ĐH Trường ĐH Tài chính - marketing - cũng cho rằng “không ai có thể khẳng định luyện thi là đậu cả”.
Bất cập tuyển sinh
Nhiều người từng luyện và thi cao học cho rằng cách tuyển sinh của các trường đang tạo cơ hội cho các khóa luyện thi bùng phát. Học viên cao học Trương Thị Ái Vi nhận định: “Theo tôi tìm hiểu, cấu trúc và nội dung đề thi cao học ở nhiều trường hằng năm không khác nhau lắm. Sau khi thông báo chiêu sinh, trường sẽ công khai đề cương ôn tập cho thí sinh. Một số nơi bám vào đề cương, nghiên cứu mức ổn định của cấu trúc, nội dung đề thi những năm trước đó để tổ chức luyện thi. Thực tế có môn tôi luyện ở trung tâm trùng với dạng đề thi từ 70-80%. Có thể kiến thức trung tâm dạy không nhiều lắm nhưng khi luyện sẽ tránh được những “bẫy” trong đề. Điều này dẫn đến nghịch lý là phải luyện để thi nhưng thi xong thì...quên hết”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng mục đích của đào tạo sau ĐH là để lựa chọn những người có đủ tố chất tham gia nghiên cứu khoa học ở một chuyên môn sâu. Tuy nhiên, cách tuyển sinh cao học hiện nay ở các trường chủ yếu đưa ra những tiêu chí lựa chọn mà người học phải luyện thi, phải thuộc lòng chứ chưa bộc lộ được những tố chất chuyên ngành chuyên sâu đòi hỏi.
Nên xét tuyển Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Trường ĐH New South Wales, Sydney, Úc), ở nhiều nước như Úc, Anh, Mỹ, Canada... không thi tuyển sinh cao học. Mỗi năm, trường thông báo những chương trình đào tạo và người học sẽ điền vào mẫu đơn xin vào học. Trường chọn học viên dựa trên tiêu chí học lực ở bậc cử nhân, nguyện vọng cá nhân và phỏng vấn xem người xin học có thật sự phù hợp với chương trình đào tạo thạc sĩ đó hay không và ra quyết định nhận. “Tôi nghĩ hình thức tuyển sinh này hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam. Ở Thái Lan cũng áp dụng hình thức này. Cao học là chương trình đào tạo chuyên viên làm việc trong những chuyên môn hẹp. Chúng ta cần nhiều người học cao học thì tại sao lại hạn chế họ. Tuy nhiên, khi đào tạo thì phải nghiêm túc” - giáo sư Tuấn nói. |
Theo TuoiTre
9 năm nay, trẻ ở Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) phải học trong môi trường hôi nồng nặc bốc lên từ bãi rác và trại cá sấu. Ngay cả đường vào trường cũng phải đi nhờ của trại nuôi cá sấu.
Ngày 16/12, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo "Báo cáo kết quả nghiên cứu tình hình thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên."
Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2009 đến 2011 nhiều địa phương trong tỉnh báo cáo số lượng học sinh cao hơn thực tế để hưởng ngân sách phân bổ theo số lượng học sinh.
(HBĐT) - Trong 3 ngày, từ 13- 15/12, tại trường Tiểu học Sông Đà, (thành phố Hòa Bình), Sở GD & ĐT đã tổ chức Hội thi cán bộ quản lý giỏi bậc tiểu học cấp tỉnh năm học 2011 - 2012. 22 thí sinh được lựa chọn từ cấp cơ sở là hiệu trưởng tiêu biểu của các trường trên địa bàn 11 huyện, thành phố đã về dự.
(HBĐT) - Trường THPT Lương Sơn được thành lập tháng 8/1966. Qua những bước thăng trầm gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trường luôn nỗ lực, khẳng định được trong sự nghiệp trồng người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trường vẫn luôn thể hiện được tinh thần vượt khó, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng dạy tốt, học tốt”, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn. Cũng trong suốt 45 năm qua, trường luôn nhận được sự đầu tư, chăm lo, ủng hộ, động viên, khuyến khích của các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh.
Diễn đàn giáo dục toàn cầu lần thứ 7 của Microsoft vừa diễn ra tại thủ đô Washington nước Mỹ, quy tụ gần 800 giáo viên ưu tú từ hơn 75 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam cùng nhau thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc đối thoại mới của giáo dục toàn cầu.