Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, mục tiêu lớn nhất của ngành Y tế là tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân và sự hài lòng của người bệnh...

 

Mới đây, báo chí đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về những kết quả đạt được của công tác y tế trong năm 2016 và mục tiêu trong năm 2017.

Sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không có thẻ BHYT 


- Thưa Bộ trưởng, điều chỉnh giá dịch vụ y tế là vấn đề được người dân rất quan tâm. Năm 2016 giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh đối với người có thẻ BHYT. Vậy, năm 2017, giá dịch vụ y tế có được điều chỉnh với người không có thẻ BHYT và lộ trình điều chỉnh được thực hiện như thế nào?

- Trong năm 2017, mức giá dịch vụ y tế có tiền lương đối với người có thẻ BHYT sẽ được thực hiện tiếp tại 27 tỉnh, thành phố; dự kiến thực hiện vào quý I, đầu quý II/2017.

Đối với đối tượng không có thẻ BHYT, hiện nay vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh BHYT nên nhiều người chưa tham gia BHYT.
 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn.


Theo Nghị định 16 của Chính phủ thì đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ.

Trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: Người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền, khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.

Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

- Như vậy là giá viện phí tiến gần đến việc tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá; tỷ lệ người dân tham gia BHYT cũng ở mức cao (hơn 80%). Bộ Y tế sẽ giám sát các bệnh viện như thế nào để người bệnh không phải nằm ghép cũng như không phải đóng các khoản tiền “khó nói” ngoài viện phí?


- Bộ sẽ thực hiện nghiêm đầy đủ việc kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh giữa cơ sở y tế và cơ quan BHYT; công khai, minh bạch quyền lợi của người có thẻ BHYT để người dân biết và kiểm soát. Đồng thời, Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.

- Nhìn lại năm 2016, theo Bộ trưởng, ngành Y tế có đổi mới gì mang tính toàn diện được xã hội và người dân ghi nhận, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2016 ngành Y tế đạt được một số thành tựu.

Thứ nhất, đề án đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Khảo sát độc lập kết quả ban đầu một số tuyến bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh cho thấy sự hài lòng của người bệnh nhìn chung đạt trên 80%, có bệnh viện đạt trên 90%, kèm theo đó một loạt đề án như xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp, quản lý các dịch vụ từ ngoài vào như bảo vệ, giữ xe… Các dịch vụ đã được củng cố, tiến bộ, từ đó đều hướng sự hài lòng của người bệnh.

Thứ hai, tỷ lệ BHYT bao phủ toàn dân vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tính đến ngày 30/11/2016 có 75.160.311 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 81,3%. 

Thứ ba, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, đưa lương và phụ cấp vào giá dịch vụ đối với đối tượng có thẻ bảo hiểm, giúp quyền lợi người tham gia BHYT tăng lên. Những chi phí trực tiếp như thuốc, dịch truyền, hóa chất, kể cả chi phí phụ cấp của bác sỹ trực, lương đã được đưa vào giá, đến nay đã thực hiện tại 37 tỉnh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế trình Chính đề án thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung thực hiện được Luật đấu thầu và Nghị định đấu thầu, giúp quản lý giá tốt hơn, tránh chênh lệch giá giữa các vùng miền và bệnh viện quá cao, có hình thức mới là đàm phán giá.

Thứ tư, đổi mới toàn diện đào tạo cán bộ y tế gắn với hai đề án về đào tạo đã được Chính phủ phê duyệt, giúp mô hình đào tạo y khoa và chuyên khoa đối với ngành y đặc thù được hội nhập đảm bảo đội ngũ thầy thuốc được đào tạo có chất lượng hơn, hội nhập hơn, rành mạch giữa hệ hàn lâm (lý thuyết và nguyên cứu) và hệ thực hành, kèm theo đó giúp lương khởi điểm của cán bộ ngành y tế nâng so với trước.

Bên cạnh đó, Luật Dược sửa đổi đã đưa ra một loạt đổi mới làm quản lý chất lượng thuốc, giá cả và công nghiệp dược và quản lý dược liệu vừa chặt chẽ hơn vừa hội nhập hơn, đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân an toàn, đủ khắp mọi nơi và giá hợp lý.

Thành tựu nữa là thực hiện đổi mới và kiện toàn bộ máy tổ chức của y tế tuyến huyện. Y tế tuyến huyện giảm bớt đầu mối, hình thành trung tâm y tế hai chức năng là vừa dự phòng vừa điều trị. Trung tâm hai chức năng này vừa đảm bảo khám chữa bệnh vừa chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm. Kể cả một số tuyến tỉnh theo thẩm quyền cũng nhập một số trung tâm thực hiện dự phòng không có giường bệnh thành trung tâm kiểm soát bệnh tật. Những đổi mới này giúp giảm bớt đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

- Công tác nâng cao chất lượng bệnh viện, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã tạo dấu ấn. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá tại các bệnh viện về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế đối với bệnh nhân cho thấy tại một số bệnh viện có cơ sở vật chất tốt nhưng tỷ lệ người bệnh hài lòng lại rất thấp (như tại cơ sở 3, Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng chỉ đạt gần 52%), vì sao thưa Bộ trưởng?

- Để đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 2151 về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế, Bộ đã xây dựng Bộ Tiêu chí với các chỉ số cụ thể, theo đó 30% chấm phần hành chính, còn 70% chấm điểm đánh giá sự hài lòng của người bệnh.

Thời gian qua, khi kiểm tra đột xuất các đơn vị, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Chiến lược và Chính sách y tế tham gia và đánh giá độc lập theo các Tiêu chí chấm điểm. Tại Bệnh viện K, mức độ hài lòng của người bệnh cho kết quả cơ sở 1 lại cao nhất 87,5% và cơ sở 3 là thấp nhất 51,7%.

Tỷ lệ này phản ánh một cách trung thực, khách quan, đúng với thực tế vì có thể có một số lý do sau đây: Cơ sở 1 mặc dù rất chật chội, nhưng sau buổi kiểm tra đột xuất của Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Y tế đã có sự đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh về tổ chức đón tiếp người bệnh, về quy trình khám, điều trị người bệnh. Cơ sở 3 có cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng cách sắp xếp, tổ chức khoa phòng chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người bệnh. Đặc biệt còn tình trạng nằm ghép, đến 4 người bệnh/giường bệnh.

Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là tinh thần thái độ phục vụ, cơ chế “xin-cho”, “mang ơn” của cán bộ y tế, hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh.

Ngoài ra, kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh có thể cũng phụ thuộc một phần vào thời điểm khảo sát, đánh giá, đối tượng được đánh giá, phỏng vấn, mặc dù Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện hoàn toàn ngẫu nhiên, theo cỡ mẫu công thức tính toán khoa học.

Tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân và sự hài lòng của người bệnh

- Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu lớn nhất ngành Y tế đặt ra trong năm 2017 là gì?

- Năm 2017, ngành Y tế đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu lớn nhất là tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân và sự hài lòng của người bệnh.

- Vậy, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ làm gì để công tác nâng cao chất lượng bệnh viện, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng ngày càng được thực hiện tốt hơn?

- Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành Y tế kiên quyết, kiên trì tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 2151; quan tâm đến công tác tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế nhất là đội ngũ bảo vệ, trông xe, thu ngân, điều dưỡng.

Bên cạnh đó, ngành tổ chức các phong trào thi đua, hội diễn văn nghệ, sân khấu hóa nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tạo sân chơi lành mạnh, vui tươi để mọi cán bộ y tế tham gia. Ngoài ra, ngành tiếp tục nâng cấp, tôn tạo, tu sửa, đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị hạ tầng cơ sở khám, chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của bệnh viện-quan tâm nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ y tế.

- Bộ trưởng đang ấp ủ những đột phá gì trong chỉ đạo điều hành để toàn ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong năm tới, thưa Bộ trưởng?


- Thời gian qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố, nhiều tỉnh, thành phố đã đi 2, 3 lần, tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế/bệnh viện huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh và thấy rằng đúng là ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành y tế vẫn còn một số vấn đề sau cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết.

Thứ nhất, hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên.

Thứ hai, mặc dù chúng ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này, chưa nói đến hiện nay là phải nâng cao sức khỏe để hạn chế bệnh tật, tư tưởng có bệnh mới chữa vẫn còn, nhiệm vụ của ngành y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực.

Thứ ba, chúng ta có hệ thống hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã.

Thứ tư, cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh-sạch-đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh.

Thứ năm là bảo hiểm y tế toàn dân: Với một xã hội phát triển thì tôi mong ước rằng mọi người dân đều có BHYT, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do BHYT chi trả. Người nào không có khả năng mua BHYT thì nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua BHYT.

Còn nhiều vấn đề nữa nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm ngay hết được, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đúng phương châm: Chủ trương một, biện pháp mười, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

 

                                                      TheoHanoimoi

Các tin khác

Không có hình ảnh

Khám, chữa bệnh cho 769 nghìn lượt người

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 2.000 giường bệnh tuyến tỉnh, huyện và 110 giường lưu phòng khám đa khoa khu vực, đạt tỷ lệ 23,51 giường bệnh/vạn dân.

Các trường hợp phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

(HBĐT) - Ông Đinh Văn Năm (Lương Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết theo quy định pháp luật, trường hợp nào phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường?

Hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, Hà Nội

Sáng nay, 25-12, tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (địa chỉ tại 219 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra hai trường hợp tử vong do gây mê. Dù đã được cấp cứu nhanh chóng, chuyển ngay đến Bệnh viện Bạch Mai để được xử lý nhưng cả hai bệnh nhân đều không qua khỏi.

Tổng kết công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình năm 2016

(HBĐT) - Ngày 23/12, BCĐ Công tác DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2016. Tới dự Hội nghị có lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các huyện.

Thêm 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2016, trên địa bàn tỉnh có thêm 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (vượt 11 xã so với kế hoạch). Như vậy, tính đến tháng 12/2016, toàn tỉnh có 41% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Ngành BHXH tỉnh - chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ

(HBĐT) - Đồng chí Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (BHXH tỉnh) cho biết: Trong những năm qua, thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), BHXH tỉnh luôn chú trọng thực hiện kế hoạch rà soát TTHC, trong đó, trọng tâm là việc rà soát văn bản của BHXH Việt Nam để đánh giá toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, các quy định của ngành có liên quan đến TTHC. Từ đó kịp thời phát hiện để kiến nghị loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của cá nhân, tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục