(HBĐT) - Theo số liệu của Công an tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 23/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ đuối nước, làm 14 người chết. Trong đó, 10/11 vụ xảy ra trong thời gian từ ngày 8/4 - 23/7. Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra trong mùa hè, mùa mưa lũ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo để mỗi người, mỗi gia đình cần cẩn trọng hơn.


Người dân nên tuân thủ quy định an toàn, không nên đến quá gần khu vực xả lũ. ảnh chụp tại khu vực xả lũ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Từ ngày 8 - 20/7, 4 người chết vì nước lũ

Từ đầu tháng 7, ở các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh ta nói riêng xảy ra những đợt mưa lớn. Với địa hình đồi, núi, hệ thống sông, suối phân bố tương đối dày, tình trạng ngập úng cục bộ đã xảy ra. Nước dồn về nhiều, chảy siết, gây nguy hiểm cho người, phương tiện đi lại, nhất là khi đi qua các ngầm tràn.

Chỉ tính từ ngày 8 - 20/7, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước, làm 4 người chết. Riêng trong ngày 8/7, tại huyện Lương Sơn xảy ra 2 vụ, 2 người chết do sơ sảy khi đi qua suối, ngầm vào buổi chiều và tối. Cụ thể, một trường hợp trên đường đi làm về qua khe suối Vòng, xóm Đồng Bưởi, xã Trường Sơn bị nước lũ đầu nguồn chảy siết cuốn trôi. Một trường hợp khi đi qua ngầm Hùng Sơn, xã Tân Vinh cũng bị nước lũ chảy mạnh cuốn trôi. Ngày 20/7, tại huyện Lạc Thủy xảy ra 1 vụ đuối nước, làm 2 người chết. Anh Nguyễn Văn Trung và anh Phạm Văn Hoàn đi ra gò đồi thuộc khu vực cánh đồng thôn Phú Đồi, xã Thanh Nông bằng thuyền vỏ tôn nhỏ. Theo nhận định của lực lượng chức năng, do mưa lớn, nước dâng cao và lốc xoáy làm lật thuyền. Đến sáng 21/7, thi thể 2 nạn nhân đã được tìm thấy tại khu vực cánh đồng Phú Đồi.

Theo số liệu của UBND tỉnh, trong 6 năm gần đây (từ năm 2011 - tháng 4/2017), 22 người chết do thiên tai. Trong đó, 16 người bị lũ cuốn trôi do chủ quan đi qua ngầm khi lũ lớn, 1 người chết do lật thuyền, 2 người chết do sạt lở đất, đá, 3 người chết do sét đánh.

7 vụ, 9 trẻ tử vong vì đuối nước

Mùa hè là dịp nghỉ hè nên trẻ em thường rủ nhau đi tắm sông, suối, ao, hồ. Không có sự giám sát của người lớn, không biết bơi, không lường trước được nguy hiểm đã dẫn đến những vụ trẻ em chết đuối thương tâm.

Tính từ đầu năm đến ngày 23/7, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ trẻ em đuối nước làm 9 trẻ tử vong. Trong đó, tập trung ở 3 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Thủy. Cụ thể, ngày 20/2 là trường hợp trẻ sinh năm 2005 ở xã Đú Sáng (Kim Bôi). Ngày 8/4, hai chị em ruột sinh năm 2006 và 2008 trong 1 gia đình ở xóm Cơi 2, xã Suối Nánh (Đà Bắc) rủ nhau đi tắm suối cùng bị đuối nước tử vong. Trong tháng 5 liên tiếp xảy ra 3 vụ trẻ em sinh các năm 2015, 2012, 2008 đi tắm suối bị đuối nước tử vong ở các xã Tân Pheo (Đà Bắc), xã Kim Truy và xã Sơn Thủy (Kim Bôi). Mới đây nhất, ngày 23/7, trên sông Bôi tại khu vực gầm cầu treo thôn Cui, xã Hưng Thi (Lạc Thủy), 2 trẻ sinh năm 2012 rủ nhau đi tắm sông cùng bị chết đuối.

Ngoài nguyên nhân đuối nước do tắm suối còn có trường hợp cháu bé mới 2 tuổi ở xóm Nà Phang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) bị chết đuối do ngã xuống ao nuôi cá của gia đình.

Mỗi người, mỗi gia đình cần cẩn trọng hơn

Tính từ đầu năm đến ngày 23/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ đuối nước, làm 14 người chết. Phân tích các vụ tử vong do đuối nước thời gian gần đây cho thấy, đối với trẻ em, bên cạnh nguyên nhân như đã nêu trên còn do thiếu sân chơi, môi trường sống chưa an toàn. Đối với người lớn, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, mưa lũ, vẫn còn sự chủ quan, bất cẩn. Khi tắm hoặc lưu thông trên sông, hồ không có thiết bị đảm bảo an toàn như áo phao. Khi thấy nước lũ dâng cao, nước chảy siết vẫn cố đi qua ngầm tràn. Để chủ động ứng phó với việc vận hành xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn chỉ đạo. UBND TP Hòa Bình phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình và các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, bố trí lực lượng ngăn cấm, cưỡng chế người dân vào khu vực nguy hiểm để quay phim, chụp ảnh khi thủy điện xả lũ. Song, nhiều người dân vẫn đi vào khu vực cắm biển nguy hiểm, thậm chí bế cả trẻ em lên xem. Người câu cá vẫn đứng trên thành tường ngay cạnh biển cấm…

Để phòng, tránh đuối nước, mỗi gia đình, mỗi người cần cẩn trọng hơn. Không nên chủ quan với tính mạng của mình, con em mình. Tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn, không nên đến quá gần khu vực xả lũ, không cố đi qua ngầm tràn khi nước lũ dâng cao, chảy siết… Khi tắm sông, suối, hồ… có thiết bị bảo vệ như áo phao. Không nên tắm ở những khu vực nước xoáy, nước sâu, nơi có biển cấm tắm. Học kỹ năng bơi, cấp cứu đúng cách khi gặp trường hợp đuối nước. Theo Sở LĐ-TB&XH, các gia đình cần quản lý, giám sát con em mình, nhất là trong dịp nghỉ hè, mùa mưa lũ, dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ. Các gia đình có bể nước, giếng nên làm nắp đậy. Gia đình có ao, hồ nước cạnh nhà nên làm rào chắn đề phòng trẻ chơi ngã xuống. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà trường tuyên truyền, tạo sân chơi lành mạnh, môi trường an toàn cho trẻ…


                                                                                            Cẩm lệ


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục