Tại buổi họp kéo dài hơn hai giờ đồng hồ tại Bộ Y tế chiều 10-8 với đại diện các cục, vụ, Sở Y tế Hà Nội, viện, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt ra một loạt câu hỏi với các cơ quan chuyên môn: vì sao vẫn chưa khống chế được dịch SXH? Tại sao đã có nhiều giải pháp quyết liệt mà số ca mắc vẫn tăng? Vì sao các bệnh viện vẫn tiếp tục quá tải?
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đang là địa phương có số mắc cao nhất tại các tỉnh phía Bắc. Tính đến ngày 9-8, toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 mắc và bảy trường hợp tử vong. Có 91% xã phường có người mắc SXH. Số mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2016 do dịch đến sớm hơn ba tháng. Số bệnh nhân đang còn phải điều trị tại bệnh viện là 1.673 trường hợp (12% tổng số bệnh nhân), còn lại đều đã khỏi bệnh.
Trước câu hỏi: "vì sao Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp vẫn chưa khống chế được dịch?", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh phân tích, Hà Nội đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khách quan như nền nhiệt độ miền bắc cao hơn trước, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường chưa tốt, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống, công trường với số dân vãng lai đông. "Tại huyện Ba Vì, có 70 ca mắc SXH thì có 69 ca di cư từ nội đô về” – ông Hoàng Đức Hạnh dẫn chứng. Bên cạnh đó, ngoài sự lưu hành của tuýp 1, 2 thì hiện nay, ở quận Tây Hồ đã phát hiện thêm SXH tuýp 4 nên tỷ lệ miễn dịch tuýp này kém khiến ca mắc nhiều hơn.
Về chủ quan, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch: 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo tình hình dịch SXH trên địa bàn.
Nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, vừa qua, Hà Nội triển khai nhiều biện pháp, huy động nhiều đội tình nguyện để vận động, tuyên truyền và phun thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, đội ngũ tình nguyện này triển khai chưa quyết liệt trong công tác diệt bọ gậy, lăng quăng nên hiệu quả dập các ổ dịch chưa cao, dẫn tới chưa khống chế được dịch SXH.
Vì sao vẫn quá tải và nằm ghép?
Bộ trưởng Y tế đặt câu hỏi, Hà Nội có khoảng 13 nghìn ca mắc, trung bình mỗi tuần tối đa có 3.000 ca mắc, số nhập viện khoảng 300-600, vì sao vẫn phải nằm ghép? "Số phải nằm nội trú quá lớn so với số mắc hằng ngày. Trong đó, chắc chắn có những ca không nhất thiết phải chỉ định nằm viện. Cần phải phân loại bệnh nhân để tránh tối đa nằm ghép, nằm hành lang, nằm ở cả phòng họp… làm khổ bệnh nhân, tốn nhân lực tập trung vào các ca nặng hơn” – Bộ trưởng phân tích.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh cho biết, nếu như ngày 21-7 chỉ có 944 ca mắc SXH (Hà Nội có 798 ca, chiếm 78%) thì đến 10-8, trong tổng số 2.027 mắc SXH ở địa bàn thủ đô, có 1.761 ca là người Hà Nội, chiếm 87%. Trung bình, mỗi ngày tại Hà Nội có hàng nghìn lượt khám do SXH, nhập viện điều trị khoảng 10-20%.
Là bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cao điểm có ngày viện có tới 1.000 lượt khám vì SXH. 10-20% số mắc có biểu hiện SXH Dengue nặng được chỉ định nhập viện, ca nhẹ hơn được chuyển sang cơ sở 2.
PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích, khả năng tái nhiễm của tuýp 2 tăng cao tại địa bàn Hà Nội. Đặc biệt của SXH năm nay là các bệnh nhân mắc đều men gan cao, dẫn tới tình trạng mệt, kiệt sức nên thường dồn lên tuyến trên. Nhiều bệnh nhân tìm mọi cách để xin được nằm viện, kể cả nằm ghép, nằm ở hành lang và không chịu điều trị tại các trung tâm y tế phường, xã hoặc cơ sở y tế tư nhân. "Vài tuần nữa, khi sinh viên về Hà Nội thì số bệnh nhân sẽ còn tăng gấp bội phần chứ không dừng ở hàng nghìn ca” – GS Kính nhận định.
Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày có khoảng 300 ca đến khám và có 500 ca điều trị nội trú. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có khoảng 40% số bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, không nhất thiết phải nằm viện để xảy ra tình trạng nằm ghép, nằm cả ở hành lang bệnh viện. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu BV Thanh Nhàn phải tách bệnh nhân theo hướng đeo biển dán màu phân loại ca bệnh để điều trị, chuyển bệnh nhân xuống các địa bàn sở tại và cho ra viện sớm những ca nhẹ.
Cần phải hạ hỏa SXH bằng chiến dịch phun
Xác định biện pháp chính của phòng, chống SXH là dựa vào cộng đồng cùng chung tay diệt bọ gậy, lăng quăng và muỗi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để quyết tâm dập tắt dịch. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 50 đội xung kích diệt bọ gậy, phối hợp với Ban chỉ huy quân sự để có những nhân lực trẻ, khỏe đi phun thuốc.
Đến nay, có 308 xã, phường thành lập đội, chiếm 53% trên địa bàn. Mỗi đội có hai thành viên, phụ trách 30-50 hộ gia đình. Theo lịch, cứ bảy ngày, đội xung kích sẽ đến những hộ này tuyên truyền về diệt bọ gậy. Hà Nội hiện có hai máy phun cỡ lớn, tiến hành phun mù lạnh trên diện rộng và đang thử nghiệm phun mù nóng và sắp tới sẽ tiến hành phun mỗi ngày/xã (phường).
Bộ trưởng Y tế cũng nhận định, thời tiết đang thuận lợi cho dịch SXH tiếp tục gia tăng. Mùa hè cũng là mùa phản ứng chéo của bệnh dịch. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội quyết liệt hơn nữa để phòng, chống dịch. Cần thiết, sẽ huy động các tỉnh lân cận hỗ trợ máy móc, tập huấn cho đội ngũ phun trong nhà, phun ngoài trên diện rộng. "Cần phải hạ hỏa SXH bằng chiến dịch phun” – Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng lưu ý những điểm nóng cần phải tiến hành ngay là bệnh viện, chợ, trường học, khu lán trọ, công trường và phun 3 lần/tháng. Yêu cầu Hà Nội phải tăng từ 2 lên 20 xe phun thuốc mù lạnh trên diện rộng.
Với các bệnh viện đang quá tải, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục sàng lọc, phân loại bệnh nhân, chuyển bớt xuống tuyến dưới để giảm tải, tập trung điều trị cho những ca nặng.
TheoNhanDan