Theo Cục trưởng Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, Việt Nam có lưu hành của cả bốn tuýp vi rút. Khi có thay đổi sự lưu hành của tuýp vi rút, dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu cộng đồng chưa có miễn dịch với tuýp vi rút này. Tại Hà Nội, thời gian qua đã có sự xuất hiện của virus tuýp 4 bên cạnh sự lưu hành trước nay của visus tuýp 1, 2. Đây được nhận định là một trong những nguyên nhân khiến người dân tại Hà Nội chưa có miễn dịch với tuýp này và dễ mắc lại SXHD.
Sau khi hút máu người có chứa virus dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vi rút nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi trở thành nhiễm virus và có thể truyền virus dengue cho những người khác khi muỗi đốt. Mặt khác muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Chính sự hút máu nhiều lần của muỗi có thể giải thích tính bùng nổ tự nhiên của các vụ dịch với việc tìm thấy ít các số lượng muỗi cái trong ổ dịch.
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo những người đã mắc sốt xuất huyết cũng cần nằm màn để tránh muỗi vằn đốt, truyền bệnh cho mọi người chung quanh.
Theo phân tích của các chuyên gia truyền nhiễm, khả năng truyền virus sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm vi rút huyết. Nhiễm vi rút huyết có thể có 6 -18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày.
Theo đó, bác sĩ khuyến cáo, nguồn bệnh SXHD là người mang vi rút dengue, đặc biệt là những người mắc bệnh ở thể nhẹ hoặc người nhiễm virus mà không phát bệnh đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan dịch bệnh, bởi vì những người này vẫn đi lại được, họ có thể di chuyển và mang virus từ vùng này sang vùng khác.
Với đặc tính hút máu và làm lan truyền virus dengue trong cộng đồng để gây bệnh cho con người của muỗi như vậy, không thể chỉ có người lành phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân mà để phòng bệnh cho người lành, ngoài các biện pháp dự phòng chung, một biện pháp rất cần được chú ý là người bệnh SXHD điều trị tại nhà cũng cần ngủ màn, mặc quần áo dài… để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác.
Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, phát hiện lên tới khoảng 30 loại dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản của muỗi hay gặp là bể nước mưa, chậu hoa có nước, bát có nước kê chân chạn, các dụng cụ phế thải xô chậu, vại sành, chai lọ, vỏ hộp đựng cơm, nước uống, vỏ gáo dừa, lon bia, lốp xe, lọ hoa đặt trên bàn thờ lâu ngày không thay nước…, thậm chí có cả trong khay nước dùng để hứng nước đọng của tủ lạnh.