Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ NN &PTNT, Bộ Công Thương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý ATTP; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về ATTP cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ NN &PTNT, Bộ Công Thương đề xuất mô hình quản lý ATTP; xây dựng hệ thống thông tin hỏi - đáp phục vụ người dân, cung cấp thông tin, phản ánh về ATTP; có các giải pháp để giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn.
Bộ NN &PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP được phân công tổ chức chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý, bảo đảm ATTP theo Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương thống nhất mô hình quản lý ATTP phù hợp với tình hình hiện nay; đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản bộ máy QLNN về ATTP các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Tài chính bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý ATTP theo dự toán; có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương trong việc sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về ATTP để phục vụ QLNN về ATTP, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm ATTP.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.ư phân cấp quản lý, hướng dẫn công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác ATTP theo hình thức kiêm nhiệm.
P.V