Nhiều bệnh nhi mắc bệnh hen phế quản, viêm tiểu phế quản nhập viện mùa đông - xuân. Đó là một trường hợp vô cùng đáng tiếc được ThS.BS Ngô Anh Vinh
(Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương) thông tin với chúng tôi
chiều 23-2.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán, bệnh nhi có tiền sử hen sang
nhà bác chơi nhưng quên không mang theo thuốc dự phòng để cắt cơn hen. Khi
lên cơn hen cấp, bệnh nhi khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ
đường thở cho cháu nhưng không kịp. Bệnh nhi rơi vào tình trạng nặng, tím tái
và ngất xỉu. Khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh nhi bị
ngưng tuần hoàn, tím tái, mạch không bắt được. Các bác sĩ đã cấp cứu xử lý ngừng
tim, cho đặt nội khí quản hỗ trợ thở giúp bệnh nhi có tim trở lại.
Bệnh nhi ngay lập tức được đưa đến Khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh
viện Nhi Trung ương vào ngày 18-2 (mùng 3 Tết). Qua thăm khám, các chỉ số tim
mạch của bé trong giới hạn bình thường và tiếp tục cho thở máy. Tuy nhiên,
khi kiểm tra thần kinh, các bác sĩ nhận thấy cháu không có phản xạ, đồng tử
giãn to, mất phản xạ về ánh sáng, không đáp ứng với kích thích.
"Bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng vì
thiếu ô xi kéo dài, do bệnh nhi bị lên cơn hen cấp nhưng không được xử lý kịp
thời. Chúng tôi đánh giá bệnh nhi tổn thương não không thể hồi phục. Hiện
chúng tôi vẫn đang hỗ trợ tuần hoàn để duy trì chức năng sống cho cháu” – BS
Vinh cho hay.
Rất tiếc cho trường hợp nguy kịch tính mạng vì hen cấp, BS Vinh
chia sẻ, bệnh hen hoàn toàn dự phòng được. Trong trường hợp này, do gia đình
chủ quan, không mang thuốc dự phòng cho con để xử trí kịp thời.
Không được chủ quan với hen trong mùa đông xuân
Hen phế quản nói chung và hen phế quản trẻ em nói riêng đã trở
thành một bệnh lý xã hội, mang tính toàn cầu. Tần suất mắc hen phế quản đang
có xu hướng tăng cao trên toàn thế giới. Hiện nay nhiều nơi tỷ lệ hen phế quản
đã ở con số đáng lo sợ như ở Úc là 13 – 15%, Pháp 8 – 10% ; Mỹ 5 – 7%.
Hiện nay, hen phế quản trẻ em được dự báo là có tỷ lệ mắc cũng rất
cao. Hơn nữa hậu quả của hen phế quản và tình trạng lâm sàng ngày càng nặng
là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Khoa Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương hằng
năm tiếp nhận rất nhiều trẻ bị hen phế quản vào điều trị. Trong vài năm gần
đây số lượng bệnh nhi hen phế quản tăng lên rõ rệt.
Triệu chứng lâm sàng thể điển hình như trẻ ngứa họng, mũi, ho từng
cơn, xuất hiện các cơn khó thở kiểu co thắt, tắc nghẽn, khó thở ra là chính,
phổi có ran rít ran ngáy, thông khí phổi giảm. Nhiều khi, trẻ có biểu hiện
suy hô hấp, rút lõm lồng ngực rõ rệt. Cuối cơn ho, khó thở, trẻ có thể ho khạc
ra đờm trắng dính, sau đó thuyên giảm. Cơn khó thở thường xuất hiện nửa đêm về
sáng, đột ngột hay có triệu chứng nóng ngực, khó chịu trước đó. Cơn khó thở
thuyên giảm hay đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản.
BS Vinh cảnh báo, thời tiết mùa đông – xuân rất thuận lợi cho bệnh
hen, đặc biệt là cơn hen cấp ở người có tiền sử bệnh hen. Vì thế, những người
bị bệnh hen nên khám và kiểm tra định kỳ để tránh lên cơn hen cấp. Thuốc dự
phòng hen cần được điều chỉnh theo bậc hen và mức độ kiểm soát hen của bệnh
nhân. Do vậy việc tuân thủ điều trị và khám lại, giữ liên lạc chặt chẽ với
bác sĩ dị ứng của người bệnh là yếu tố quan trọng trong quản lý hen triệt để.
"Cơn hen cấp có thể khởi phát bất kỳ lúc nào, nên những bệnh nhân mặc dù đã
được điều trị qua cơn hen cấp cũng hết sức lưu ý đến lịch hẹn đi khám chuyên
khoa định kỳ” – BS Vinh nói.
Để phòng bệnh hen, các gia đình có người bị hen cần phải chú ý
mang theo thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn hen, xử lý theo đúng hướng dẫn của
bác sĩ khi có khởi phát cơn hen. Khi lên cơn hen cấp, nếu gia đình có thuốc cắt
cơn tại nhà sẽ xử lý theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và sau đó đưa
bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để có những xử lý kịp thời.
Đặc biệt, ở thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm là điều kiện
thuận lợi cho khởi phát cơn hen, các gia đình cần giám sát chặt chẽ con mình
để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe
vì bệnh hen.
|
TheoNhandan