(HBĐT)) - Với số lượng xe gắn máy gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn kém; sự hiểu biết về bảo hộ trong lao động có những hạn chế… Điều này đi đôi với việc chấn thương cột sống và tủy sống cũng ngày một gia tăng theo.


Bác sỹ khoa phẫu thuật thần kinh- cột sống- ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra, đánh giá mức độ hồi phục vận động của bệnh nhân sau phẫu thuật cột sống.

Hằng năm, Khoa Phẫu thuật thần kinh- Cột sống- Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận và phẫu thuật hàng trăm bệnh nhân chấn thương cột sống, tủy sống. Và phần lớn trong số này thực hiện cấp cứu ban đầu chưa đúng làm tăng thêm những tổn thương khiến người bệnh bị tàn phế hoặc để lại di chứng nặng nề. Thực tế đó đặt ra vấn đề: khi có chấn thương cột sống xảy ra, phải thực hiện sơ cứu ban đầu như thế nào nhằm hạn chế tối đa tình trạng tổn thương thêm cho người bệnh?

 Cuối tháng 2/2018, Khoa Phẫu thuật thần kinh- Cột sống- Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn R. (trú tại thôn Lục Cả, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi) trong tình trạng tổn thương liệt tứ chi, không còn khả năng vận động. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, ông R. bị tai nạn giao thông, kết quả chụp X- quang cột sống cổ không thấy tổn thương đặc biệt gì về xương nên gia đình đưa ông về nhà tự chăm sóc. Sau 6 ngày, với những diễn biến xấu về sức khỏe kể trên, bệnh nhân được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, bác sỹ điều trị đã chỉ định chụp cộng hưởng từ và phát hiện bệnh nhân có tổn thương dập tủy sống cổ, thoát vị đĩa đệm nặng ở vùng tương ứng. Bệnh nhân sau đó đã được phẫu thuật lấy bỏ đĩa đệm, giải phóng chèn ép, cố định cột sống tạo điều kiện cho sự phục hồi chức năng tủy sống. Hiện nay, bệnh nhân đã vận động tốt 2 chi trên và bước đầu hồi phục vận động 2 chi dưới.

 Qua quá trình điều trị và đánh giá về tình trạng bệnh nhân khi nhập viện, cho thấy nếu bệnh nhân R. được sơ cứu đúng cách có thể hạn chế những tổn thương nặng nề kể trên. Như vậy, trước một vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động... việc cứu giúp nạn nhân là vô cùng cần thiết và phải được tiến hành khẩn trương. Nhưng đôi khi, trong lúc vội vã, chúng ta thường quên hoặc không biết rằng, những động tác cứu giúp không đúng có thể làm nặng thêm những tổn thương cho người bệnh, đặc biệt là chấn thương cột sống nói chung và chấn thương cột sống cổ nói riêng. Do vậy việc đánh giá đúng triệu chứng, mức độ tổn thương tủy có vai trò rất quan trọng trong quá trình sơ cấp cứu và điều trị bệnh lý này.

 Biểu hiện triệu chứng của chấn thương cột sống phụ thuộc mức độ và vị trí tổn thương. Nếu tổn thương chỉ ở phần các đốt sống chưa ảnh hưởng tới tủy sống, triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ vùng bị tổn thương. Nếu đã có chèn ép hoặc tổn thương tủy sống, các triệu chứng sẽ phụ thuộc đoạn tủy bị tổn thương. Thông thường, tổn thương cột sống có các biểu hiện chung như: rối loạn cảm giác (tê, bì tay chân); yếu, liệt tay chân; đau khu vực bị tổn thương… Riêng tổn thương đốt sống cổ còn gây khó thở do yếu hoặc liệt cơ hô hấp.

 Xử trí bệnh nhân chấn thương cột sống phải đặc biệt thận trọng, ngay từ bước sơ cứu đầu tiên. Nguyên tắc hàng đầu của cấp cứu bệnh nhân chấn thương cột sống là bất động tránh di lệch đoạn cột sống đã bị tổn thương và đảm bảo các chức năng sống cho người bệnh (hô hấp, tuần hoàn…). Khi vận chuyển bệnh nhân, nếu không có cáng cứng theo tiêu chuẩn phải có nhiều người cùng đứng một bên đỡ bệnh nhân để đảm bảo cho cột sống bệnh nhân vẫn được cố định thẳng. Tránh khiêng, xốc, vác nạn nhân trên vai, cõng trên lưng, khiêng bằng cáng mềm, võng, chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy, bẻ gập lưng trong xe taxi... dễ làm tăng tổn thương nặng thêm cho bệnh nhân. Mặt khác, ở tuyến cơ sở tránh điều trị loay hoay khi chưa chẩn đoán rõ vì việc này sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, làm mất thời gian can thiệp ở giai đoạn sớm, giảm khả năng phục hồi tốt hơn cho người bệnh sau này. Khi đã vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa, cần nhanh chóng xác định rõ tổn thương tủy sống bằng thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để có thể sử dụng ngay liệu pháp corticoid liều cao và xét chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

 

Ths, Bác sỹ Trương Như Hiển 

(Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh- Cột sống- Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục