Bệnh tay - chân - miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian gần đây (tháng 9 ghi nhận 52 ca, tháng 10 ghi nhận 33 ca). Riêng huyện Cao Phong có 4 ổ dịch tại các xã: Thung Nai, Yên Lập, Bình Thanh, Dũng Phong.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Vinh, Trạm trưởng trạm y tế xã Bình Thanh cho biết: Trong tháng 9 đến giữa tháng 10, trạm y tế xã ghi nhận 3 trường hợp bị tay - chân - miệng đến khám và điều trị tại trạm. Hầu hết các cháu phát hiện bệnh ở nhà đưa đến trạm khám, chữa. Gia đình cũng báo với nhà trường cho các cháu nghỉ học. Những ca bệnh này phát hiện ở ổ dịch từ năm trước. Sau khi có ca bệnh đầu tiên, chúng tôi báo với Trung tâm Y tế huyện tiến hành xử lý dịch bằng hình thức rửa, khử trùng các đồ chơi, vật dụng của các cháu tại gia đình. Nhắc nhở các bậc phụ huynh chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi nào các cháu khỏi mới đưa đến lớp. Đồng thời cũng tuyên truyền cho phụ huynh những cháu bị bệnh và chưa bị bệnh thường xuyên vệ sinh cá nhân, đặc biệt là răng miệng ở nhà để phòng bệnh.
Giáo viên trường mầm non Bình Thanh (Cao Phong) hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để phòng, chống dịch bệnh.
Cô giáo Đinh Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng trường mầm non Bình Thanh cho biết: Sau khi gia đình thông báo có cháu bị bệnh tay - chân - miệng, nhà trường cho học sinh nghỉ một buổi học tiến hành các biện pháp phòng dịch như khử trùng đồ dùng, đồ chơi, phun thuốc cloraminB bên trong và ngoài lớp học. Tuyên truyền cho các cháu thực hiện nghiêm túc các thao tác vệ sinh như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... Thường xuyên theo dõi các cháu có biểu biện bệnh đưa ngay đến trạm y tế xã. Từ giữa tháng 10 đến nay, trường chưa phát hiện thêm cháu nào mắc bệnh.
Xã Thung Nai có ổ dịch từ năm ngoái, đến cuối tháng 9/2018 trên địa bàn xã phát hiện 12 cháu bị tay - chân - miệng. Ông Bùi Minh Thầm, Trạm trưởng trạm y tế xã Thung Nai cho biết: Các cháu bị bệnh sống rải rác trên địa bàn xã. Sau khi phát hiện bệnh, trạm y tế xã báo cáo Trung tâm Y tế huyện triển khai dập dịch ngay tại địa phương. Tiến hành phun thuốc khử trùng nơi các cháu sinh sống cách 100 m trở lại. Rửa dụng cụ các cháu thường xuyên tiếp xúc. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền trong vùng có dịch và chuẩn bị lượng hoá chất cần thiết để xử lý dịch. Do vậy, mặc dù nhiều cháu bị bệnh nhưng không có cháu nào chuyển tuyến trên.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dịch bệnh tay – chân – miệng vẫn có thể xảy ra đến hết tháng 12 dương lịch hàng năm. Do vậy, ở những ổ dịch cũ cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như tuyên truyền tới từng hộ gia đình, đặc biệt là bà mẹ, người chăm sóc trẻ tại các hộ có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Đối với người dân cần thực hiện 3 sạch: ăn, uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Việt Lâm