Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Việt Nam mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia. Mức tiêu thụ rượu bia theo đầu người vẫn có xu hướng tiếp tục tăng.
Tính bình quân đầu người trên 15 tuổi ở cả hai giới, một người Việt uống 8,3 lít cồn nguyên chất năm 2016, bằng Thái Lan. Các nước trong khu vực tiêu thụ ở mức thấp hơn nhiều, ví dụ Mông Cổ 7,4 lít, Trung Quốc 7,2 lít, Campuchia 6,7 lít, Philippines 6,6 lít và người Singapore chỉ 2 lít.
Số liệu của Bộ Y tế cũng cho thấy trong 5 năm từ 2010, số nam giới Việt uống rượu bia đã tăng 15%. Một người đàn ông Việt Nam trung bình tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất một năm, xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới. Hơn 44% nam và 1,2% nữ sử dụng rượu bia ở mức có hại, tức trong 30 ngày qua có ít nhất một lần uống từ 60 g cồn trở lên.
Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm, tai nạn giao thông, bạo lực và thương tích. Theo đó, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới tuổi 15-49. Khoảng 800 ca tử vong do bạo lực và 30% số vụ gây rối trật tự xã hội mỗi năm do rượu bia. Theo nghiên cứu của Học viện cảnh sát tại 11 tỉnh, năm 2015 có 70% vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu bia. Việt Nam phải chi 65 nghìn tỷ đồng mỗi năm để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra.
Năm 2015, trong kỳ họp Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại vào năm 2030. Sử dụng rượu bia được xem là yếu tố gây cản trở sự phát triển bền vững của con người. Do đó chính phủ cần hành lang pháp lý mạnh nhằm phòng chống tác hại của rượu bia.
Đồ uống có cồn được xem là một trong các yếu tố gây nhiều vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của con người. Ảnh: Medical News Today. |
3 tháng qua dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang được lấy ý kiến rộng rãi. Nhiều phương án quản lý việc kinh doanh rượu bia được đề xuất như chỉ được phép bán theo giờ, quy định tuổi được phép mua đồ uống có cồn, đánh thuế cao với doanh nghiệp ngành bia rượu, cấm quảng cáo bia... Có 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế cho dự thảo. Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn tất dự thảo để trình Chính phủ.