"Trong số 14 ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đây là lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến câu chuyện cảm động về người bố trẻ sinh năm 1992 "tranh quyền” với vợ để hiến gan cho cô con gái mới một tuổi”, TS, BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương kể về ca ghép gan nhi nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam. 


TS, BS Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại khám định kỳ cho cháu bé.

Bố thay mẹ hiến gan, để mẹ có sức khỏe chăm em bé

Bệnh nhi TVHV (12 tháng tuổi, trú tại Mỹ Lộc, Nam Định) đã trở thành em bé nhỏ tuổi nhất Việt Nam với cân nặng nhỏ nhất đã được ghép gan thành công từ người hiến là bố của bé. Một câu chuyện đẹp đẽ - một sự trao tặng đầy yêu thương của ông bố quân nhân còn rất trẻ dành cho con mình.

Từ lúc sinh ra đời, cô công chúa nhỏ đã bị vàng da ứ mật do hội chứng rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp PFIC type 2. Bệnh nhi đáp ứng kém với điều trị, xuất hiện các triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, suy gan và thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan.

BS Anh Hoa cho biết, so với cháu bé khác, tình trạng bệnh nhi diễn biến tương đối nhanh, suy gan chỉ hơn 10 tháng tuổi. Khi 11 tháng, chỉ số bệnh tính điểm gan ở giai đoạn cuối, có chỉ định ghép gan tuyệt đối, nếu không sẽ bị tử vong vì biến chứng của suy gan. Cuộc trao đổi với gia đình về chỉ định ghép gan diễn ra nhanh chóng.

Bố cháu bé là TVT, 27 tuổi kể, cả gia đình vừa mừng vừa lo trước cơ hội mang lại sự sống cho cháu. Mừng vì các chỉ số của cả bố và mẹ đều phù hợp để hiến gan và cả gia đình nội, ngoại đều quyết tâm dành cơ hội sống cho con cháu mình. Lo vì hai vợ chồng mới cưới còn rất vất vả, chồng là một quân nhân, vợ là giáo viên đã xin nghỉ từ khi mang bầu, kinh tế chỉ đủ ăn.



Hành trình tìm lại sự sống cho con gái đầy cảm động.

"Em có hai đêm thức trắng để nghĩ về cơ hội của con mình. Vợ em muốn hiến gan, nhưng em nghĩ, vợ em còn phải có sức khỏe để chăm em bé sau này, nên em nghĩ, em phải là người hiến”, T kể bằng một suy nghĩ rất đơn giản nhưng đầy tinh thần trách nhiệm của một người trụ cột trong gia đình. Lúc ấy, T bảo, em không nghĩ gì tới việc em là lao động chính trong nhà, sẽ còn phải có sức để kiếm kinh tế nuôi gia đình. Và lúc ấy, gia đình đã phải vay mượn khắp nơi hơn bốn trăm triệu đồng để dành sự sống cho con.

Câu chuyện đẹp đẽ này làm rung động trái tim những người làm bố, làm mẹ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù kinh phí rất tốn kém, nhưng Ban Giám đốc bệnh viện đã hỗ trợ rất nhiều trong mời chuyên gia, tổ chức cuộc ghép, miễn giảm cho gia đình.

BS Anh Hoa kể, trong số 13 ca ghép gan tại bệnh viện, có tới bảy ca là mẹ hiến gan, còn lại là quyết định hiến các cô, dì, chú, bác và thậm chí cả bà. Nhưng đây là ca hiến gan đầu tiên mà người bố tranh phần hiến. "Đây là điều chúng tôi vô cùng xúc động và cảm kích, vì ông bố là một quân nhân còn rất trẻ”, BS Hoa xúc động nói.

Cả ê-kíp đã phần nào yên tâm trước ca mổ vì ghép gan yêu cầu cao về sự hòa hợp mô. Sự hòa hợp mô của bố, mẹ và người thân cao hơn người lạ, sẽ hỗ trợ cháu bé chống thải ghép sau này.

12 giờ phẫu thuật, ba lần phải nối lại mạch máu

Ngày 1-4, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS, TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ca ghép gan cho bệnh nhi được thực hiện. TS, BS Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại cho biết, đây là một ca phẫu thuật cân não với ê-kíp nhất từ trước đến nay. Kíp phẫu thuật hơn 40 người, làm việc suốt 12 giờ đồng hồ với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia ghép tạng tới từ Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Loan (Trung Quốc).

"Nếu ghép gan cả khối hai người cho nhau, về mặt kỹ thuật dễ dàng hơn rất nhiều vì các cuống mạch đều to, dễ nối. Trường hợp này bệnh nhân nhỏ, chỉ 6,7kg, do đó những cuống mạch rất bé, chỉ khoảng 1,5 ml. Nếu nhìn bằng mắt thường khó nên chúng tôi phải nối dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi điện tử. Tổ chức nhu mô của cháu bé còn rất non nên nếu chỉ một động tác làm thô bạo hoặc không đúng sẽ thất bại”, TS Hiền nói.

TS Đặng Ánh Dương, Phó Trưởng khoa Hồi sức ngoại kể, so với 13 ca ghép gan trước đây, ca ghép gan cho bé V là một thách thức rất lớn với cả ê-kíp. Em bé chưa đầy một tuổi với cân nặng chỉ 6,7 kg – nhỏ nhất từ trước đến nay được ghép gan có nhu mô non yếu nên chỉ cần gập nhẹ vào động mạch sẽ khiến động mạch dập, không nối thông động mạch được, dẫn tới bị tắc mạch, làm hỏng mất khối ghép.



Các y, bác sĩ theo dõi các chỉ số của bệnh nhân.

12 giờ trong phòng mổ, các bác sĩ đã gặp phải một quá trình không thuận lợi, phải cắt mạch máu tới ba lần. BS Dương kể "Vì mạch máu rất nhỏ, chỉ 1,5ml nên khi nối lại, xảy ra hiện tượng mạch máu dưới khối ghép không tốt, nguồn cung cấp dinh dưỡng chính không bảo đảm nên chúng tôi phải cắt mạch máu tới ba lần để ghép lại”.

Tiên lượng về hồi sức sau mổ khó khăn cũng đã được tính trước. Sau 12 giờ phẫu thuật, ra phòng hồi sức, bệnh nhi có có nhiều rối loạn, phải hồi sức tích cực để bảo đảm chức năng sống và chức năng khối ghép. "May mắn chúng tôi đã làm chủ được vấn đề hồi sức. Sau ba ngày bé tiến triển tốt, các kỹ năng sống bảo đảm, chức năng khối ghép có sự phục hồi nên các xét nghiệm đánh giá chức năng khối ghép tiến triển tốt”, TS Dương chia sẻ.

Sau tám ngày nằm khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi đã được chuyển lên khoa Gan mật với một sự chăm sóc đặc biệt để bảo đảm chức năng sống, chống rối loạn điện giải, chống nhiễm trùng, dùng thuốc chống ức chế thải ghép, chống tắc mạch… Đến nay, ngày thứ 22 sau mổ, bước đầu khối ghép đã hoạt động, cháu bé đã ăn uống và sự lưu thông của tiêu hóa, đường mật đã trở lại.

TS Dương đánh giá, hiện tại em bé ăn tốt, không có nhiễm trùng và cơ thể em bé thích nghi khối ghép tốt, gan phát triển chức năng rất tốt. Có thể 1-2 tuần nữa em bé có thể ra viện.

Dù vẫn còn phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, nhưng TS Phạm Duy Hiền cho biết, các bác sĩ trẻ tại đây đang từng bước học hỏi về kỹ thuật mổ xẻ và cả kiến thức chăm sóc cho bệnh nhân trước, trong và sau mổ, để đáp ứng được quyết tâm rất lớn của Ban Giám đốc bệnh viện là đưa Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành một trung tâm ghép gan nhi. Điều này giúp tăng thêm cơ hội sống cho các em nhỏ, không còn phải ra nước ngoài ghép gan với chi phí tốn kém hàng trăm nghìn đô.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhân có nhu cầu ghép gan rất nhiều. Nhưng em bé bị dị tật teo đường mật bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa giai đoạn cuối đều phải ghép gan mới có cơ hội sống. "Trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ tự chủ hoàn toàn về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cố gắng hoàn thiện quy trình, bảo đảm chi phí hợp lý nhất để các em có cơ hội chữa bệnh”, TS Hiền khẳng định.


Em bé đang bình phục rất tốt.

Chiều 22-4, 22 ngày sau mổ, da của em bé V đã bớt vàng hơn, hiếu động hơn trong vòng tay bố mẹ. Em bé đã tăng 500gr sau 22 ngày mổ, ăn được 60-90ml sữa/lần. Hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt bé V đã bù đắp cho sự lo lắng, thấp thỏm suốt nhiều ngày tháng qua của bố mẹ, cho sức khỏe của người bố trẻ đã hiến 16% lá gan (hai thùy gan). Dù chặng đường để chăm sóc bé V còn rất dài, còn nặng về kinh tế mua thuốc, nhưng T cho biết, chỉ cần con bình phục, khỏe mạnh và phát triển bình thường, có vất vả bao nhiêu, T và vợ cũng sẽ gồng mình để lo được.

                                                                                  Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục