Gần 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm còn khá lạ lẫm với cộng đồng xã hội nhưng lại rất đỗi quen thuộc đối với những gia đình có trẻ bị khuyết tật về tâm lý, tự kỷ, tăng động. "Tiếng lành đồn xa”, hiện tại, không chỉ người dân ở Hòa Bình đưa con đến trung tâm điều trị mà nhiều gia đình ở các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ và một vài huyện ở Hà Nội giáp ranh với Hòa Bình đưa con đến gửi gắm.
Trung tâm hiện có 15 cán bộ, giáo viên. Do công việc đặc thù nên 100% giáo viên được đào tạo chuyên sâu về khoa tâm lý học và giáo dục đặc biệt. Với sự hỗ trợ của các giáo sư, tiến sỹ Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương; Khoa Giáo dục đặc biệt - trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, trung tâm đã ứng dụng những tiến bộ KH&CN để nâng cao chất lượng hoạt động. Từ đầu năm đến nay, trung tâm tiếp nhận 160 trẻ vào can thiệp, hỗ trợ. Hàng tháng, trung tâm tổ chức đánh giá mức độ, kết quả can thiệp, trên cơ sở đó có phác đồ can thiệp, trị liệu mới cho từng trẻ và đưa trẻ hòa nhập khi đã can thiệp thành công. Cuối tháng 5 vừa qua, trung tâm tổ chức họp phụ huynh để cùng đánh giá đầu ra - can thiệp thành công cho 75 trẻ trở về hòa nhập, học tập tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Giờ học của các cháu nhỏ tại Trung tâm Khoa học công nghệ kỹ thuật - giáo dục tỉnh Hòa Bình.
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ tự kỷ đến với cộng đồng, đầu năm nay, Trung tâm tổ chức buổi tọa đàm và chia sẻ kinh nghiệm với ban giám hiệu và giáo viên các trường mầm non công lập, cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn TP Hòa Bình. Nội dung tọa đàm là "Phương pháp phát triển kỹ năng tương tác cho trẻ tự kỷ, tăng động, giảm chú ý” đang học hòa nhập tại các trường. Tiếp đó, trung tâm mở 3 lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, dạy trẻ tự kỷ, trẻ tăng động, trẻ giảm chú ý, trẻ khuyết tật về trí tuệ; 3 lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con cho các bậc phụ huynh. Đánh giá phát hiện khuyết tật và tư vấn miễn phí cho 292 trẻ trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, trung tâm tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tới Bệnh viện Nhi Trung ương học tập phương pháp chuẩn đoán và can thiệp sớm từ các chuyên gia tâm lý hàng đầu của Mỹ. Một mặt, ứng dụng các phương pháp KHCN tiên tiến trong giáo dục chuyên biệt như phương pháp Picture Exchange Communication System (viết tắt là PECS), Applied Behaviour Analysis (viết tắt là ABA), kết hợp tâm vận động (là các hoạt động trị liệu như massagesa điều hòa cảm giác, vận động phối hợp giúp trẻ điều phối các cơ, chi linh hoạt...).
Chị Đặng Thị Linh, Giám đốc trung tâm chia sẻ: Từ khi thành lập đến nay, trung tâm duy trì các hoạt động như: Tổ chức hợp tác với các cơ sở trong nước và nước ngoài cùng chức năng, nhiệm vụ đào tạo, triển khai các dự án, đề án ứng dụng KHCN giáo dục trong khuôn khổ của pháp luật. Phát hiện người khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp. Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng. Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng; tổ chức các hoạt động can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tăng động giảm chú ý; hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho giáo viên chuyên biệt, hoà nhập; mở các cuộc tập huấn, chia sẻ kỹ năng cơ bản cho phụ huynh về cách nuôi dạy, chăm sóc và cùng con trưởng thành...
Nỗ lực kết nối, liên kết với các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hòa Bình để mở các lớp can thiệp tại chỗ cho trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ khuyết tật về trí tuệ; mời các bác sỹ, chuyên gia tâm lý về khám sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ khuyết tật về trí tuệ; cử giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Trung tâm KHCN kỹ thuật - giáo dục tỉnh Hòa Bình đã và đang phấn đấu để trở thành đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục chuyên biệt của tỉnh.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Ngày 22/8, tại Nhà văn hóa huyện Tân Lạc, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện Tân Lạc tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2019.